62Thứ Tư, 31/05/2023, 16:28
1125 · Ngày Nay Học Trò Nghe Lời Đã Là Khó Tìm

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 11/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1125

“NGÀY NAY HỌC TRÒ NGHE LỜI ĐÃ LÀ KHÓ TÌM”

Hòa Thượng nói: “Ngày nay, chúng ta tìm được học trò biết nghe lời đã là khó chứ chưa nói đến là chúng ta có thể tìm được học trò giỏi!”. Mối quan hệ của Thầy và trò là mối quan hệ: “Khả ngộ bất khả cầu”. Thầy và học trò gặp được nhau là do duyên chứ không thể cầu.

Thời kỳ Mạt Pháp, pháp môn Tịnh Độ chân thật có thể giúp chúng sanh thoát khỏi sáu cõi luân hồi, Hòa Thượng muốn hoằng dương pháp môn Tịnh Độ để nhiều chúng sanh có được lợi ích. Hòa Thượng bôn ba khắp nơi trên thế giới, khi Ngài về thăm Lão sư Lý Bỉnh Nam, Ngài nói với Thầy: “Con đi khắp nơi trên thế giới hoằng dương Phật pháp nhưng không có ai hỗ trợ. Thầy có thể dạy học trò để họ hỗ trợ con không!”. Lão sư Lý nói: “Nếu vậy thì ông đi tìm học trò cho tôi đi!”. Khi đó Hòa Thượng liền bừng tỉnh, từ đó Hòa Thượng không nhắc đến vấn đề này nữa. Thời Hòa Thượng sống cách chúng ta đã hơn 50 năm, ngày nay, người Thầy càng khó tìm được học trò biết nghe lời.

Chúng ta đang toàn tâm toàn ý đề xướng giáo dục Thánh Hiền. Chúng ta muốn mỗi gia đình đều chú ý đến giáo dục nền tảng đạo đức cho các con. Có những lúc chúng ta cảm thấy: “Tâm có thừa nhưng sức không đủ!”. Khi gặp các bậc trưởng bối khả kính, tôi chia sẻ với các Ngài là: “Con cảm thấy cô độc!”.

Trong tương lai, chúng ta đặt mục tiêu, mỗi tỉnh thành chúng ta sẽ xây dựng một trường mầm non, mỗi trường mầm non có khoảng 100 cháu. Nếu chúng ta làm được như vậy thì mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, mỗi đoàn thể được nhắc nhở về giáo dục chuẩn mực làm người. Trước đây, tôi đến chia sẻ với một trường mầm non ở tỉnh Long An, khi đó chúng tôi là nhóm “Que diêm nhỏ”, tôi tặng họ sách “Đệ Tử Quy”, trường của họ có đến 22.000 học sinh, nếu chúng ta có đại chúng cùng làm thì chúng ta sẽ có thể lan toả văn hóa truyền thống rất nhiều người.

Tôi rất cảm động khi có người phát tâm muốn phát triển giáo dục chuẩn mực đạo đức của Thánh Hiền. Nhưng nhiều người chỉ phát tâm vì chúng sanh được một thời gian ngắn thì họ đã bị “danh văn lợi dưỡng” nhấn chìm. Chúng ta có nghiệp chướng rất nặng, khi chúng ta tiếp xúc với đại chúng thì “danh văn lợi dưỡng” của chúng ta sẽ lớn dần. Chúng ta dùng “danh văn lợi dưỡng” là để chúng ta phục vụ chúng sanh được tốt hơn. Một số người phát tâm vì chúng sanh nhưng trước đây họ không tu phước nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, chúng ta có giúp họ để họ toàn tâm toàn ý phục vụ chúng sanh.

Khi Hòa Thượng sắp vãng sanh, Ngài nhắc nhiều đến giáo dục chuẩn mực, giáo dục nền tảng đạo đức. Đã có lần Hòa Thượng định vãng sanh nhưng vì trường liên cấp giáo dục văn hóa truyền thống chưa xây dựng xong nên mọi người thỉnh Ngài ở lại. Tổ Sư Ấn Quang là Tổ Sư của pháp môn Tịnh Độ nhưng Ngài cực lực in sách thiện như: “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “An Sĩ Toàn Thư”. Số lượng sách thiện được in ra nhiều hơn số lượng Kinh sách được in rất nhiều lần. Người thế gian tin sách thiện, làm việc thiện không làm việc ác thì xã hội cũng sẽ tốt hơn.

Khi Hòa Thượng còn trẻ, Ngài bôn ba khắp nơi trên thế giới đề xướng pháp môn Tịnh Độ. Hòa Thượng giảng bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” hơn mười lần nhưng khi Ngài sắp lâm chung Ngài cật lực đề xướng sách “Đệ Tử Quy”. Chúng sanh ngày nay, rất ít người muốn niệm Phật cầu vãng sanh nên có thể dạy họ trở thành người con hiếu thảo, người học trò ngoan đã tốt rồi! Nếu chúng ta đặt tiêu chuẩn quá cao thì mọi người cũng không làm được nên Ngài phải hạ dần mục tiêu giáo dục. Khi Hòa Thượng sắp vãng sanh, trong những đĩa khai thị ngắn 15 giây, 30 phút hay trong các đoạn ghi âm, Ngài đều nhắc đến giáo dục chuẩn mực làm người.

Phong khí xã hội ngày càng xuống thấp. Ngày nay, nếu chúng ta cực lực đề xướng pháp pháp môn Tịnh Độ thì chúng ta không hiểu được thời tiết, nhân duyên. Chúng sanh ngày nay không còn muốn: “Yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”. Hòa Thượng một lòng, một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ nhưng Ngài nhắc mọi người làm giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục chuẩn mực làm người. Hòa Thượng hiểu rất rõ, người đến học Phật rất đông nhưng người cầu vãng sanh rất ít. Ngài mong mọi người không thể vãng sanh thì cũng sẽ trở thành người con tốt, học trò ngoan để đời sau còn có cơ hội trở lại cõi Nhân Thiên.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook