108Chủ Nhật, 12/02/2023, 12:32
1157 · Tâm Tịnh, Ý Niệm Thiện Tự Nhiên Biết Xả Mình Vì Người

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 12/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1157

“TÂM TỊNH, Ý NIỆM THIỆN TỰ NHIÊN BIẾT XẢ MÌNH VÌ NGƯỜI”

Tâm chúng ta xen tạp, đầy những ý niệm tư lợi, hư danh thì chúng ta không thể khởi được ý niệm xả mình vì người. Nếu tâm chúng ta bị khống chế bởi tâm được mất, hơn thua thì chúng ta sẽ không dám xả mình, vì người. Chúng ta thường sợ nhất là cái chết, sau đó là bệnh khổ và sự mệt mỏi đây chính là chúng ta có tâm được mất. Tâm được mất ngăn cản tâm lợi người. Chúng ta lo, sợ thì chúng ta cũng không thể tránh được cái chết và bệnh khổ! Chúng ta càng có tuổi thì bệnh khổ sẽ càng nhiều hơn. Thân tứ đại của chúng ta do đất, nước, gió, lửa hợp thành. Hơi ấm của cơ thể chúng ta là lửa, hơi thở là gió, thịt xương là đất, hơn 70% cơ thể là nước. Thân thể của chúng ta sẽ dần dần tan hoại.

Nhiều người nghĩ rằng mai đây, khi họ khỏe hơn thì họ sẽ hy sinh phụng hiến. Nếu chúng ta chờ ngày mai thì ngày đó sẽ không bao giờ đến. Chúng ta phải nhận biết một cách thấu đáo thật và giả. Chúng ta phải cố gắng vươn tới cái thật, buông xả cái giả. “Cái giả” chúng ta không muốn buông cũng phải buông. Từ ngàn xưa đến nay, rất nhiều người đi tìm thuốc trường sinh bất lão nhưng không ai đạt được mục đích đó. Họ không biết quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử là chắc thật, không ai tránh được.

Hiện nay, có những người sau khi mất họ gửi thân thể vào trung tâm đông lạnh xác để chờ được hồi sinh. Nếu họ có trí tuệ hơn, họ mang tiền dùng bảo lưu xác của mình để đi giúp chúng sanh thì họ sẽ có một sự tái sinh rất tốt. Họ không cần đợi để được tái sinh từ một xác chết. Một ngày, khoa học có thể làm cho họ tái sanh thì họ cũng chỉ có một mình, không quen biết ai. Con người “tự tư ích kỷ” họ muốn sống mãi đây là ý niệm bất thiện. Hòa Thượng nói: “Tâm tịnh, ý niệm thiện thì chúng ta sẽ biết xả mình vì người”.

Con người chỉ bám víu vào cái giả mà không bám víu vào cái thật. Giáo huấn của Phật Bồ Tát, của cổ Thánh Tiên Hiền là thật nhưng rất ít người thật tin. Nếu chúng ta thật tin thì chúng ta đã thật làm! Nếu chúng ta thật làm thì chúng ta sẽ có kết quả, thành tựu chân thật. Ý niệm “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn” của con người đã kết thành thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần. Những ngày qua, tại đất nước Thổ - Nhĩ – Kỳ diễn ra động đất rất tang thương. Nhiều người sau khi thoát khỏi đống đổ nát thì lại phải chịu cảnh đói, lạnh. Các nhà khoa học nói, sau hai trận động đất, thềm lục địa đã tạo thành vết nứt kéo dài khoảng 300km. Quân tình nguyện của nước chúng ta cũng đến tham gia tìm kiếm, cứu giúp người bị nạn. Con người không biết nguyên nhân của thiên tai là do ý niệm bất thiện của chính mình . Nhà Phật nói: “Một ý niệm thiện, một ý niệm bất thiện khởi lên thì đã châu biến pháp giới”. Chư Phật Bồ Tát nói: “Thế gian là vô thường, cõi nước là không an” hay “Bãi biển hóa nương dâu”.

Chúng ta chiếm một chút lợi thì người khác sẽ mất đi phần lợi đó. Chúng ta chiếm được hai phần lợi thì người khác sẽ mất đi hai phần lợi. Nếu con người sống yêu thương, cùng tồn tại, phát triển, nhường phần lợi cho người thì thế giới an hòa. Cách đây 10 năm khi tôi nghe Hòa Thượng nói về định nghĩa người quân tử của nhà Nho, tôi rất cảm động và cố gắng học theo. Hòa Thượng nói: “Quân tử thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”. Con người luôn có ý niệm “tự tự tự lợi”, ý niệm này sẽ gây ra hậu quả lâu dài. Có người khi thấy bờ sông phía bên mình bị lở, thì họ đắp lại bờ sông bên mình bằng bê-tông, lấn rộng ra lòng sông đến hơn 1m. Khi dòng chảy bị hẹp lại thì nước sẽ đập mạnh vào bờ sông bên kia khiến bờ bên kia bị lở đất vậy thì người dân sống ở đó sẽ bị ảnh hưởng. Con người chỉ nghĩ đến lợi ích của mình thì sẽ dẫn đến cạnh tranh, đấu tranh.

Chúng ta không thể ngồi chờ một ngày sẽ tự nhiên phát được tâm đại từ, đại bi, xả mình vì người mà chúng ta phải bắt đầu chỉnh sửa từ những ý niệm, những hành động nhỏ nhất để chúng ta có thể dần dần xả mình, vì người. Chúng ta cho rằng sau này mình sẽ làm được thì đó là ý niệm ảo tưởng. Chúng ta phải bắt đầu làm từ ngay bây giờ!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta cảm thấy mình có thân phận, địa vị đặc biệt, không giống người khác thì đây đã là ý niệm bất thiện. Chư Phật Bồ Tát, các bậc Thánh triết của thế gian và xuất thế gian, các Ngài đến thế gian hòa thành một mảng với chúng sanh đau khổ, thân phận không có sự đặc thù”. Chúng ta tự cho rằng chúng ta thông minh, trí tuệ hơn người, cao hơn người một bậc thì tâm chúng ta không còn thanh tịnh. Chúng ta có ý niệm trí tuệ, năng lực của chúng ta hơn người thì chúng ta chắc chắn sẽ không thể xả mình vì người. Người chứng sơ quả Tu Đà Hoàn của nhà Phật thì đã là vô ngã, không còn thấy mình. Chúng ta có “cái ta” thì chúng ta mới có buồn vui, đau khổ. Cái ta nhỏ bé đã hóa thành tất cả chúng sanh. Chúng sanh vui, buồn, đau khổ thì các Ngài cũng chung cảm xúc. “Không có cái ta” không phải là chúng ta trở thành người mất trí, không còn biết mình là ai mà chúng ta rõ ràng, tường tận mọi việc.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook