104Thứ Hai, 13/02/2023, 12:32
1158 · Chính Mình Chưa Khai Ngộ, Nhất Định Không Thể Rời Lão Sư

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 13/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1158

“CHÍNH MÌNH CHƯA KHAI NGỘ, NHẤT ĐỊNH KHÔNG THỂ RỜI LÃO SƯ”

Hoà Thượng nhắc chúng ta: “Nếu chúng ta chưa khai ngộ thì chúng ta nhất định không thể rời Lão sư!”. “Lão sư” là những bậc tu hành đã chứng ngộ hay chính là các vị Phật Bồ Tát. Chúng ta thường niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, “Bổn” là gốc, là ban đầu. “” là Thầy. Thích Ca Mâu Ni Phật chính là vị Thầy ban đầu. Thích Ca Mâu Ni Phật, các Bậc Đại Bồ Tát, các bậc đại tu hành như Hòa Thượng Tịnh Không chính là các vị Lão sư. “Khai ngộ” là minh tâm kiến tánh. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã đạt được cảnh giới này. Chúng ta chưa đạt được cảnh giới này nên chúng ta phải tuyệt đối nghe theo lời dạy của Lão sư. “Lão sư” ở đây không phải là vị Thầy chúng ta ưa thích hay mến mộ. Khi tôi nói chuyện với một nhóm các bạn trẻ tu hành, họ nói họ có một minh sư, minh sư của họ 30 tuổi. Vậy thì “minh sư” của họ đã có bao nhiêu năm thực tiễn, chứng nghiệm những lời Phật dạy?

Khi có người đến nhờ Hòa Thượng ấn chứng cho họ là họ đã chứng ngộ, Hòa Thượng nói: “Các vị chưa chứng ngộ! Nếu các vị chứng ngộ thì các vị sẽ biết tôi chưa chứng ngộ. Tôi chỉ là một phàm phu bình thường nên tôi không thể ấn chứng cho các vị”. Hòa Thượng cả đời thật tu, thật làm, toàn tâm toàn lực vì chúng sanh. Khi Lão sư Lý Bỉnh Nam còn tại thế, Hòa Thượng luôn nghe theo sự chỉ đạo của Lão sư. Hoà Thượng cả đời chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ. Một người dẫn đạo chúng sanh mà mỗi pháp môn họ học một ít thì chắc chắn học trò của họ sẽ không có được lợi ích.

Hòa Thượng chưa phải là người khai ngộ nhưng suốt cuộc đời Ngài nghe theo lời Thầy của mình. Ngài luôn nói: “Giáo sư Phương Đông Mỹ nói”, “Đại sư Chương Gia nói”, “Lão sư Lý Bỉnh Nam nói”. Khi Hòa Thượng nói đến vị Thầy Phương Đông Mỹ, một giáo sư Triết học, Ngài thường nhắc đến phương pháp giáo dục gia giáo, phương pháp giáo dục một Thầy, một trò. Ngày trước tôi cũng được tiếp nhận một chút phương pháp gia giáo này, tôi đang dạy mọi người dịch thuật cũng theo phương pháp này. Nếu chúng ta học sâu về ngữ pháp, chúng ta phân biệt chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, các thành phần, cấu trúc câu thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian. Chúng ta nhìn từng câu văn để dịch thì chúng ta sẽ nhớ câu văn đó rất lâu. Nhiều người học theo phương pháp này đã có thể dịch rất tốt mặc dù họ không phân tích được ngữ pháp một cách rõ ràng. Khi dịch bộ Kinh đầu tiên thì chúng ta cảm thấy rất khó khăn, khi chúng ta dịch bộ Kinh thứ hai thì chúng ta sẽ cảm thấy dễ hơn, khi chúng ta dịch bộ Kinh thứ ba chúng ta thấy hoàn toàn không có chướng ngại.

Phàm phu chúng ta phiền não, tập khí sâu dày, chúng ta chưa khắc chế hoặc chỉ khắc chế được một phần nên chúng ta dễ dàng bị tập khí sai khiến. Khi chúng ta bị tập khí sai khiến thì chúng ta tạo nghiệp. Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định phải làm y theo lời dạy của Lão sư”. Một số người tu hành một thời gian thì họ cho rằng họ đủ năng lực, không cần nghe theo lời của người khác. Từ khi Hòa Thượng 30 tuổi đến khi Ngài hơn 90 tuổi, Ngài đều “Y giáo phụng hành”. Nghe lời dạy mà làm theo.

Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi không sáng tác. Tôi chỉ nghe theo và làm theo”. Hòa Thượng tinh thông tôn giáo, Nho giáo và giáo học của các tôn giáo chính thống trên thế giới nhưng Ngài không sáng tác, Ngài chỉ nói lại lời của Thầy. Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi chỉ giảng giải lại các chú giải của Thầy, tôi không có một tác phẩm nào của mình!”. Hòa Thượng là biểu pháp cho những người học trò. Người tự cho mình có đủ tri thức không cần phải tiếp nhận thêm thì họ không thể có thành tựu. Trí tuệ của chúng ta so với Phật Bồ Tát còn kém rất xa. Chúng ta làm được những việc lợi ích chúng sanh không đáng tính kể so với những việc Phật Bồ Tát đã làm. Hòa Thượng xuất gia năm 27 tuổi, Ngài giảng Kinh thuyết pháp khắp nơi trên thế giới, tận tâm vì chúng sanh nhưng Ngài vẫn luôn nhận mình chưa có bất cứ công trạng nào.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phát tâm hoằng pháp độ sinh, chúng ta phải có tín tâm kiên cố, có sức miễn nhiễm đối với “tài, sắc, danh, thực, thùy”. “Tài, sắc, danh, thực, thùy” là năm căn gốc dẫn chúng ta vào địa ngục. Chỉ cần chúng ta dính mắc một trong năm điều thì chúng ta đã đọa lạc. Nếu chúng ta có đủ năm điều thì chúng ta vĩnh viễn không thể thoát khỏi sự trói buộc của chúng”. Chúng ta tham danh thì chúng ta bị danh độ, chúng ta tham sắc thì chúng ta bị sắc độ, chúng ta rất dễ dàng bị “tài, sắc, danh, thực, thùy” dẫn dắt.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook