113Chủ Nhật, 29/01/2023, 16:21
1143 · Làm Người Khó, Học Phật Sẽ Càng Khó Hơn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 29/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1143

“LÀM NGƯỜI KHÓ, HỌC PHẬT SẼ CÀNG KHÓ HƠN”

Hàm ý của lời tựa này rất sâu sắc! Chúng ta làm tròn bổn phận, nghĩa phụ của con người mà chúng ta đã cảm thấy khó khăn vậy thì chúng ta học Phật sẽ càng khó khăn hơn! Chúng ta học Phật là chúng ta học cách mở tâm vì chúng sanh phục vụ vô điều kiện. Chúng ta làm bổn phận của con người đã khó khăn vậy thì chúng ta muốn làm bổn phận của Phật Bồ Tát còn khó hơn nhiều!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm người, điều khó khăn nhất là chúng ta không thể bao dung, cảm thông, hợp tác với nhau”. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể bao dung, tha thứ, thấu hiểu và hợp tác với người thân, những người quen biết của mình. Chúng ta chưa mở được tâm đối với người thân quen vậy thì đối với chúng sanh không quen biết, chúng sanh tận hư không khắp pháp giới chúng ta sẽ càng không thể mở được tâm.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta ở chung với người khác thì chúng ta càng cảm thấy làm người thật khó! Chúng ta khó dung hòa, hợp tác, bao dung đồng cảm với người vậy thì chúng ta học Phật sẽ càng khó hơn! Chúng ta gặp khó khăn vì chúng ta vẫn giữ chặt những tập khí của mình”. Trong “Tứ Y Pháp”, Phật khuyên chúng ta: “Y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất y ngữ. Y liễu nghĩa Kinh, bất y bất liễu nghĩa Kinh. Y trí bất y thức”. “Y trí bất y thức” là chúng ta y theo trí tuệ chứ không y theo tình cảm. Chúng ta quá chấp trước vào “cái ta”, “cái của ta” nên chúng ta thường hành xử theo tình cảm. Những đứa trẻ khi đến lớp được cô giáo dạy thì rất ngoan ngoãn nhưng khi trở về với Bố Mẹ thì chúng hoàn toàn thay đổi. Thánh Hiền, Phật Bồ Tát có thể thành thành tựu vì các Ngài buông bỏ những tập khí xấu ác. Chúng ta không cố gắng buông bỏ tập khí xấu ác thì chúng ta mãi là một phàm phu đau khổ.

Thích Ca Mâu Ni Phật trước khi xuất gia có thân phận là Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài có cuộc sống giàu sang, vợ đẹp, con xinh nhưng Ngài thấu hiểu, tất cả những vinh hoa phú quý đó chỉ là nhất thời. Nếu chúng ta không sáng suốt thì không ai có thể giúp được chúng ta. Chúng ta sáng suốt thì chúng ta sẽ giúp được cho chính mình và những người xung quanh. Thích Ca Mâu Ni Phật thấu hiểu kiếp nhân sinh nên Ngài đã xả bỏ tất cả. Ngài đã biến tình riêng thành tình chung. Từ tình yêu dành cho gia đình của mình Ngài đã mở rộng thành tình yêu cho tất cả những gia đình trong thế gian.

Hòa Thượng dạy chúng ta: “Chúng ta phải mở rộng tâm, chúng ta không chỉ yêu thương con mình, gia đình của mình mà chúng ta yêu thương tất cả những người con, những gia đình ở trên thế gian”. Chúng ta học Phật không phải để chúng ta trở thành những người vô tình, vong ân bội nghĩa. Chúng ta học Phật để chúng ta biết cách mở rộng tâm. Hòa Thượng nói: “Làm người khó, học Phật sẽ càng khó hơn!”. Chúng ta không làm được vai trò, bổn phận của con người mà chúng ta muốn làm Phật Bồ Tát thì đó là điều viển vông!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ cần làm một việc rất đơn giản là buông xả”. Chúng ta cảm thấy vô cùng khó khăn để buông xả vì tập khí, tâm bệnh của chúng ta quá sâu nặng! Nhiều người thề non, hẹn biển là họ sẽ triệt để thay đổi trong năm nay nhưng họ vẫn không thể thay đổi. Chúng ta luôn dính chặt vào “cái ta” và “cái của ta”. Chúng ta phân biệt giữa trường nơi mình đang công tác và các trường khác là chúng ta đã tạo ra sự cạnh tranh âm thầm. Chỉ cần một ý niệm phân biệt, chấp trước nhỏ nhen nhóm thì chúng ta đã không còn tâm vì chúng sanh.

Học Phật chính là học giác ngộ. Chúng ta học mức độ giác ngộ cao độ của Phật để chúng ta nhận ra được những tập khí, tâm bệnh vô cùng vi tế của mình. Hàng ngày, những tập khí này vẫn đang len lỏi trong cách khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế, hành động tạo tác của chúng ta. Điều này cũng không khó nhận ra, giống như chúng ta muốn biết mặt chúng ta có bị nhọ không thì chỉ cần chúng ta nhìn vào tấm gương. Hòa Thượng dạy: “Chúng ta không có trí tuệ của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của các Ngài”. Chúng ta muốn biết mình có vì “tự tư tự lợi” hay không thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của các Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát. Trí tuệ của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát ở trong lời giáo huấn của các Ngài. Chúng ta ngày ngày lắng nghe, ngày ngày tiếp nhận giáo huấn của các Ngài, dùng đó để soi chiếu, làm kính chiếu yêu thì chúng ta sẽ biết mình đang làm gì.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook