129Thứ Sáu, 17/03/2023, 12:47
1190 · Không Nói Lỗi Lầm Của Người Khác

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 17/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1190

"KHÔNG NÓI LỖI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC”

Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý, khẩu nghiệp của chúng ta rất nặng, nếu có hai người ngồi nói chuyện với nhau thì chắc chắn họ sẽ nói lỗi của người khác. Hòa Thượng từng nói: “Tất cả thị phi khi đến tôi thì đều dừng lại!”. Khi có người nói chuyện thị phi phải trái, tốt xấu với Hòa Thượng thì Ngài nghe như không nghe, không để trong tâm. Khi những chuyện phải trái, tốt xấu đến, nếu chúng ta để trong tâm thì chúng ta đã làm mất đi tâm thanh tịnh của chính mình.

Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” câu đầu tiên của “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Hàng ngày, chúng ta miệng nào niệm Phật, niệm nào rảnh nói chuyện phải quấy của người?”. Nếu chúng ta nói lỗi người thì chúng ta sẽ tạo ra hiềm khích thậm chí sự thù oán với người. Chúng ta không niệm Phật thì chúng ta sẽ niệm thành bại, tốt xấu, hơn thua của người. Nếu chúng ta nghĩ Phật, tưởng Phật thì chắc chắn chúng ta không có thời gian nói lỗi của người.

Trong phép tu của Bồ Tát Đạo nói: “Bồ Tát ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp không để một chút bất thiện xen tạp”. Chúng ta phải thường nghĩ đến công hạnh của Phật A Di Đà, quán sát cách dụng tâm của Phật đối với chúng sanh mười phương. Chúng ta thường niệm “A Di Đà Phật” chính là chúng ta thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp. Chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật” một cách miên mật thì tâm chúng ta sẽ không có chút bất thiện nào xen tạp.

Người thế gian nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Chúng ta có thời gian rảnh thì chúng ta sẽ làm những việc bất thiện. Nếu chúng ta có thể mở được tâm thì có rất nhiều việc chúng ta có thể làm để giúp ích chúng sanh. Chúng ta có tâm tư lợi nên chúng ta nghĩ đến việc thiện ít, nghĩ đến việc bất thiện nhiều. Chúng ta không mở rộng tâm lượng thì chúng ta không thể chân thật học Phật. Chúng ta niệm Phật nhưng chúng ta không mở được tâm lượng rộng lớn thì chúng ta chỉ gieo duyên với Phật, chắc chắn chúng ta sẽ không thể có thành tựu. Chúng ta quán sát xem hiện tại, cách nghĩ, cách nói, cách làm của chúng ta có đủ tư cách làm cư dân của đất Phật không?

Hòa Thượng nói: “Người tu pháp môn Tịnh Độ thì phải chú trọng giữ tâm thanh tịnh. Chúng ta phải nuôi dưỡng tâm thanh tịnh bằng cách không ghi nhớ, không nói lỗi của người”. Chúng ta có tập khí sâu nặng là chúng ta chỉ ghi nhớ lỗi lầm mà không ghi nhớ điểm tốt của người.

Hòa Thượng nói: “Người khác nói lỗi lầm, nhục mạ, phỉ báng thậm chí giết hại chúng ta thì chúng ta cũng nhất định không có tâm báo oán!”. Việc này chúng ta không dễ làm! Chỉ cần có người nói lỗi lầm của chúng ta thì chúng ta đã ôm hận. Người khác phỉ báng chúng ta thường là do hành vi của chúng ta có sơ xuất, chúng ta nói mà không làm hoặc chỉ làm cho dễ coi. Nếu hành vi của chúng ta đĩnh đạc hơn người thì người khác sẽ tâm phục, khẩu phục. Người khác hãm hại chúng ta thì chắc chắn do chúng ta vẫn dụng tâm hãm hại người khác trong đời này hoặc trong đời quá khứ. Nếu trong đời quá khứ chúng ta hãm hại người khác thì đời này họ tìm đến chúng ta, đây chính là “oan oan tương báo”. Hòa Thượng nói: “Nếu có người giết chúng ta thì họ cũng không phải vô duyên vô cớ. Tất cả là nhân quả”. Chúng ta thấu hiểu đạo lý nhân quả thì chúng ta không ôm tâm báo oán.

Trước đây, có người nói tôi không ham tiền nhưng tôi ham danh. Tôi quán sát chính mình, ngày trước, khi có người khen tôi thì tôi vẫn cảm thấy vui vậy thì người ta mắng tôi là đúng. Hiện tại, tôi không dùng Facebook, Zalo nên tôi không nghe thấy lời khen chê của mọi người. Khi tôi mở Gmail, nếu tôi nhìn thấy những lời tán dương hay chê bai thì tôi đều không đọc, tôi chỉ đọc những Gmail của người nào cần tôi giúp đỡ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định không oán trời, trách người! Tất cả đều là do nhân quả, đều là chúng ta tự tác, tự thọ”. Nhà Phật nói: “Như thị nhân như thị quả”. Nhân như thế nào thì quả như thế đó. Chúng ta tạo nhân bất thiện thì chúng ta phải nhận quả bất thiện. Chúng ta gieo nhân yêu thương thì chúng ta sẽ nhận quả yêu thương. Hiện tại, tôi đến bất cứ nơi nào tôi cũng có rau sạch để ăn đó là vì tôi tích cực trồng rau tặng mọi người. Người xưa nói: “Quân tử thì vui làm quân tử. Tiểu nhân thì oan ức vẫn phải làm tiểu nhân”. Chúng ta sống trong cảnh nghèo khó là do đời trước chúng ta không tu nhân bố thí, đời này chúng ta không nỗ lực cải đổi. Nếu chúng ta oán trời, trách người thì chúng ta càng tạo thêm nghiệp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook