156Chủ Nhật, 13/11/2022, 13:29
1067 · Học Phật Chính Là Học Một Người Giác Ngộ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 13/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1067

“HỌC PHẬT CHÍNH LÀ HỌC MỘT NGƯỜI GIÁC NGỘ”

Phật là một người giác ngộ. Chúng ta học Phật để trở thành một người giác ngộ. Chúng ta vẫn đang mê hoặc, điên đảo không có sự định tĩnh, giác ngộ. Chúng ta thường ở trong trạng thái mơ mơ hồ hồ, quên mất đi chính mình. Trong nhà Phật nói, chúng ta chính là Phật nhưng chúng ta không dám thừa nhận, không dám khẳng định mình là Phật. Chúng ta không tin mình có thể làm được một việc thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ làm được việc đó. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Chúng ta không nỗ lực, không dũng mãnh, tinh tấn thì chúng ta không thể làm được.

Ngày trước, lần đầu tiên tôi được mời đi dạy chữ Hán, tôi đã quên gần hết các chữ. Tôi cảm thấy rất khó khăn, nhiều khi tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng tôi nỗ lực vượt qua. Mọi người chuẩn bị bài trong 15 phút thì tôi dành nhiều tiếng để chuẩn bị. Hiện tại, trước khi lên giảng tôi không phải chuẩn bị bài. Nếu chúng ta chân thật phát tâm gánh vác thì chúng ta sẽ làm được. Hôm nay chúng ta chưa làm được thì ngày mai hay nhiều năm sau chúng ta sẽ làm được. Bác Hồ nói: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Chúng ta cũng phải trường kỳ chiến đấu với tập khí, phiền não của chính mình!

Trước đây tôi là một người bất tài, vô dụng. Một việc tôi phải làm đi làm lại nhiều lần mới xong. Nhưng chính những lần hư hại đó tôi đã rút ra cho mình được nhiều kinh nghiệm. Nhà khoa học E-đi-xơn là người phát minh ra bóng đèn, ông đã trải qua hơn 1000 lần thất bại. Sau này, ông chia sẻ một cách lạc quan, nhờ hơn 1000 lần thất bại đó mà ông đã phát hiện ra có hơn 1000 chất không thể dùng làm dây tóc bóng đèn.

Trên Kinh nói: “Phật Bồ Tát không ngừng tinh tấn”. Các Ngài là Phật Bồ Tát nhưng các Ngài vẫn ngày ngày tinh tấn. Chúng ta là phàm phu nhưng chúng ta ngày ngày “tinh tướng” vì vậy chúng ta không thể có thành tựu. Dù là thế gian hay xuất thế gian, những người có thành tựu đều là những người hết sức tinh tấn, nỗ lực. Có một họa sĩ chuyên vẽ ngựa, khi ông ăn, ông ngủ ông cũng nghĩ đến ngựa. Một lần khi ông ngủ, người vợ nhìn thấy ông hóa thành ngựa. Một người họa sĩ cũng dụng tâm như vậy. Hòa Thượng nói: “Người vẽ tranh nghĩ đến ngựa thì có thể biến thành ngựa. Vậy thì chúng ta niệm Phật, chúng ta nghĩ đến Phật mà không thể trở thành Phật được sao!”. Thời gian chúng ta niệm Phật, nghĩ đến Phật quá ít. Hàng ngày, chúng ta dành phần lớn thời gian để “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”. Bệnh nặng nhất của chúng ta là ngạo mạn, chúng ta luôn cho rằng không có ai bằng mình. Ngày xưa, có người nói tôi chỉ là một người Cư sĩ “quèn”, đã có vợ con. Tôi coi đó là lời nhắc nhở để mình cố gắng, nỗ lực nhiều hơn!

Chúng ta học Phật là chúng ta học với một người giác ngộ, học làm một người giác ngộ. Nếu chúng ta vẫn còn mê hoặc điên đảo thì chúng ta chưa phải là một người học trò của Phật. Chúng ta không nhận ra một cái cây thiếu nước nên cây sắp bị chết, không nhận ra rau đã già cần cắt thì đó là chúng ta đang mê hoặc, điên đảo. Tôi đi đến đâu, tôi cũng thấy có rất nhiều việc để làm. Hiện tại, chúng ta trồng rau, rau đều cần cắt liên tục để rau mới tiếp tục phát triển. Chúng ta phải tinh tường từ những việc nhỏ. Nếu chúng ta không tinh tường việc nhỏ mà chúng ta muốn liễu thoát sinh tử, chúng ta chỉ muốn kiểm soát vọng niệm thì chúng ta không thể làm được. Chúng ta chỉ đang dùng vọng để kiểm vọng.

Trong cuộc sống thường ngày, khi chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta đều phải tinh tường. Tôi không cần người khác nhắc nhở mà tôi tự nhắc nhở chính mình. Đi đến nơi đâu, tôi cũng tự nghĩ ra việc để làm. Khi tôi đi đến thôn Di Đà, đến thành phố Luân-đôn, tôi cũng có ý tưởng để làm. Tôi tích cực làm việc nhưng trong tâm tôi không dính mắc, chấp trước. Hôm qua, tôi gói rất nhiều bánh tét, tôi làm một cách thong thả, thoải mái. Tôi luôn ghi nhớ và làm theo làm theo lời Hòa Thượng. Chúng ta phải minh tường mọi sự, mọi việc. Chúng ta chểnh mảng một việc thì tất cả các việc khác chúng ta sẽ chểnh mảng. Có người cho rằng, họ chỉ tinh tấn khi niệm Phật còn những việc khác họ không cần để tâm. Chúng ta phải tinh tường trong mọi lúc, mọi nơi. Khi chúng ta niệm Phật, lạy Phật, làm việc, lăn, ngủ, chúng ta phải rõ ràng, định tĩnh. Khi tôi gặp mọi người, dù mọi người vẫn còn đang nói chuyện đông vui nhưng đến giờ thì tôi sẽ đi ngủ trước. Tôi phải ngủ đúng giờ để sáng mai dậy tỉnh táo chia sẻ pháp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook