104Thứ Bảy, 28/01/2023, 16:35
1142 · Tùy Bệnh Cho Thuốc, Tùy Căn Tánh Mà Có Cách Giải

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 28/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1142

“TÙY BỆNH CHO THUỐC, TÙY CĂN TÁNH MÀ CÓ CÁCH GIẢI”

Người Thầy thuốc phải dựa trên tình trạng bệnh và thể trạng của bệnh nhân để kê toa thuốc. Nhà Phật cũng tùy theo căn tánh của chúng sanh mà nói pháp. Hòa Thượng nói: “Khi giảng pháp, một vị Lão sư luôn hướng đến một đối tượng hoặc một nhóm đối tượng riêng. Mọi người cùng lắng nghe nhưng nhóm đối tượng này sẽ có lợi ích thiết thực hơn. Đối tượng này có được mười phần lợi ích còn những người khác sẽ được ít lợi ích hơn”. Vị Lão sư thật tu, thật học sẽ có thể nhìn thấu căn tánh của người nghe. Khi chúng ta nghe pháp, người có bệnh giống như trong bài pháp nói thì họ sẽ cảm thấy như họ đang bị mắng.

Người ta thế gian không thích nghe Phật pháp chân chính mà họ chỉ thích nghe tà tri, tà kiến. Tà tri, tà kiến giúp con người thỏa mãn tiền tài, danh vọng còn Phật pháp chân chính khuyên con người buông xả “danh vọng lợi dưỡng”. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên!”. Người nào thích nghe lời khuyên thì chúng ta khuyên, người nào thích nghe gạt thì chúng ta không cần nói cho họ nghe. Nếu chúng ta tiếp tay cho họ để họ gạt người khác thì khi nhân quả đến chúng ta cũng phải gánh chịu. Chúng ta tùy tiện nhận quà của người khác thì khi nhân quả đến chúng ta sẽ phải nhận lấy. Nhà Phật nói: “Chúng sanh sợ quả không sợ nhân. Bồ Tát sợ nhân không sợ quả”. Chúng sanh tùy tiện tạo tác nhân nhưng khi quả đến thì họ khiếp sợ. Bồ Tát rất thận trọng khi làm nhưng khi quả báo đến thì các Ngài hoan hỷ tiếp nhận. Các Ngài biết quá khứ đã tạo nhân thì quả đến không thể trốn được. Nhà Phật nói đây là: “Nghịch đến thì thuận nhận”.

Người thật tu, thật học thì sẽ có thể tùy cơ thuyết giáo, tùy bệnh cho thuốc. Hòa Thượng không màng danh lợi, không có tâm tư riêng nên những lời Ngài nói là hoàn toàn vì chúng sanh. Người nào nói để được người khác ủng hộ, để có nhiều đồ chúng thì người đó có tâm tư lợi. Hòa Thượng nói một cách thẳng thắn: “Phật pháp chân chánh không nhắc đến tiền!”. Hòa Thượng không quản tiền nhưng Ngài vẫn có thể làm được rất nhiều việc để thúc đẩy giáo dục của Thánh Hiền, giáo dục của Phật Đà.

Hòa Thượng nói: “Giáo học của nhà Phật hằng thuận theo căn tánh khác nhau của chúng sanh”. Chúng sanh có căn tánh thượng, căn tính trung, căn tính hạ hay người đầu óc lanh lợi, đầu óc mụ mẫm thì Phật pháp đều có thể giáo dục. Chúng sanh tham khác nhau thì cách đối trị cũng khác nhau, có người ham ăn, ham ngủ nhưng có người ham tiền. Chư Phật Bồ Tát, các bậc Tổ Sư Đại Đức phải rất dụng công để có thể giáo dục được chúng sanh. Chúng ta học sắp xong 1200 đề tài, trong chúng ta chắc chắn có người chưa thay đổi giống như trong câu thơ: “Ta vẫn là ta từ thủa nào, từ thời xưa ấy đến ngày sau”. Chúng ta thậm chí còn tham, sân, si, mạn nhiều hơn nhưng chúng ta sẽ học tiếp 1200 đề tài nữa.

Hòa Thượng nói: “Giáo học của Phật ghi chép lại gọi là Kinh điển. Thế Tôn đã nói ra rất nhiều giáo huấn, mỗi bài học có độ sâu, rộng, cạn, hẹp khác nhau vì đại chúng lắng nghe có trình độ hoàn toàn khác nhau”. Đại chúng có căn tánh hoàn toàn khác nhau, người có học thức cao, người không có học thức nhưng khi nghe giáo huấn của Phật đều có được lợi ích. Giáo huấn của nhà Phật cũng giống như một cơn mưa. Cây lớn và cây nhỏ sẽ hấp thụ lượng nước vừa đủ khác nhau và đều có được lợi ích. Đây cũng là bài học sâu sắc cho những người làm giáo dục! Chúng ta làm giáo dục chúng ta không cưỡng cầu mà chúng ta tùy thuận theo căn tánh của từng người. Chúng ta tùy thuận chứ không đồng thuận. Người nào tiếp nhận thì chúng ta tận tâm, tận lực giúp họ. Người nào không tiếp nhận thì chúng ta cũng không cưỡng cầu, họ có thể đến nơi khác để học.

Trước đây, tôi cũng hết sức cưỡng cầu, tôi nghĩ rằng mọi người bỏ tu thì mọi người sẽ không có được lợi ích nên tôi cố gắng để tiếp xúc để giảng dạy họ nhưng cuối cùng họ oán trách tôi. Khi đó, tôi chưa hiểu rằng, mỗi người có cái nhìn, cái thấy rất khác biệt. Chúng ta không thể cưỡng cầu, không thể bắt họ phải thay đổi. Bài học hôm nay giúp tôi thấu hiểu hơn là mình phải hằng thuận chúng sanh. Chúng ta hằng thuận nhưng không tùy thuận, tùy duyên nhưng không theo duyên. Họ thích nghe thì chúng ta nói cho họ nghe, họ không thích nghe thì chúng ta hoan ngênh để họ đến nơi khác nghe. Điều quan trọng là chúng ta đã tận tâm tận lực, chúng ta không chểnh mảng với họ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook