/ 19
40

 Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 10

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 20/06/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp trên mạng tôn kính. Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mọi người mở 10 giới sa-di, điều thứ ba là không dâm dục. Trước khi giảng điều giới thứ ba này, tôi bổ sung thêm một đoạn kinh văn trong kinh Lăng-nghiêm trước, do lần trước vẫn chưa giảng kịp, chính là nói về giới không trộm cướp, chúng ta giảng qua đoạn kinh văn này trước. Trên kinh Lăng-nghiêm nói: “Lại nữa, nếu tâm chúng sanh trong lục đạo ở các thế giới không trộm cướp thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tiếp nối. Ông tu pháp tam-muội vốn để thoát trần lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm trộm cướp thì chẳng thể ra khỏi trần lao. Dù có đa trí, thiền định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ trộm cướp, tất sẽ lạc vào tà đạo: bậc thượng thì làm tinh linh, bậc trung thì làm yêu mị, bậc hạ thì làm tà nhân bị chúng mị ám nhập.” Đây là chương “Tứ chủng thanh tịnh minh hối” trong kinh Lăng-nghiêm, chúng tôi cũng đang giảng chương này mỗi tối vào thời khóa tối. Ở đây nói sơ lược qua một chút.

Trên kinh Lăng-nghiêm nói: Lại nữa, có chúng sanh trong lục đạo ở các thế giới, nếu tâm của họ không ôm giữ tâm trộm cướp thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử luân hồi chuyển tiếp liên tục. Phật nói với ngài A-nan rằng: Ông tu chánh định tam-muội vốn là để thoát khỏi trần lao, tức là phiền não của tam giới, song nếu ông không diệt trừ tâm trộm cướp thì không thể ra khỏi trần lao của thế gian được. Dù ông tu hành có nhiều trí tuệ và thiền định hiện tiền, nhưng nếu không đoạn trừ tâm trộm cướp thì nhất định sẽ lạc vào tà đạo. Tâm trộm cướp này có thể rất vi tế. Vi tế đến mức có một chút ý niệm chiếm lợi ích, có một chút suy nghĩ không nên có thì đều thuộc về tâm trộm. Đặc biệt là khi bản thân ở một mình thì việc phòng ngừa tâm trộm là quan trọng nhất. Ví dụ, quy củ trong tăng đoàn quy định bạn không được cất giấu điện thoại di động, bạn sợ bị người khác phát hiện nên buổi tối tự ở trong chăn xem điện thoại, đây chính là tâm trộm. Một chút tâm trộm này mà không trừ sạch thì dù bạn tu hành tốt đến mấy, được thiền định, khai trí tuệ thì quả báo cuối cùng nhất định sẽ đọa vào yêu đạo, chính là tà đạo, người yêu tà, phước báo của người yêu tà có lớn có nhỏ, lớn chính là bậc thượng, thì trở thành tinh linh. Những tinh linh này có thể trộm cướp tinh khí của nhật nguyệt để bổ sung cho mình, sẽ trở thành tinh linh. Người bậc trung, tu đến cuối cùng thì trở thành yêu mị, yêu mị thì trộm cướp tinh khí của người, thông thường chúng ta nói là âm hồn, ma quỷ.

Bậc hạ là tà nhân, thế nào là tà nhân? Tâm tà, sẽ chiêu cảm nhiều ma quỷ đến vây quanh. Ở đây nói “bậc hạ thì làm tà nhân bị các loại ma quỷ ám nhập”. Ý nghĩa của chữ “ám nhập” này, dùng lời hiện nay để nói thì chính là nhập thân. Hiện nay có rất nhiều, chúng ta tận mắt nhìn thấy không ít, họ từ sáng đến tối bị quỷ nhập thân, bản thân không làm chủ được. Họ cũng có ý thức, nhưng họ không thể kiểm soát được thân thể của mình, không thể khống chế bản thân tạo nghiệp, có người thậm chí không ý thức được cái gì hết, hoàn toàn mất kiểm soát, hoàn toàn bị quỷ thần khống chế. Con người vì sao chiêu cảm những quỷ thần nhập thân này? Vẫn là do lòng dạ của mình không chánh. Ở đây kinh Lăng-nghiêm nói là “tâm trộm không trừ bỏ”, tâm trộm không trừ sạch thì tương lai thường sẽ bị quỷ nhập thân. Kinh Lăng-nghiêm nói cho chúng ta rất rõ ràng, cho nên thấy không ít người tu hành xuất hiện tình trạng này, rất đáng thương. Phải biết sau khi quỷ nhập thân, muốn thoát ra không dễ dàng, họ nhất định sẽ giày vò bạn đến chết đi sống lại, khiến bạn tạo rất nhiều nghiệp. Chúng ta muốn tránh tình trạng này thì tâm địa của mình phải chánh, không được có loại tâm trộm này, nếu không tương lai nhất định sẽ bị ma dựa.

/ 19