/ 19
26

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 12

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 22/06/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mọi người xem điều thứ tư “không vọng ngữ” trong thập giới môn:

“Bốn, không vọng ngữ, nếu chưa chứng tứ quả mà nói dối đã chứng, chưa đắc tứ thiền mà nói dối đã đắc, chưa ngộ đạo mà nói dối đã ngộ, và nói dối trời đến, rồng đến, quỷ thần đến v.v., hư dối không thật, lừa dối người đời thì gọi là đại vọng ngữ, phạm trọng tội, mất giới sa-di, không thể sám hối. Nếu công phu hơi có chút đắc lực, nhưng không biết pháp tướng, cho là chứng quả thì gọi là tăng thượng mạn, vốn không có tâm lừa gạt cho nên không mất giới thể, song phải thưa thỉnh các bậc sư trưởng đã tu chứng để phán định rõ đúng sai, khẩn thiết sám hối, xả bỏ cái tâm có sở đắc, tinh tấn mong cầu những đạo lý chân thật để xuất ly thì mới mong không bị đọa lạc. Nếu vốn muốn nói dối nhưng nói không rõ ràng nên người nghe không hiểu được, hoặc đang nói mà dừng lại không nói nữa thì đều phạm tội phương tiện bậc trung có thể sám hối, cần gấp rút sám hối để tiêu trừ tội.

Lại nữa, miệng có bốn lỗi: một là nói dối, hai là nói thêu dệt, ba là nói ly gián, bốn là nói thô ác. Thứ nhất, nói dối là thấy mà nói không thấy, không thấy nhưng lại nói thấy. Nghe, giác, biết v.v. đều như vậy. Lại nữa, sự thật là có nhưng lại nói là không, sự thật là không mà lại nói có, lừa dối người khác thì đều gọi là nói dối. Đây là tánh tội, người phạm tội phải nhanh chóng sám hối, thề không tái phạm. Nếu không sửa đổi thì hiện đời bị người khinh bỉ, chết đọa vào ba đường ác. Thứ hai, nói thêu dệt là lời nói vô nghĩa không có lợi, từ ngữ thuận theo thế tục làm tăng trưởng tâm phóng dật, quên mất chánh niệm, cũng phải nhanh chóng sám hối thề không tái phạm. Nếu không sửa đổi thì hiện đời bị người khinh chê, chết đọa vào đường ác. Thứ ba, nói ly gián là gặp người này thì nói xấu người kia, gặp người kia thì nói xấu người này, tạo thành chuyện thị phi, chia rẽ người thân bạn bè, cũng là tánh tội, phải mau chóng sám hối, thề không tái phạm nữa. Nếu phạm phải thì hiện đời bị người oán ghét, chết đọa địa ngục. Thứ tư, nói thô ác là mắng chửi nguyền rủa khiến người không chịu được, đây cũng là tánh tội, phải mau chóng sám hối để đoạn trừ. Nếu phạm tội này thì hiện đời bị người căm giận, chết đọa vào ba đường ác. Luật Nhiếp nói: đệ tử Phật thường nói lời chân thật, không được thề thốt để chứng tỏ mình trong sạch, dù người khác không tin tưởng, dù bị vu oan vu cáo cũng không được thề”.

Đoạn văn này tương đối dài, bởi vì “nói dối” là thuộc về khẩu nghiệp. Người thông thường tạo khẩu nghiệp là nhiều nhất, cho nên ở đây lời văn nói về điều giới này là dài nhất. Chúng ta cũng chia điều giới này ra làm bảy khoa lớn để nói rõ.

Thứ nhất là “tổng thuyết đề nghĩa”, phía sau chia làm ba khoa nhỏ. Thứ nhất là “giải thích sơ lược tiêu đề”, tiêu đề này gọi là “không vọng ngữ”. Vọng ngữ tức là điều trong tâm nghĩ và lời nói ra từ miệng trái ngược nhau, chính là nói những lời hư dối không thật, lừa gạt người khác, đây gọi là vọng ngữ. “Không” là hành môn để đối trị, “vọng ngữ” là lỗi lầm được đối trị. Cái đối trị và cái được đối trị hợp chung lại cho nên gọi là không vọng ngữ. Chính thức chế định điều giới không vọng ngữ này là “đại vọng ngữ”, bao gồm đối trị cả bốn lỗi của khẩu nghiệp là: nói dối, nói thêu dệt, nói thô ác, nói ly gián. Nói dối cũng có thể gọi là tiểu vọng ngữ, để phân biệt với đại vọng ngữ. Giả sử, nếu vì cứu giúp chúng sanh, họ có cấp nạn khiếp sợ, có nỗi khổ lớn; hoặc vì nhiếp phục bảo hộ người khác, giúp họ có thể cải tà quy chánh, dứt ác hành thiện, bản thân mình không có tâm phạm giới, mà chỉ phương tiện nói dối thì điều này cũng không phạm.

Tiếp theo nói, khoa nhỏ thứ hai là “ý nghĩa chế giới”, vì sao Phật phải chế định giới không vọng ngữ này. Trong Giới Bổn Sớ của Nam Sơn Tam Đại Bộ có nói như sau: “Thánh đạo vô lậu không phải là quả vị mà phàm phu chứng được, do chưa chứng được nhưng lại giả mạo nói dối mình đã chứng đắc để mê hoặc nhiễu loạn tâm chúng sanh, lừa gạt người đời để mong cầu có được danh lợi, khiến chánh pháp lu mờ, hòng lừa gạt chúng sanh hiện thời, trong các tội lỗi thì tội này nặng nhất, cho nên phải cực lực ngăn chặn. Lại nữa, người xuất gia lời nói ra phải chân thật, dù có mất thân mạng cũng không được nói lời hư dối, sai lệch. Nay lại trái ngược với tâm tưởng của mình, trêu đùa lừa dối người, khiến người hiểu lầm, làm bản thân mất đi lợi ích tốt lành, tội này rất lớn, cũng tổn hại chúng sanh rất nghiêm trọng, cho nên chế định giới này”.

/ 19