114Thứ Năm, 16/03/2023, 16:54
1189 · Phật Tùy Theo Căn Cơ Của Chúng Sanh Mà Nói Pháp

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 16/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1189

“PHẬT TÙY THEO CĂN CƠ CỦA CHÚNG SANH MÀ NÓI PHÁP”

Trên Kinh nói: Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly Kinh nhất tự cũng đồng Ma thuyết. Nếu chúng ta y theo Kinh mà giảng nghĩa thì ba đời Phật oan. Nếu chúng ta rời Kinh mà nói thì lời của chúng ta cũng giống như lời của Ma. Phật pháp không dễ hiểu, không dễ nói, chúng ta muốn hiểu thì chúng ta phải có người dạy, chúng ta muốn nói được thì chúng ta phải đạt đến trình độ tu học nhất định. Chúng ta thật tu, thật học, thật thể nghiệm thì lời nói của chúng ta nói ra mới là lời chân thật.

Hòa Thượng nói: “Phật nói ra pháp dựa trên hai nguyên tắc là “chân đế” và “tục đế”. “Chân đế” là cảnh giới thật chứng của Phật. “Tục đế” là cảnh giới tùy thuận theo thế tục, theo tri kiến của chúng sanh. Nếu Phật tùy thuận theo thế tục mà nói thì chúng ta dễ dàng hiểu được vì những điều này phù hợp với kiến giải của chúng ta. Nếu Phật tùy thuận theo cảnh giới thật chứng của Phật mà nói thì chúng ta có thể sẽ không hiểu, không tin”. Cảnh giới thật chứng của Phật chân thật cả về sự và lý. Chúng sanh không thể nhìn thấy nhưng Bồ Tát có thể nhìn thấy cảnh giới thật chứng của Phật.

Phật tùy thuận theo thế tục, theo tri kiến của chúng sanh để nói thí dụ như, Phật dạy chúng ta bố thí tiền tài thì sẽ có tiền tài, bố thí pháp thì sẽ thông minh, bố thí vô úy thì sẽ khỏe mạnh, sống lâu. Nếu Phật nói cảnh giới thật chứng của Phật cho chúng ta thì có những điều chúng ta không thể hiểu, không thể tin. Thí dụ, trước đây, Phật nói, trong bát nước có hàng vạn con vi khuẩn, khi đó chưa có kính hiển vi, nếu chúng ta dùng tri kiến của mình thì chúng ta không thể hiểu được. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật nói: “Trong một thế giới có vô số những hạt vi trần, trong những hạt vi trần đó lại có cả thế giới. Hạt vi trần không phình to, thế giới không thu nhỏ”. Chúng ta nghe có lẽ chúng ta không thể hiểu. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, khi phi thuyền bay cách trái đất hàng vạn dặm thì các nhà du hành nhìn thấy trái đất của chúng ta nhỏ như đầu đũa. Trên chấm nhỏ đó diễn ra tất cả những buồn vui, thương ghét, giận hờn, chiến tranh, tang tóc.

Hòa Thượng nói: “Phật nói pháp không rời khỏi hai nguyên tắc này, một là Ngài nói ra cảnh chứng mà chính mình đã thực chứng, hai là Ngài nói ra tùy thuận theo hoàn cảnh, đời sống hiện thực của chúng ta”. Nếu chúng ta hiểu rõ “chân đế” và “tục đế” thì chúng ta sẽ trải qua đời sống viên mãn. Thích Ca Mâu Ni Phật nói về cảnh giới của thế giới Tây Phương Cực Lạc, nơi cách chúng ta mười muôn ức cõi, nếu chúng ta tin khoa học, chúng ta chỉ tin những điều chúng ta chính mắt nhìn thấy vậy thì chính chúng ta bị thiệt thòi. Phật không bao giờ nói lời vọng ngữ, các Ngài chỉ nói lời chân thật, chúng ta phải tin lời của Phật!

Tôi tin pháp môn Tịnh Độ một cách chắc chật. Tôi tin là có thế giới Tây Phương Cực Lạc, có Phật A Di Đà vì tôi tin vào lời của Hòa Thượng. Hòa Thượng có thể giảng tất cả các Kinh nhưng Ngài chỉ một lòng một dạ niệm câu “A Di Đà Phật”. Khi Ngài ở đạo tràng của pháp môn Thiền Tông thì Ngài giảng về Thiền, khi Ngài ở đạo tràng của pháp môn Mật Tông thì Ngài giảng về Mật Tông, thậm chí Ngài có thể đến nhà thờ giảng Kinh Hữu Ước, Cựu Ước nhưng suốt cuộc đời Ngài chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”.

Nếu Phật nói những điều dựa trên cảnh giới của Ngài thì chúng ta không dễ tin nhưng chúng ta biết rằng, Phật chỉ nói lời chân thật! Điều quan trọng là điều đó có phải do Phật nói ra không vì tà Ma, ngoại đạo cũng nói lời họ nói ra là lời của Phật. Cách để chúng ta xác minh một lời dạy có phải là lời dạy của Phật hay không đó là những điều Phật nói thì sẽ tùy thuận theo tánh đức. Tánh đức của chúng ta là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Chúng ta học Phật là để chúng ta phục vụ chúng sanh tốt hơn, nếu ai dạy chúng ta “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì đó không phải là lời Phật. Chúng ta không học Phật với mục đích là “độc thiện kỳ thân”, học Phật chỉ để bản thân mình được tốt hơn. Chúng ta cần khởi một ý niệm “tự tư tự lợi” thì tâm Bồ Đề của chúng ta đã bị thui chột.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook