12031/12/2022, 10:06 05/01/2023, 12:53

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 31/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1114

“NGƯỜI CÀNG CÓ TU HÀNH, CÀNG CÓ HỌC VẤN THÌ CÀNG KHIÊM KÍNH”

Người thế gian nói: “Thùng rỗng kêu to”. Chiếc thùng càng rỗng thì khi chúng ta gõ nó sẽ càng phát ra tiếng kêu to hơn. Bông lúa càng có nhiều hạt lép thì bông lúa đó sẽ càng vươn lên cao. Bông lúa có nhiều hạt chắc, nặng thì nó sẽ trĩu xuống. Người nông dân nhìn bông lúa thì họ sẽ biết năm nay có được mùa hay không. Ngày trước, khi Ba tôi nhìn vào đồng lúa thì ba tôi sẽ biết năm nay thu hoạch được khoảng bao nhiêu giạ lúa. Hòa Thượng nói: “Người càng có tu hành, càng có học vấn thì càng khiêm nhường, cung kính”.

Người tu hành có thành tựu thì họ sẽ dần xa lánh chốn đô thị phồn hoa để tìm đến chốn tịch tình. Một số bậc tu hành, khi họ đã tìm thấy sự an ổn trong nội tâm thì họ nhập thất. Chúng ta phải cố gắng thỉnh họ giảng pháp vì họ là người chân thật có thành tựu. Những người có danh cao, tiếng tốt chưa chắc đã là người thật tu, thật có thành tựu. Ngày nay, những người ảo danh, ảo vọng, giả tu, giả học rất nhiều. Chúng ta tu học là để ngay đời này chúng ta có thể vĩnh thoát luân hồi, không còn bị ràng buộc bởi phiền não. Nếu chúng ta gặp phải người giả tu, giả học thì chúng ta sẽ lãng phí cuộc đời.

Trong hơn 1100 đề tài vừa qua, Hòa Thượng đã chỉ ra những tập khí, phiền não của chúng ta. Chúng ta sinh ra ở thời Mạt Pháp nhưng chúng ta may mắn gặp được Phật pháp chân chánh, gặp được chuẩn mực Thánh Hiền. Chúng ta đã thật tin, thật hiểu và đang nỗ lực thật làm. Nếu chúng ta sinh ra vào thời Chánh Pháp nhưng chúng ta không tin, không “y giáo phụng hành” thì chúng ta sẽ vẫn đọa lạc. Những lúc cơ thể tôi chuyển biến lạ, tôi nghĩ nếu lúc này ra đi cũng được, tôi không có gì phải luyến tiếc.

Hòa Thượng nói: “Thánh nhân thế gian và xuất thế gian dạy chúng ta phải khiêm nhường, cung kính đối với tất cả mọi người, mọi vật, sự việc”. Chúng ta phải khiêm nhường, cung kính một cách bình đẳng không phân biệt người thiện, người ác, người trên, người dưới, thuận cảnh hay nghịch cảnh. Chúng ta tu hành là chúng ta thay đổi tập khí, phiền não của chính mình. Nhà Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta đã có được thân người, được nghe Phật pháp thì chúng ta phải trân trọng những nhân duyên tốt này. Nếu chúng ta vẫn để phiền não, tập khí sai sự thì rất đáng tiếc!

Hôm qua, tôi phải đi cả ngày, khi về tắc đường gần 3 tiếng, tôi chỉnh lại báo thức vào buổi trưa nên sáng nay chuông điện thoại của tôi không kêu. Sáng nay, khi tôi thức dậy nhìn đồng hồ là 4 giờ 15 phút. Tập khí là thói quen, chúng ta có thể chuyển đổi tất cả những thói quen của mình. Mọi người đi với tôi đều thấy tôi luôn tỉnh táo nhưng có người ngồi nghe tôi giảng mà ngủ gật. Tập khí của chúng ta là lười biếng, giải đãi, ngạo mạn. Chúng ta chỉ cần quyết liệt thay đổi là được!

Hòa Thượng nói, chúng ta tu hành phải đạt được ba kết quả đó là: “Đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh”. Điều thứ nhất chúng ta cần làm là “đoạn ác, tu thiện”. Chẳng những chúng ta không làm mà chúng ta không được nghĩ đến những việc ác. Hàng ngày, chúng ta lười biếng, chểnh mảng chính là chúng ta ác với chính mình. Tính đức của chúng ta là thuần tịnh, thuần thiện, khiêm nhường, cung kính, dũng mãnh, tinh tấn, chúng ta làm trái với tự tánh là chúng ta ác với chính mình.

Mấy ngày gần đây, tôi liên tục di chuyển rất mệt nhưng khi đến giờ là tôi dậy. Tôi đã tập thành thói quen nên khi thức dậy tôi luôn rất tỉnh táo. Chúng ta có thể tự hình thành được những thói quen tốt. Chúng ta tùy thuận theo tập khí, phiền não, chúng ta giống như một con gấu bông bị một đứa trẻ kéo lôi đi. Chúng ta chưa “đoạn ác, tu thiện” thì chúng ta không thể “phá mê, khai ngộ”. Sau khi chúng ta “phá mê khai ngộ” thì chúng ta “chuyển phàm thành Thánh”. Chúng ta muốn có ba thành tựu này thì chúng ta phải khiêm nhường, cung kính. Sự khiêm nhường, cung kính được lưu lộ từ trong tánh đức của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không biết khiêm nhường, không biết tôn kính người khác thì cho dù chúng ta tinh tấn, dụng công, khổ học như thế nào thì chúng ta cũng không thể có thành tựu. Chúng ta không biết khiêm nhường, tôn kính người thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại”. Nếu chúng ta ngạo mạn, tự đại, “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng, là hơn người thì chúng ta không thể có thành tựu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook