174Thứ Năm, 29/12/2022, 11:07
1112 · Phải Cẩn Trọng Mà Lựa Chọn Nghề Nghiệp

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 29/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1112

“PHẢI CẨN TRỌNG MÀ LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP”

Hòa Thượng đi đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, Ngài nhận thấy rất nhiều người chọn những nghề nghiệp gây hại cho chúng sanh. Hoà Thượng nhắc nhở chúng ta: “Phải cẩn trọng mà lựa chọn nghề nghiệp”. Người ngày nay, đa phần chọn nghề có thể giúp họ kiếm được nhiều tiền.

Những video chia sẻ về văn hóa truyền thống, cách thức dạy con chỉ có khoảng một trăm lượt xem. Những buổi học về chuẩn mực đạo đức chúng ta tổ chức số người tham gia học cũng rất ít. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Những video dạy trẻ siêu trí tuệ có đến hàng chục ngàn lượt xem. Một số người làm những công việc có thể ảnh hưởng đại chúng, ảnh hưởng xã hội như người làm truyền thông, nhà lãnh đạo nhưng họ không làm tốt công việc của mình, không mang lại lợi ích cho xã hội.

Trong buổi lễ tri ân Cha Mẹ chúng ta tổ chức ở Cần Thơ, những người đến tham gia đều rất cảm xúc nhưng truyền thông không đưa một tin tức nào. Hòa Thượng nói: “Người làm truyền thông nếu không có thù lao thì họ sẽ không làm. Nơi nào trả họ thù lao thì họ sẽ viết rất nhiều”. Chúng ta phải làm tốt vai trò, bổn phận của mình. Mỗi chúng ta là tấm gương, là những bài viết sống động cho chúng sanh. Chúng ta tặng quà cho mọi người vô điều kiện không phải là chúng ta làm từ thiện mà chúng ta đang làm giáo dục. Chúng ta giáo dục mọi người phải biết cho đi, biết “hy sinh phụng hiến”. Trong “Đệ Tử Quy” dạy: “Cho nên nhiều, nhận nên ít”.

Cách đây khoảng 10 năm, tôi về miền Tây giảng đề tài: “Phải biết tái tạo phước báu”. Chúng ta sống nhờ phước. Mỗi chúng ta có phước báu khác nhau nên chúng ta nhận được đãi ngộ khác nhau. Chúng ta không biết tái tạo phước báu, khi hết phước rồi thì cuộc sống của chúng ta sẽ ngày càng thê thảm. Tôi giảng ở một làng người mù, tôi hỏi một người, khi họ nhận được phiếu quà tặng, họ có khởi tâm xin thêm phiếu hay tặng bớt quà cho những người khó khăn hơn mình không. Họ im lặng không trả lời. Tôi khuyên họ nên phát tâm nghĩ đến những người còn khó khăn hơn mình. Người xưa nói: “Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Chúng ta có căn bệnh trầm kha là chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, không nghĩ đến người khác. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta cũng chỉ cho đi những thứ chúng ta có thừa, chúng ta đang không cần dùng đến. Khi bà Hứa Triết còn nhỏ, bà nhìn thấy tấm gương của Mẹ nên bà đã học theo. Một hôm, khi nhà bà đang dọn cơm, có một người yếu ớt đến xin ăn, người đó nói 3 ngày rồi họ chưa được ăn. Mẹ của bà Hứa Triết nói với các con, hôm qua nhà bà đã được ăn rồi nên mâm cơm sẽ để dành như người ăn xin kia. Chúng ta chỉ cho đi những thứ chúng ta dư thừa, chúng ta chưa cho đi những tiện nghi chúng ta đang có.

Chúng ta làm việc lợi ích cho người, chúng ta đừng có ý niệm đó là việc làm từ thiện mà đó là việc làm có ý nghĩa giáo dục. Việc làm của chúng ta dạy người khác phát tâm, nghĩ về người khác. Khi chúng ta ấm no, chúng ta nhìn xung quanh có người đói khổ không. Đây là tâm của Phật Bồ Tát. Chúng ta không quan tâm đến sự đói khổ của người khác thì chúng ta không có Tâm Bồ Đề.

Chúng ta học Phật, chúng ta phải làm tốt Bồ Tát Hạnh là: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”. Chúng ta phải “tinh tấn” chứ không phải “tinh tướng”. Tôi đang ở Hà Nội, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, ở Đà Lạt lúc này, không khí trong lành, hoa đào đang nở rất đẹp, nếu không vì việc chúng sanh thì tôi đã về Đà Lạt. Hàng ngày, buổi sáng tôi dậy từ 3h30 để cắt rau mang tặng, sau khi xong lớp học buổi sáng, tôi đến các trường chia sẻ với các Thầy Cô giáo. Buổi chiều, 3 giờ tôi về nơi nghỉ, 18 giờ tôi lại đến lớp học “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc” chia sẻ, hơn 21 giờ tôi mới về nhà. Tôi chia sẻ từ sáng đến tối. Thân xác tôi mỏi nhừ nhưng tinh thần vẫn tràn đầy năng lượng.

Chúng ta thực hành tốt Bồ Tát Hạnh thì mỗi chúng ta là một bài pháp sống động. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Chúng ta học để làm Thầy người, làm để làm ra mô phạm cho người. Chúng ta chọn nghề nghiệp nào thì chúng ta phải làm nghề nghiệp đó một cách tốt nhất. Chúng ta là một Thầy Cô Giáo, một người đầu bếp, một nhà nội trợ, một người giúp việc thì khi họ nhắc về chúng ta, họ có sự kính nể. Chúng ta phải viết nên những bài pháp sống động để dạy người. Người xưa nói: “Đời người cần phải có tấm gương”. Chúng ta làm việc tốt không phải là chúng ta làm từ thiện mà chúng ta đang làm ra tấm gương. Chúng ta chỉ làm việc từ thiện thì chúng ta chỉ tạo được phước. Chúng ta làm giáo dục thì chúng ta có được công đức.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook