127Thứ Sáu, 30/12/2022, 19:29
1113 · Người Có Trí Tuệ Họ Chỉ Nắm Lấy Những Phút Giây Hiện Tại

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 30/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1113

“NGƯỜI CÓ TRÍ TUỆ HỌ CHỈ NẮM LẤY NHỮNG PHÚT GIÂY HIỆN TẠI”

Người có trí tuệ thì họ biết trân trọng từng giây phút để làm lợi ích cho chúng sanh. Người mê mờ thì tham cầu hưởng thụ phước báu. Nhiều người đang tùy tiện hưởng phước mà chính họ không biết.

Tôi có một người học trò, trước đây anh làm thuê cho một nhà giàu có. Công việc của anh là trông coi một biệt thự sang trọng, tiện nghi. Công việc nhẹ nhàng, thu nhập tốt, có nơi ở tiện nghi nên người học trò này sinh tâm chểnh mảng, lười biếng, chỉ thích ăn nhậu. Một hôm, anh ta ra ngoài ăn nhậu nhưng không đóng cửa nhà. Sau Khi người chủ biết được thì họ cho anh ta nghỉ việc. Anh ta hưởng cuộc sống tiện nghi, đầy đủ trong nhiều năm nên đã dùng hết phước. Sau khi bị cho nghỉ việc, anh ta về quê, mấy năm sau tôi gặp lại người học trò này, tôi thấy hoàn cảnh sống của anh rất đáng thương. Đáng lẽ ở trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy thì họ phải tinh tấn tu hành, tích phước. Con người không biết dùng phước để tạo phước. Chúng ta có sự thuận lợi, tiện nghi trong cuộc sống thì chúng ta lại bắt đầu tạo nghiệp. Người trí dùng phước để tạo phước. Người mê có tiện nghi, phước báu thì tạo nghiệp. Đây là căn bệnh trầm kha của chúng ta. Chúng ta tạo nghiệp thì chúng ta nhanh chóng tiêu hao hết phước báu. Người hết phước rồi thì cuộc sống của họ sẽ thê thảm. Xung quanh tôi, có rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh sống bi đát như vậy!

Hòa Thượng nói: “Người chân thật có trí tuệ họ sẽ nắm lấy từng sát-na, từng giây phút để tu sửa bản thân, tích công, bồi đức. Họ sẽ nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại, tranh thủ từng giây phút làm mới chính mình”. “Sát-na” là những khoảng thời gian rất nhỏ. Người có thành tựu thì họ phải vượt qua những tập khí bên trong và những cám dỗ bên ngoài.

Hòa Thượng nói: “Người không nắm lấy cơ hội tu hành, cơ hội tích công bồi đức thì họ là người ngu si nhất thế gian”. Rất nhiều người ở trong phước mà không biết hưởng phước. Chúng ta có thể tích công bồi đức, tự thay đổi, tự làm mới ngay tại thời điểm hiện tại. Chúng ta tích cực tích công bồi đức, tu sửa chính mình thì dù chúng ta không muốn người khác cũng dâng tặng cho chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Năm xưa khi tôi ở Mỹ, tôi thấy rất nhiều người có bằng Tiến sĩ nhưng đời sống của họ rất khó khăn. Ở Đài Loan có ông Vương Vĩnh Khánh, ông chỉ học hết tiểu học nhưng ông là một đại phú gia. Chúng ta kiếm được tiền không phải do học vị mà chúng ta có tiền là do đời trước chúng ta đã tu nhân. Trong mạng có thì chúng ta có, trong mạng chúng ta không có thì chúng ta làm cách nào cũng không thể có được”. Đạo lý này chúng ta đã nghe thường xuyên nhưng chúng ta không thấu hiểu. Nếu chúng ta thấu hiểu thì chúng ta sẽ thật làm. Chúng ta chỉ ngồi vọng tưởng chờ ngày mai tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Hòa Thượng nói: “Tiền của là do bố thí mà có. Những người giàu có là vì trong đời quá khứ họ đã tích cực tu bố thí”. Chúng ta tận trách nhiệm, tận nghĩa vụ, tận bổn phận là chúng ta đang đại bố thí. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định. Hòa Thượng nói: “Đời trước tôi không tu phước. Những thứ tôi có là do tôi tu ở ngay trong đời hiện tại”. Tôi cũng vậy, đời trước tôi không tu phước. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở một vùng quê. Tôi phải nỗ lực thoát khỏi vùng quê đó. Hiện tại, chúng đang có những cơ hội rất tốt để học tập. Ngày trước, không có Internet, không có điện thoại, tôi phải cắt ảnh Phật hình trắng đen ở trong một tờ báo và làm khung từ tấm kính cũ. Chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh nhưng chúng ta không nỗ lực mà chúng ta chỉ đang hưởng thụ. Khi chúng ta hưởng thụ hết phước báu thì như Hòa Thượng nói: “Chúng ta hối hận cũng không kịp!”. Khi chúng ta tỉnh ngộ, chúng ta muốn tạo phước cũng không còn kịp!

Cuộc sống của tôi rất khó khăn, tôi không có tuổi thơ, không có người dạy dỗ cẩn thận. Mẹ tôi không biết chữ, Ba tôi cũng chỉ học tiểu học. Ba Mẹ tôi rất bận, mỗi năm làm ba vụ lúa. Tôi lớn lên như một cái cây hoang dại. Cuộc sống của tôi giống như Hòa Thượng nói: “Đời trước tu huệ nhưng không tu phước”. Đời trước tôi có tu huệ nên trong nôi tâm tôi luôn có sự thôi thúc. Tôi không chấp nhận hoàn cảnh sống. Tôi luôn nghĩ là đời sống này không phải là của mình. Ngay đến Mẹ tôi cũng không hiểu tôi đang nghĩ gì. Đời trước tôi có tu huệ nên tôi hiểu những điều nên và không nên làm. Những điều tôi có được cũng là do tôi tích cực tu trong đời này.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook