106Thứ Hai, 24/10/2022, 13:07
1047 · Có Tu Có Học Mới Là Đạo Tràng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 24/10/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1047

“CÓ TU, CÓ HỌC MỚI LÀ ĐẠO TRÀNG”

Hòa Thượng nhắc chúng ta Đạo tràng phải là nơi để tu học. Trong tâm mỗi người phải có đạo, nghĩa là trong tâm chúng ta phải có phương hướng, có cách tu rõ ràng. Những điều kiện vật chất bên ngoài chỉ là hình thức. Nếu chúng ta dính mắc vào những thứ có hình tướng này thì sẽ làm cho chúng ta tăng trưởng “danh vọng lợi dưỡng”, “tham sân si mạn”.

Nơi tôi đang ở, tôi không chú trọng hình thức bên ngoài nhưng ngày ngày chúng ta vẫn đang học tập. Góc bàn này để học Phật pháp, bàn phía bên kia để dạy học tiếng Hán. Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Đạo tràng là phải có tu, có học”. Hàng ngày, chúng ta phải nghe Kinh, nghe pháp để cách làm, cách thấy, cách biết của chúng ta đúng với lời giáo huấn của Phật. Chúng ta phải “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Tôi làm theo lời Hòa Thượng dạy: “Một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng”. Ở đây, tôi cũng chưa từng tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”. Khi Hòa Thượng giảng giải về “Kinh Vô Lượng Thọ”, Ngài nói: “Chúng ta có đủ can đảm, suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu “A Di Đà Phậtkhông?”. Tôi nghe và làm theo lời dạy của Ngài.

Chúng ta càng tham gia nhiều đạo tràng thì tâm vọng tưởng, dục vọng của chúng ta càng thêm lớn. Hòa Thượng nói: “Đạo tràng quan trọng nhất là phải có đạo!”. Nếu tâm chúng ta có đạo thì bất cứ nơi nào chúng ta đến, chúng ta ở, chúng ta làm việc thì nơi đó cũng là đạo tràng. Nhà Phật có câu: “Bồ Tát đến chợ thì chợ cũng thành đạo tràng”. Chúng ta đến siêu thị, đến vũ trường mà tâm ta có đạo thì siêu thị, vũ trường cũng biến thành đạo tràng. Nếu tâm chúng ta không có đạo thì chúng ta vào siêu thi, vào vũ trường thì chúng ta cũng bị lôi cuốn, loạn động theo nơi đó. Chúng ta tu hành 10 năm, 20 năm nhưng chúng ta vẫn chưa thắng được tập khí, phiền não của chính mình.

Phật từng nói rằng, ngay đến một bậc tu hành tinh tấn như Ngài Ca-Diếp, khi Tiên nhân đến để tấu nhạc thì ông cũng lắc lư theo tiếng nhạc. Có một vị A-la-hán, khi ông đang ngồi thì hàm của ông bất tri, bất giác đưa qua, đưa lại giống như một con bò. Đó là do tập khí. Chúng ta là một phàm phu, chúng ta chưa phải là Bồ Tát nên chúng ta phải cẩn trọng khi đến một nơi nào đó.

Chúng ta tu hành, chúng ta phải vì lợi ích của chúng sanh lo nghĩ. Tôi cũng đã tập thành thói quen vì người mà lo nghĩ. Hàng ngày, từ sáng đến chiều, khởi tâm động niệm, việc làm của tôi đều để mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người. Những tập khí xấu ác như tham, sân, si, “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” cũng là thói quen. Tu hành không gì khác hơn là thay đổi tập khí của chính mình. Chúng ta thay thói quen xấu bằng thói quen tốt. Chúng ta thay thói quen chăm sóc mình thành thói quen chăm sóc người khác. Chúng ta chưa đủ năng lực để trừ bỏ tận gốc những tập khí xấu ác. Trước đây, chúng ta “tự tư tự lợi” thì chúng ta tạo thành thói quen tặng quà cho người. Chúng ta luôn nghĩ xem mình có thứ gì để tặng cho người khác không.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta sống ở thế gian, trong gia đình chúng ta có bốn người. Người trong gia đình ngày ngày nghe Kinh, tụng Kinh, ngày ngày hướng Phật thì gia đình của chúng ta cũng là một đạo tràng. Bốn người trong gia đình cùng tu học một pháp môn, cùng tuân thủ lời giáo huấn của Phật, đều tu lục hòa thì gia đình đó được gọi là đạo tràng”. Nếu trong gia đình mỗi người một pháp tu khác nhau thì không được gọi là đạo tràng.

Hòa Thượng nói: “Một gia đình tuân thủ sáu phép hòa kính thì đây là một gia đình tiêu chuẩn. Một đạo tràng tuân thủ được sáu phép hòa kính thì đạo tràng đó là một đạo tràng tiêu chuẩn. Nếu chúng ta hàng ngày thị phi nhân ngã, phải quấy tốt xấu, tỵ hiềm, ngờ vực lẫn nhau thì đó không phải là đạo tràng mà đó là chốn thị phi”. Một đạo tràng, một gia đình thanh tịnh thì người ở đó ngày ngày an vui, không có phiền não. Chúng ta mang tâm cảnh này để niệm Phật thì chúng ta chắc chắn sẽ tương ưng với Phật. Nhiều người tu hành luôn cảm thấy phiền não vì trong tâm họ có sự bất hòa với người khác. Đạo tràng là nơi tất cả mọi người đều phải tuân thủ sáu phép hòa kính.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook