105Thứ Tư, 19/10/2022, 15:22
1042 · Khuyên Người Phát Tâm Khó, Chính Mình Nhất Định Phải Phát Tâm Thật Làm

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 19/10/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1042

“KHUYÊN NGƯỜI PHÁT TÂM KHÓ, CHÍNH MÌNH NHẤT ĐỊNH PHẢI PHÁT TÂM THẬT LÀM”

Hòa Thượng nói: “Chúng ta khuyên người khác, khuyến khích người khác phát tâm tại sao chính chúng ta không phát tâm, không thật làm!”. Người xưa nói: “Lên trời khó, cầu người khó”. Việc thứ nhất là việc lên trời thì chúng ta không thể làm được. Việc thứ hai là việc cầu người thì cũng khó như việc lên trời! Chính chúng ta nhất định phải phát tâm nỗ lực, thật làm! Cả cuộc đời Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Hơn mười năm qua, tôi cũng học theo Hòa Thượng cố gắng làm. Tôi đến bất cứ nơi đâu, tôi cũng dùng hết tất cả thời gian có được để làm việc lợi ích chúng sanh.

Hôm qua, tôi có nói chuyện với một người, họ khuyên tôi phải nghĩ đến việc an hưởng tuổi già. Người thế gian khởi tâm động niệm vì mình mà lo nghĩ, họ không có ý niệm vì chúng sanh. Thậm chí, từ khi Phật còn tại thế, có những người học Phật cũng chỉ vì mình lo nghĩ. Hòa Thượng nói: “Trên thế giới có hơn 7 tỷ người, chỉ cần 10% trong 7 tỷ người phát tâm vì người mà lo nghĩ thì thế giới này sẽ đẹp biết bao nhiêu!”. Trên thế giới, có rất nhiều người siêu giàu, chỉ cần 10% số tỷ phú đó họ nghĩ đến những người đói khổ thì thế giới sẽ không còn người chết đói.

Có những bữa tiệc dành riêng cho giới thượng lưu, trong bữa tiệc có những món ăn vô cùng quý hiếm, người tham dự phải di chuyển bằng máy bay để đến đó, nếu tiền dùng để tổ chức bữa tiệc được quy ra gạo thì sẽ có thể cứu giúp rất nhiều người. Người xưa nói: “Đồ cũ không dùng cho đi vẫn hữu dụng. Nhịn một hai bữa tiệc tùng để dành cho người nghèo đói”. Câu nói này chan chứa tình người, tràn đầy lòng từ bi. Đạo lý này sâu sắc, dễ hiểu nhưng không dễ làm vì lòng người thường tự tư ích kỷ. Hòa Thượng nói: “Đừng chờ đợi người khác phát tâm mà chính mình phải phát tâm phải nỗ lực mà thật làm!”.

Hòa Thượng nói: Đồng tu học Phật chúng ta, khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác phải nghĩ đến việc chấn hưng Phật pháp, lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội. Chúng ta phải phấn chấn, nỗ lực thật làm! Những việc bất lợi cho Phật pháp, bất lợi cho xã hội, bất lợi cho chúng sanh thì chúng ta nhất định không nên làm!”. Việc này, mỗi chúng ta vẫn chưa quyết tâm làm, chúng ta chưa xác quyết nên chúng ta làm một cách hời hợt. Chúng ta vì những lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh mất lợi ích to lớn về sau. Chúng ta có con đường rất rõ ràng, sáng tỏ mà chúng ta không nỗ lực thật làm, thậm chí chúng ta bỏ cuộc thì chúng ta biết tương lai chúng ta sẽ đi về đâu!

Chỉ cần chúng ta phát tâm nỗ lực, phấn đấu thật làm thì người khác nhìn thấy thì họ cũng sẽ bị lay chuyển. Người khác có làm hay không là việc của họ. Chúng ta phải yêu cầu chính mình thật làm. Người học Phật khởi tâm động niệm, hành động tạo tác phải vì chấn hưng Phật pháp, lợi ích cho xã hội, cho chúng sanh. Chúng ta phải nỗ lực thật làm. Việc không lợi ích cho Phật pháp, cho chúng sanh thì chúng ta nhất định không làm. Người ngày nay chỉ vì lợi ích riêng của mình giống như người xưa đã nói: “Thấy lợi quên nghĩa”. Người ngày nay vì lợi nhỏ mà quên đi ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa. Người xưa dạy: “Nhân phi nghĩa bất giao. Vật phi nghĩa bất thụ”. Không kết giao với người không có đạo nghĩa. Vật phi nghĩa thì không nhận.

Hòa Thượng nói: “Khởi tâm động niệm của chúng ta phải vì tất cả chúng sanh mà lo nghĩ. Chúng ta nhất định không nên vì chính mình. Chúng ta vì chính mình thì tâm địa của chúng ta đã bị ô nhiễm”. Khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta phải rời xa sự tốt xấu, hơn thua, lời lỗ. Chúng ta làm bằng một mảng tâm chân thành. Chúng ta nghĩ rằng mình làm sẽ lỗ thì chúng ta đã mất đi tâm thanh tịnh. Việc làm của chúng ta phải vì chúng sanh vô điều kiện.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải quên đi chính mình, xả bỏ đi ý niệm vì mình. Tất cả ý niệm của chúng ta đều vì Phật pháp cửu trụ ở thế gian, vì chúng sanh”. Nếu chúng ta không được tiếp nhận Phật pháp thì chúng ta cũng giống như các chúng sanh khác, tâm chúng ta sẽ mê mờ, tất cả việc làm của chúng ta là tạo nghiệp. Nhờ học Phật pháp chúng biết giảm đi “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, giảm đến mức thấp nhất sự hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Phật pháp còn ở thế gian thì người thế gian còn được nương nhờ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook