125Thứ Ba, 10/01/2023, 23:02
1124 · Biết Vận Dụng Tốt Hoàn Cảnh Thì Sẽ Không Có Chướng Ngại

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 10/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1124

“BIẾT VẬN DỤNG TỐT HOÀN CẢNH THÌ SẼ KHÔNG CÓ CHƯỚNG NGẠI”

Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều việc không thuận ý, vừa lòng. Chúng ta gặp chướng ngại, gặp việc không vừa ý vì chúng ta cũng đã từng gây chướng ngại, làm cho người khác không vừa lòng. Chúng ta luôn bị hoàn cảnh xoay chuyển nên chúng ta luôn gặp chướng ngại, luôn phiền não. Phật Bồ Tát luôn biết chuyển đổi hoàn cảnh.

Ngày trước, khi tôi đến một đạo tràng lớn để giảng, họ thấy tôi chỉ là một cư sĩ nên họ tỏ vẻ không hài lòng và giới hạn thời gian giảng của tôi. Tôi nhớ lời Hoà Thượng dạy: “Chúng ta phải chuyển cảnh đừng để cảnh chuyển tâm chúng ta” nên tôi vẫn lên giảng bài như bình thường. Nếu như trước đây, tôi sẽ tức giận mắng họ và bỏ về.

Hàng ngày, chúng ta gặp nghịch cảnh nhiều hơn thuận cảnh. Chướng ngại đến từ trong tâm chúng ta. Nhà Phật nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu do tâm ta ”. Tâm chúng ta tốt thì cảnh duyên tốt, tâm chúng ta xấu thì cảnh duyên tốt cũng trở thành cảnh duyên xấu. Hòa Thượng nói: “Nếu nội tâm chúng ta vướng mắc, chướng ngại thì chúng ta không thể gặp được cảnh thuận ý, vừa lòng”. Chúng ta có nhiều chấp trước thì chúng ta sẽ có nhiều chướng ngại. Chúng ta không có chấp trước thì chúng ta không có chướng ngại. Người tâm toàn lực, chí công vô tư vì quốc gia, dân tộc thì họ sẽ không có chướng ngại.

Người chưa tu hành thì sẽ thấy có thuận cảnh, nghịch cảnh. Người tu hành có công phu thì thấy thuận cảnh hay nghịch cảnh đều tốt, đều là tăng thượng duyên, duyên tốt để họ tăng tấn đạo nghiệp. Chúng ta thường rất thích cảnh thuận. Chúng ta thấy hoàn cảnh tu hành tốt, mọi người thuận ý vừa lòng, nhiều đãi ngộ thì chúng ta cho rằng đó là thắng duyên tu hành. Nhưng hoàn cảnh thuận lợi dễ khiến chúng ta tuỳ tiện, không quyết tâm tu hành, đọa lạc. Trong nghịch cảnh, con người sẽ phản tỉnh, đề phòng. Ở thế gian cũng vậy, cuộc sống càng khó khăn, thiếu thốn thì con người cảng phấn đấu, nỗ lực. Hoàn cảnh sống tốt đẹp, thuận lợi quá sẽ làm chúng ta lười biếng, chểnh mảng. Trong nghịch cảnh chúng ta có sự đề cao cảnh giác nên chúng ta sẽ biết thúc liễm thân tâm.

Các bậc Tổ sư đại đức, các bậc tu hành chân chính, khi gặp hoàn cảnh xấu ác thì các Ngài điều phục, khi gặp hoàn cảnh thuận tiện thì các Ngài lánh đi. Các bậc đạo cao, đức trọng thường vào rừng sâu để cất chòi tranh, xa lánh thế tục. Đồ chúng tứ phương cũng đến cất chòi tranh ở bên cạnh để gần gũi các bậc thiện tri thức. Những người tham danh vọng lợi dưỡng sẽ không tìm đến những nơi hẻo lánh đó.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta vận dụng tốt hoàn cảnh thì chúng ta sẽ không có chướng ngại. Chúng ta muốn vận dụng tốt hoàn cảnh thì chúng ta phải có công phu tu hành”. Trong lao động hay tu hành chúng ta đều phải cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn. Chúng ta thường thích chiếm nơi tiện nghi của người khác, chúng ta làm như vậy thì đã tự bào mòn phước báu của mình.

Ngày trước, Ngài Ngộ Đạt tu hành tinh tấn, mười kiếp Ngài là cao tăng, khi Ngài được quốc vương tặng cho một chiếc ghế làm bằng trầm hương thì Ngài khởi lên một ý niệm danh vọng là: “Quốc sư như ta mới xứng đáng ngồi pháp tòa bằng trầm hương này!”, Triệu Thấu liền biến thành ghẻ mặt người trên đầu gối của Ngài Ngộ Đạt.

Hoàn cảnh tốt đẹp là để chúng ta “đốn luân tận phận”, dốc hết trách nhiệm để hoằng trì Phật pháp, lợi ích chúng sanh. Chúng ta không có tâm này thì phước báu của chúng ta sẽ bị bào mòn dần. Hòa Thượng nói: “Trong vòm trời rộng lớn này, chúng ta không thể chiếm được tiện ích của ai dù chỉ là một mảy trần”. Khi mọi người tặng phẩm vật quý cho Hòa Thượng thì Ngài đều chia hết cho đại chúng. Hòa Thượng nói: “Một mai, nếu tôi không đắc đạo thì tôi sẽ không phải là người mang lông, đội sừng!”. Trên Kinh cũng nói, một hạt cơm của thí chủ nặng như núi Tu Di, đời này không thành tựu thì chúng ta phải mang lông, đội sừng trả nợ cho chúng sanh. Chúng ta đừng có ý niệm chiếm tiện nghi của người vì đó đều là chúng ta đang dùng phước báu trong chính vận mạng của chúng ta.

Trong mối quan hệ giữa Cha con, vợ chồng chúng ta cũng không được chiếm tiện nghi của người khác. Có một người con gái ăn trộm tiền của Cha Mẹ dấu trong ống tre, sau đó, cô bị bệnh nặng và mất. Cô đầu thai thành một con dê trong đàn dê của Cha. Một hôm, khi người Cha chuẩn bị giết con dê đó, con dê kêu gào rất thảm thiết. Một vị cao tăng đắc đạo đi qua nhìn thấy cảnh đó, vị cao tăng khuyên người Cha đừng giết con dê vì kiếp trước con dê đó là con gái của ông. Vị cao tăng nói trong ống tre có số tiền mà người con gái đã lấy của người Cha, người Cha tìm thấy đúng số tiền ông đã mất nên ông không giết con dê đó nữa.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook