111Thứ Năm, 12/01/2023, 16:49
1126 · Chúng Ta Cần Phải Biết Hóa Thân Để Tiếp Cận Chúng Sanh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 12/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1126

“CHÚNG TA CẦN PHẢI BIẾT HÓA THÂN ĐỂ TIẾP CẬN CHÚNG SANH”

Đa phần Phật tử đến đạo tràng thường mặc áo màu lam hoặc màu nâu, có người nói với Hòa Thượng, áo của Phật tử màu tối nên đạo tràng nhìn âm u giống như đang làm đám tang. Hoà Thượng nhắc chúng ta, lễ phục không cần có màu quá tối, Phật giáo chỉ tránh những màu sắc sặc sỡ như hồng, xanh, trắng, đen. Ngày nay, trang phục của Phật tử đã được may cách điệu trang nhã, lịch sự phù hợp với cuộc sống hơn.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta gặp những người bảo thủ mà chúng ta mặc phong cách hiện đại hay chúng ta gặp người phong cách hiện đại mà chúng ta mặc bảo thủ thì chúng ta cũng đã sai rồi. Chúng ta nên mặc một cách hài hòa để mọi người nhìn thấy chúng ta họ không cảm thấy sợ!”. Sau khi chúng ta học xong 1200 Đề tài, chúng ta sẽ chuyển sang học “Tịnh Không pháp sư gia ngôn lục” tôi sẽ không mặc bộ quần áo màu nâu mà chuyển sang mặc quần áo vest.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải biết hóa thân để tiếp cận chúng sanh”. Chúng ta phải tiếp cận chúng sanh để chúng ta có cơ hội giáo hóa họ. Nếu chúng sanh nhìn thấy chúng ta xa cách thì chúng ta không thể dẫn dắt họ. Đây chính là chúng ta từ bi xuất phương tiện. Chúng ta không tiếp cận chúng sanh để chúng ta có được lợi ích từ chúng sanh. Trước đây, tôi rất bảo thủ, người nào không chuyên tâm niệm Phật thì tôi sẽ không qua lại với họ. Hiện tại, tôi coi tất cả mọi người là thiện hữu tri thức. Tôi làm ra tấm gương của người học Phật, học chuẩn mực đạo đức của Thánh Hiền để mọi người nhìn thấy.

Khi Hòa Thượng ở Úc Châu, học trò của Hòa Thượng mua lại một nhà thờ cũ, Hoà Thượng vẫn giữ lại cây Thánh giá, tượng Đức Mẹ Maria, kính pha-lê trang trí. Ở chánh điện, Hòa Thượng không để tượng Phật mà ở đó có một màn chiếu, khi các tôn giáo bạn đến thì Ngài sẽ chiếu hình Chúa Giêsu lên đó. Tâm của Hoà Thượng không có chướng ngại. Chúng ta đi với người theo đạo Thiên Chúa thì chúng ta lạy Chúa. Chúng ta đi với người thích nghe nhạc thì chúng ta mở nhạc cho họ nghe còn chúng ta niệm Phật. Nếu tâm chúng ta không có chướng ngại thì chúng ta sẽ không gặp chướng ngại. Chúng ta muốn làm được như vậy thì chúng ta phải khắc chế được tập khí, phiền não của chính mình. Nếu chúng ta vẫn ham ăn, ham ngủ, lười biếng, chểnh mảng thì tâm chúng ta sẽ bị hoàn cảnh bên ngoài làm ô nhiễm.

Trong “Tứ Nhiếp pháp” gồm có: “Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự”. Nếu chúng ta chưa khắc chế được tập khí, phiền não mà chúng ta đi vào vũ trường để chúng ta độ người khác thì chúng ta chưa độ họ, họ đã độ chúng ta. Chúng ta muốn hóa thân độ chúng sanh thì chúng ta phải có công phu tương đối khá để khắc chế chính mình. Chúng ta không có công phu thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Người có công phu thì sẽ có thể “tùy duyên bất biến”, họ tùy duyên nhưng không dính vào duyên, tâm họ không thay đổi. Chúng ta cũng tùy duyên nhưng chúng ta dính mắc vào duyên, chúng ta chưa độ người thì chúng ta đã bị người độ.

Chúng ta phải cẩn trọng với trang phục và biểu hiện bên ngoài của chúng ta. Chúng ta lạc quan, sinh động, trẻ đẹp thì người khác nhìn vào cũng muốn học theo chúng ta. Hòa Thượng nói: “Chúng ta cũng nên hóa trang một chút”. Công phu của chúng ta chưa đủ, nội lực của chúng ta chưa thể toát ra vẻ chân thành, từ bi thì chúng ta nên hóa trang một chút.

Ngày trước, tôi không biết điều này,, tôi nói với một người học trò là họ tu hành nhưng mặt trông vẫn rất tăm tối. Từ đó trở đi họ tránh mặt tôi. Đó là chúng ta đã làm mất đi cơ duyên để tiếp cận, giáo hóa chúng sanh. Hiện tại, tôi khuyên mọi người, nếu cần thì chúng ta có thể trang điểm nhẹ nhàng. Người khác nhìn thấy chúng ta không có thiện cảm thì họ cũng không muốn đến gần chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Người học Phật cũng có thể đeo trang sức”. Chúng ta có thể sử dụng trang sức một cách trang nhã, lịch sự, không cần đắt tiền. Ví dụ như chúng ta có thể đeo đồng hồ, đeo dây chuyền. Nếu chúng ta dùng trang sức đắt tiền thì chúng ta làm chúng sanh khởi tâm chiếm hữu, tâm trộm cắp vậy thì chúng ta đã vô tình làm chúng sanh tạo nghiệp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook