/ 51
105

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 37)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang mười ba. Mời xem Kinh văn:

“CÁNH NĂNG Ư THÁP MIẾU TIỀN PHÁT HỒI HƯỚNG TÂM, NHƯ THỊ QUỐC VƯƠNG NÃI CẬP CHƯ NHÂN TẬN THÀNH PHẬT ĐẠO, DĨ THỬ QUẢ BÁO VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN”

(Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Giác, được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả, bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên).

Đây là nói công đức có được khi bố thí cho đạo tràng nhà Phật, như tu bổ Kinh sách cũ và hình tượng Phật, Bồ Tát. Phần trước nói nếu gieo được nhân này, thì được quả báo là trong một trăm nghìn đời làm Chuyển Luân Thánh Vương. Từ đó cho thấy phước báo của bố thí là không thể nghĩ bàn. Trong Kinh điển đức Phật nói cho chúng ta biết, người giàu sang nhất ở nhân gian là Chuyển Luân Thánh Vương. Nghiệp nhân mà Chuyển Luân Thánh Vương tạo, trong Kinh này có nói. Chú giải ở đây có trích dẫn lời của cổ đức, ở trang mười ba, hàng thứ nhất, câu sau cùng. “Diệu huyền vân”. Chữ “Diệu” là “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”. “Huyền” là huyền nghĩa. Là do Đại sư Trí Giả biên soạn. Những lời mà Đại sư Trí Giả nói đây đều là trích dẫn từ trong Kinh điển. Đoạn này nói: “Giai thị tán tâm trì giới, kiêm dĩ từ tâm khuyến tha vi phước” (Phước này đều là do tán tâm trì giới và dùng tâm từ khuyên người ta làm phước). Câu này vô cùng quan trọng. Tại sao họ được phước lớn như vậy? Ở nhân gian chúng ta người giống như Chuyển Luân Thánh Vương, giống như những lãnh tụ của các nước lớn trong thế gian hiện nay, những vị này giống như Chuyển Luân Thánh Vương. Thế giới hiện nay nước Mỹ là hùng mạnh nhất, rất nhiều quốc gia, tuy người Mỹ không thể thống trị, nhưng đều chịu sự ảnh hưởng của họ, thậm chí là bị thế lực của họ chi phối. Tổng thống Mỹ đích thực có đầy đủ ý nghĩa của Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng không có phước báo lớn bằng Chuyển Luân Thánh Vương. Tại sao vậy? Nhiệm kỳ của họ chỉ có bốn năm, hơn nữa còn phải bị đủ thứ ràng buộc của Quốc hội, không thể làm việc tùy theo ý mình, cho nên vẫn còn kém rất xa so với Chuyển Luân Thánh Vương. Hơn hai trăm năm trước đây, ở Trung Quốc, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, ba đời này có thể nói cũng có chút giống như Chuyển Luân Thánh Vương. Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc vào thời đó vô cùng hùng mạnh, rất nhiều nước nhỏ ở Á Châu đều có triều cống cho triều Thanh, và trở thành nước chư hầu của đế quốc Thanh. Cho nên chúng ta mở bản đồ lúc thịnh vượng nhất của triều Thanh ra xem, có lẽ diện tích phải lớn gấp ba lần so với Trung Quốc hiện nay. Hiện nay đất đai của Trung Quốc nếu như so với thời Càn Long, chỉ còn lại chỉ một phần ba. Cho nên vị quốc vương như vậy thì chỉ có chút giống như Chuyển Luân Thánh Vương. Phước báo đó của họ được tu như thế nào vậy? Đây là Trí Giả Đại Sư ở trong “Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa” nói cho chúng ta biết là do “Tán tâm trì giới”, họ không phải chuyên tâm. Họ có trì giới hay không? Có. “Kiêm dĩ từ tâm khuyến tha vi phước” (Và dùng tâm từ khuyên người khác làm phước). Tâm địa lương thiện. Tự mình tu phước, còn thúc đẩy rất nhiều người tu phước. Khi phước báo của họ hiện tiền, bản thân họ làm vua, còn những người cùng tu phước với họ đều là đại thần của họ, đều là thuộc hạ của họ. Trong đó người phước báo nhỏ thì làm vua nước nhỏ. Chế độ trước đây, Tổng Đốc chính là vua nước nhỏ, Tuần Phủ cũng là vua nước nhỏ. Tuần Phủ là tương đương với tỉnh trưởng hiện nay, và thông thường Tổng Đốc là quản lý hai tỉnh, những vị này đều thuộc vào thân phận vua nước nhỏ. Những vị làm vua của những nước nhỏ, nước chư hầu nơi những vùng biên địa xa xôi, phước báo đó là tu như vậy mà có. “Thích Thiêm Vân”. Phía dưới giảng Thích Thiêm, câu sau cùng của hàng thứ hai. Thích Thiêm là “Huyền Nghĩa Thích Thiêm”. “Huyền Nghĩa” là do Đại sư Trí Giả biên soạn. Đây là chú giải của “Huyền Nghĩa”, do Pháp sư Trạm Nhiên biên soạn. Ngài nói tương đối tường tận, đều có trích dẫn Kinh để thuyết minh.

Ngài nói: “Tiên hành thất pháp” (Làm bảy pháp trước). Đây là nói một đời hành thiện. Họ làm những việc thiện nào vậy?

“Nhất, cấp thí bần phiếm” (thứ nhất, thí cho những người nghèo cùng, thiếu thốn). Họ quan tâm đối với những chúng sanh nghèo khó, chăm sóc vô cùng hết lòng. Cho nên trong quả báo, họ cảm được rất nhiều người ủng hộ họ, đây là có ơn đức, là báo ơn.

“Nhị, kính dân, hiếu dưỡng” (thứ hai, kính trọng nhân dân, hiếu dưỡng cha mẹ). Họ tôn kính người khác, và có thể hiếu dưỡng, nhất là người có thể hiếu dưỡng đối với cha mẹ và các bậc tôn trưởng, họ là đặc biệt tôn kính.

/ 51