107Thứ Bảy, 11/02/2023, 08:48
1156 · Cái Gì Gọi Là Cảm Y Theo Lời Dạy Mà Làm Thì Gọi Là Cảm

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 11/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1155

“CÁI GÌ GỌI LÀ CẢM? Y THEO LỜI DẠY MÀ LÀM THÌ GỌI LÀ CẢM”

Chư Phật Bồ Tát đến thế gian là do chúng sanh có cảm. “Chúng sanh có cảm” là nhiều chúng sanh giác ngộ, phát tâm quay đầu nên Phật Bồ Tát đến. Người thế gian có tâm “danh vọng lợi dưỡng” nên họ cho rằng cúng dường nhiều, xây dựng chùa to thì Phật sẽ hoan hỷ đến. Chúng ta cho rằng tâm của Phật Bồ Tát cũng giống như tâm của phàm phu chúng ta thì chúng ta đã phạm tội rất nặng.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp đại từ, đại bi”. Tâm đại từ, đại bi là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, không có phân biệt, chấp trước. Tâm của phàm phu chúng ta đầy những phân biệt chấp trước. Phật Bồ Tát không có chướng ngại, các Ngài không có tâm phân biệt, chấp trước nên các Ngài không cưỡng cầu. Chúng sanh tha thiết được nghe lời giáo huấn thì các Ngài đến, chúng sanh không muốn nghe thì các Ngài ra đi.

Trong nhà Phật nói đến: “Thỉnh Phật trụ thế, thỉnh Phật chuyển pháp luân”. Chúng ta muốn thỉnh Phật chuyển thế thì phải chúng ta phải thật làm. Chúng ta muốn thỉnh Phật chuyển pháp luân thì chúng ta phải thật lắng nghe. Trong lớp học của chúng ta, nếu tất cả mọi người đều thật làm thì giáo huấn của Phật đang được tiếp nối. Khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta thuận theo lời giáo huấn của Phật vậy thì Phật vẫn đang trụ thế. Nếu Thích Ca Mâu Ni Phật còn trụ thế nhưng đệ tử không làm theo lời dạy của Ngài thì họ cũng không có được lợi ích. Khi Phật còn tại thế, nhóm lục quần tỳ kheo vẫn phạm trai, phá giới làm trái đi pháp hạnh của người tu hành. Mọi người thường đến thưa với Phật là người nào đó còn phạm lỗi nào do vậy Phật đã chế ra giới điều.

Tự tánh của chúng sanh vốn dĩ là thuần thịnh, thuần thiện. Chúng ta quay về với tự tánh thì khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta sẽ không có sai lầm. Chúng ta có xu hướng nương vào tập tánh hơn là hướng về tự tánh. Tập khí, phiền não của chúng ta ngày càng nhiều thì chúng ta hướng về tập tánh càng ngày càng nhanh. Chúng ta y theo lời Phật làm là chúng ta đang diễn pháp. Chúng ta làm đúng với lời Phật Bồ Tát đã dạy thì chính là chúng ta đang thỉnh Phật trụ thế.

Chúng ta cho rằng mình thiệt thòi vì chúng ta sinh ra trong thời kỳ Mạt Pháp, chúng ta không được gặp Phật. Hòa Thượng nói: “Phật pháp không có Mạt pháp, cũng không có Chánh pháp”. Chánh hay Mạt là do con người. Người y theo lời dạy của Phật để làm thì đó là họ đang sống trong thời kỳ Chánh pháp. Khi Phật còn tại thế, một số đệ tử vẫn không y theo lời dạy thậm chí làm trái với lời dạy của Phật. Ngày nay, người làm trái lời Phật dạy càng lúc càng nhiều. Người không y theo lời dạy mà làm thì dù họ sống trong thời kỳ Phật còn tại thế thì họ vẫn giống như đang sống trong thời kỳ Mạt pháp. Hiện tại, chúng ta được tiếp nhận Phật pháp nhưng chúng ta không làm y theo lời Phật dạy, chúng ta vẫn cảm tình dụng sự. Chúng ta vô điều kiện mà phục vụ người thì chúng ta mới chân thật có được lợi ích. Chúng ta đã quen với tập khí tham lam, bỏn xẻn, dính chặt vào cái ta, cái của ta.

Tôi trồng rau sạch và khuyến khích mọi người trồng rau nên tôi đi đến đâu tôi cũng được ăn rau sạch. Nếu tôi chỉ trồng rau sạch cho tôi ăn mà tôi không hướng dẫn người khác thì khi tôi đến nơi khác tôi sẽ không có rau sạch để ăn. Chúng ta làm lợi ích cho người cũng là chúng ta làm lợi ích cho chính mình. Chính chúng ta mang hình tượng của Phật đến nhân gian, đến gia đình, đoàn thể, xã hội thì đó chính là chúng ta thỉnh Phật trụ thế. Chúng ta đang làm theo lời giáo huấn của Phật thì đó là pháp luân của Phật đang được luân chuyển, là chúng ta đang thỉnh Phật chuyển pháp luân.

Chúng ta ở trong gia đình, trong đoàn thể, trong cộng đồng xã hội, nhiều người truy cầu “danh vọng lợi dưỡng” nhưng chúng ta khác biệt, chúng ta làm ra tấm gương tốt thì họ sẽ đến học hỏi chúng ta. Chúng ta chuyển lời dạy của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát thành khởi tâm động niệm, hành động tạo tác vậy thì giáo huấn của Thánh Hiền đang được luân chuyển, hình tượng của Thánh Hiền đang được biến hiện.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp vốn dĩ là an vui, là tự tại giải thoát nhưng vì sao chúng ta học Phật pháp mà chúng ta không an vui, không tự tại giải thoát?”. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta vẫn bị ràng buộc bởi chúng ta không y theo lời Phật dạy. Phật dạy chúng ta: “Cần tu Giới – Định – Tuệ. Diệt trừ Tham – Sân - Si”. Giới là những quy định của nhà Phật, luật pháp của quốc gia, phong tục của làng xóm. Chúng ta có Giới thì chúng ta sẽ có Định. Chúng ta có Định thì chúng ta sẽ có Tuệ. Người có trí tuệ thì làm việc gì cũng sẽ không có sai phạm. Nhiều người làm sai mà không biết mình làm sai vì họ không có trí tuệ, họ không phân biệt được phải trái, tốt xấu, tà chánh. Chúng ta phải diệt tận gốc Tham – Sân – Si chứ chúng ta không chỉ thay đổi đối tượng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook