13627/01/2023, 10:35 29/01/2023, 16:21
1141 · Làm Việc Tốt Không Người Biết Là Tích Âm Đức

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 27/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1141

“LÀM VIỆC TỐT KHÔNG NGƯỜI BIẾT LÀ TÍCH ÂM ĐỨC”

Chúng ta làm việc gì chúng ta cũng mong có người biết, nếu có người biết thì chúng ta làm hăng say, không có người biết thì chúng ta làm một cách chểnh mảng. Đây là tập khí rất sâu nặng của chúng sanh. Phật Bồ Tát có tâm “vô duyên đại từ”. Lòng từ không có lí do. Các Ngài đến để giúp chúng sanh hữu duyên, khi hết duyên thì Ngài ra đi. Chúng ta giúp chúng sanh phải có lý do nên chúng ta không thể tạo được công đức mà chúng ta chỉ tạo được một chút phước báu nhỏ. Công đức giúp chúng ta vượt thoát sinh tử. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta mới có thể có công đức.

Chư Phật Bồ Tát và các bậc Tổ Sư Đại Đức đến thế gian giúp chúng sanh và rồi ra đi. Điều này giống như người xưa thường nói: “Nhạn hóa trường không”. Cánh nhạn bay qua bầu trời và biến mất, không để lại dấu vết. Hòa Thượng dạy chúng ta buông xả, chúng ta làm những gì tốt nhất cho thế gian nhưng tâm chúng ta không lưu lại. Tâm chúng ta không lưu lại những việc chúng ta đã làm thì tâm chúng ta sẽ thanh tịnh. Nếu chúng ta lưu lại mọi việc trong tâm thì chúng ta sẽ chìm đắm trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta dùng tâm phân biệt, chấp trước để làm việc thiện thì việc thiện đó không còn là việc thiện. Chúng ta dùng tâm phân biệt, chấp trước niệm Phật thì câu Phật hiệu bị xen tạp bởi vọng tưởng. Nhiều người học Phật không có thành tựu vì họ dụng tâm sai.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm việc thiện không nên để người khác tán thán. Nếu chúng ta hy vọng người khác tán thán, biểu dương thì đó là tâm bất thiện”. Tâm chúng ta bất thiện vì chúng ta muốn người khác biết, muốn được người tán thán là chúng ta đã “tự tư tự lợi”. Tâm chúng ta bất thiện, chúng ta làm Phật sự thì Phật Sự đó cũng sẽ chuyển thành Ma sự. Nhiều người học Phật nhưng vẫn phiền não, chướng ngại, khổ đau nên họ cho rằng Phật không linh, không phù hộ, che chở cho họ.

Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định. Sức khỏe, tuổi thọ của chúng ta cũng do tiền định, do phước báu trong mạng đã định. Chúng ta phải tích cực tạo phước, tích phước. Người xưa nói: “Người phước sẽ ở đất phước. Đất phước chỉ dành cho người phước”. Chúng ta không thông được lý, trên sự chúng ta cũng làm chưa tới nên chúng ta gặp chướng ngại trùng trùng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm việc thiện không nên để người khác biết. Nếu chúng ta khoe khoang hoặc có người biết thì chúng ta làm tích cực, không có người biết thì chúng ta làm chểnh mảng vậy thì chúng ta không thể tích được công đức. Chúng ta làm mà chúng ta không để người khác biết, phước đức này càng tích càng sâu, tương lai quả báo của chúng ta rất thù thắng. Chúng ta làm việc tốt nhưng chúng ta để người khác biết, mọi người tán thán thì chúng ta đã hưởng hết phước. Đây là việc sai lầm!”.

Chúng sanh cần có tấm gương tốt, tấm gương đức hạnh, tấm gương chuyên cần, tinh tấn để họ làm theo. Đôi lúc, nếu vì chúng sanh thì chúng ta cũng cần nói ra để chúng sanh biết. Điều quan trọng là cách dụng tâm của chúng ta, chúng ta nói ra không vì muốn người khác khen ngợi, biểu dương chúng ta. Chúng ta phải quán sát xem chúng ta nói ra là vì mình hay vì người. Có người nói tôi hay khoe khoang. Họ lấy “Đệ Tử Quy” để nhắc nhở tôi phải: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”. Đây là lời Thánh Hiền nhắc nhở chúng sanh, chúng ta dùng để nhắc nhở chính mình chứ không dùng để soi lỗi của người.

Trong “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, Hòa Thượng nói: “Bố thí pháp là chúng ta chân thật làm ra tấm gương để người khác nhìn thấy thì sinh tâm ngưỡng mộ, kính trọng và tìm đến chúng ta để học tập”. Bố thí pháp không phải là chỉ in Kinh sách để bảo mọi người đọc trong khi mình không chân thật làm. Bố thí pháp là chúng ta chân thật làm ra được tấm gương.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm việc tốt không cần người khác tán dương. Nhưng chúng ta làm việc lỗi lầm, tạo nghiệp thì chúng ta phải mong muốn người khác biết. Họ phê bình, chỉ trích chúng ta thì tội nghiệp của chúng ta sẽ tiêu hết”. Rất nhiều người tạo tội, làm việc sai nhưng họ chỉ hướng đến Phật sám hối mong được tiêu nghiệp. Nhà Phật nói, chúng ta phải: “Phát lộ sám hối”. “Phát lộ” là chúng ta nói ra để người khác biết những sai lầm của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook