129Thứ Năm, 20/10/2022, 16:21
1043 · Ở Thế Gian Này, Rất Dễ Kết Oán Thù Với Người

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 20/10/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1043

“Ở THẾ GIAN NÀY, RẤT DỄ KẾT OÁN THÙ VỚI NGƯỜI”

Chúng ta rất dễ kết oán thù với người vì lòng người tràn đầy tham, sân, si, ngạo mạn. Chúng ta chỉ cần làm cho họ cảm thấy họ có thể tổn hại lợi ích thì chúng ta đã gây oán thù với họ. Chúng ta làm việc tốt thì họ vẫn đố kỵ với chúng ta vậy thì chúng ta đã có oan gia, có người đối đầu. Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta sống ở thế gian này phải hết sức thận trọng, ở thế gian này rất dễ kết oán thù với người!”. Chúng ta phải cẩn trọng để việc làm của chúng ta không làm người khác bị ảnh hưởng. Chúng ta vô tình làm tổn hại đối phương thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ gặp phải chướng ngại.

Người xưa đã nói: “Việc tốt không bằng không việc gì!”. “Không việc gì” nghĩa là nếu chúng ta làm việc tốt mà tâm chúng ta vướng vận thì tốt hơn là chúng ta đừng làm mà chúng ta nên giữ tâm thanh tịnh niệm Phật. Hòa Thượng đã nhắc chúng ta làm việc gì cũng phải xét xem thời tiết, nhân duyên. Nếu chúng ta tự tìm việc để làm thì chúng ta có thể sẽ phiền não. Việc này cũng không quá khó! Chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác đều vì chấn hưng Phật pháp, vì chúng sanh, vì xã hội thì chắc chắn những việc làm của chúng ta sẽ không làm chúng sanh hiểu lầm, không làm chúng sanh phiền não. Nếu chúng ta làm “vì ta” thì chắc chắn chúng ta có chướng ngại. Nếu chúng ta làm vì chấn hưng Phật pháp, phát triển văn hóa truyền thống, lợi ích chúng sanh thì chúng ta sẽ biết rõ việc gì chúng ta nên làm và việc gì chúng ta không nên làm. Điều này cũng giống như mặt hồ nước trong xanh, phẳng lặng thì chúng ta sẽ nhìn rõ mọi vật dưới đáy nước. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta sẽ nhận biết mọi việc một cách rõ ràng, khi có người đối đầu, đốkỵ thì chúng ta sẽ nhận ra.

Hòa Thượng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật khi giảng “Kinh A Di Đà” đã khuyên chúng ta nhiều lần là chúng ta nên thân cận Phật A Di Đà, chúng ta nên niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc vì thế giới Ta Bà khổ nạn, phiền não, chướng ngại trùng trùng. Không chỉ Phật A Di Đà, mà mười phương tất cả Chư Phật Như Lai, không có một vị Phật nào không khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Cực Lạc”. Chúng ta ở trong thế giới Ta Bà, dù đời sau chúng ta có được thân người, chúng ta có nhiều tiền tài, địa vị thì chúng ta vẫn đầy những phiền não. Nếu chúng ta không cẩn trọng, chúng ta sống trong giàu sang thì chúng ta lại tiếp tục tạo nghiệp. Nhiều người giàu ở thế gian có rất nhiều siêu xe trong khi còn rất nhiều người đói khổ. Đời này chúng ta tu hành tốt, đời sau chúng ta giàu có nhưng không biết tu thì đời thứ ba chúng ta đọa lạc.

Chúng ta tặng đồ cho mọi người thì chúng có thể làm cho những người cần bán những đồ đó cảm thấy bị cạnh tranh. Thế gian này rất dễ tạo oán thù nên Hòa Thượng khuyên chúng ta: “Yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”. “Yểm li” là chúng ta không còn dính mắc vào “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Nếu chúng ta còn một chút dính mắc ở thế gian thì chúng ta lại bỏ lỡ thêm một lần đò. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta cũng đã bỏ lỡ vô số lần có thể ra khỏi thế giới Ta Bà. Trong Kinh Phật gọi chúng ta là: “Kẻ đáng thương!”. Lần này chúng ta đến thế gian, chúng ta làm tròn vai trò, bổn phận của mình để lần sau không còn phải quay trở lại nữa. Ban đầu chúng ta đến thế gian do nghiệp lực nhưng từ nghiệp lực chúng ta chuyển thành nguyện lực. Tất cả khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta đều vì sự hưng thịnh của Phật pháp, phát huy văn hóa truyền thống lợi ích chúng sanh. Đây là chúng ta chuyển nghiệp lực thành nguyện lực. Nếu chúng ta vẫn tùy thuận theo những tập khí xấu ác thì chúng ta vẫn đang bị nghiệp lực lôi kéo.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta gặp được Phật pháp, chúng ta gặp được pháp môn Tịnh Độ thù thắng như vậy mà chúng ta để lỡ qua thì thật đáng tiếc! Chúng ta biết rõ những thứ cám dỗ ở thế gian là không thật nhưng chúng ta vẫn tham chấp vào đó”. Người xưa đã nói: “Người phước ở đất phước”. Người thật tâm niệm Phật sẽ là người đại phước báu. Chúng ta thật tâm niệm Phật thì chúng ta sẽ không phải nghĩ đến cơm gạo, áo tiền. “Tài, sắc, danh, thực, thùy” đều là ảo ảnh, không thật, làm chúng ta phiền não, mất đi tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta có tiền tài, địa vị nhưng chúng ta vẫn giữ được tâm thanh tịnh thì không vấn đề gì! Chúng ta có thể dùng tiền giúp ích chúng sanh, giúp ích xã hội.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook