/ 51
79

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 38)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang mười bảy.

“PHỤC THỨ ÐỊA TẠNG! NHƯỢC VỊ LAI THẾ TRUNG, HỮU CHƯ QUỐC VƯƠNG CẬP BÀ LA MÔN ĐẲNG, NĂNG TÁC NHƯ THỊ BỐ THÍ, HOẠCH PHƯỚC VÔ LƯỢNG, CÁNH NĂNG HỒI HƯỚNG BẤT VẤN ĐA THIỂU, TẤT CÁNH THÀNH PHẬT. HÀ HUỐNG THÍCH PHẠM CHUYỂN LUÂN CHI BÁO”

(Lại vầy nữa, này Địa Tạng Bồ Tát! Trong đời sau như có vị Quốc Vương và Bà La Môn có thể làm những việc bố thí như thế sẽ đặng vô lượng phước lành. Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Đề, thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả, huống gì cả những quả trời Phạm Vương, trời Đế Thích, Vua Chuyển Luân).

Phần trước chúng tôi đã báo cáo tường tận rồi. Điều quan trọng nhất ở trong đây là tâm lượng. Trong ngạn ngữ của Trung Quốc có nói: “Lượng lớn thì phước lớn”. Tại sao gieo phước nhỏ, bố thí rất ít mà có thể được phước báo lớn như vậy? Đây là điều mà người mới học Phật chúng ta nghe thấy trong Kinh nói những lời này thường không tránh khỏi hoài nghi. Sự hoài nghi này đều là do chúng ta dùng tâm ý thế gian để đo lường. Đâu biết rằng sự việc này không phải dùng tâm ý thế gian mà có thể tưởng tượng được. Lý luận ở trong đây là bởi vì xứng tánh. Chỉ cần xứng tánh, cho dù bố thí ít, thật sự giống như là hạt bụi mảy lông đi nữa, chẳng thấm tháp vào đâu, nhưng công đức của họ đều là tận hư không khắp pháp giới. Sự thù thắng của Phật Pháp là ở chỗ này, chỗ khó của Phật Pháp cũng là ở chỗ này. Khó ở chỗ phàm phu thường không thể mở rộng tâm lượng được, lúc nào cũng tâm lượng nhỏ. Tâm lượng nhỏ dù tu bố thí nhiều đi nữa, thì phước báo cũng hữu hạn. Nếu như là tâm lượng lớn, dù tu bố thí cực ít thì phước báo cũng không thể nghĩ bàn. Đạo lý này phải thể hội cho thật kỹ. Trong chú giải có mấy câu nói, trang mười bảy đếm ngược đến hàng thứ ba, bắt đầu xem từ đoạn giữa, tôi đọc cho mọi người nghe. “Nhược bất vị tự cầu nhân thiên phước báo” (Nếu không vì cầu phước báo nhân thiên cho mình). Chữ nhược là giả thiết. Giả thiết là chúng ta nhất định không phải vì cầu phước báo nhân thiên cho mình. Mục đích của bố thí là gì? “Tận hồi hướng pháp giới chúng sanh” (Hồi hướng hết cho chúng sanh trong pháp giới). Chỉ hy vọng tất cả chúng sanh được phước, tất cả chúng sanh được lợi ích, nhất định không có nghĩ đến chính mình, thì phước báo bố thí của người này là lớn rồi. “Tắc bất vấn thí chi đa thiểu tất cánh thành Phật” (Thì chẳng cần hỏi bố thí nhiều hay ít, đều sẽ thành Phật cả). Dùng bốn chữ tất cánh thành Phật này để miêu tả độ lớn phước báo của họ. Bởi vì phước báo của thế gian và xuất thế gian không có cái nào lớn hơn thành Phật cả. Nói đến thành Phật là phước báo đã đạt đến rốt ráo viên mãn rồi. Đạo lý này tóm lại chúng ta phải hiểu, sau đó chúng ta sẽ không còn hoài nghi nữa.

Sau cùng đức Phật ở chỗ này đã làm một cái tổng kết. “Thị cố Ðịa Tạng phổ khuyến chúng sanh đương tri thị học” (Nầy Địa Tạng Bồ Tát, vì thế nên khuyến hóa tất cả chúng sanh đều phải học theo như thế).  Câu này là tổng kết đoạn phía trước. Bởi vì phía trước là nói nguyên nhân, gieo nhân thiện được quả thiện, quả báo thù thắng như vậy có người nào mà không mong cầu? Tại sao chúng sanh cầu không được? Những gì mà chúng sanh tu không đúng như lý, như pháp, cho nên được phước hữu hạn. Nếu tu học đúng như lý như pháp, sẽ được phước vô lượng vô biên. Nhưng lý luận và phương pháp nhất định phải thâm nhập Kinh Tạng. Không đọc Kinh, không nghiên cứu giáo lý thì sao có thể hiểu được lý luận này? Bạn làm sao có thể biết được phương pháp này? Cho nên chư Phật Bồ Tát và các tổ sư, đại đức xưa nay thường hay khuyến khích chúng ta “không thể không đọc Kinh sách”, đạo lý là ở chỗ này. Xem tiếp đoạn này dưới đây, thứ hai là “Nam nữ thí phước”. Mời xem Kinh văn.

“PHỤC THỨ ĐỊA TẠNG”

(Lại vầy nữa, này Địa Tạng Bồ Tát!)

Đây là lại gọi Ngài Bồ Tát Địa Tạng thêm một lần nữa.

“VỊ LAI THẾ TRUNG NHƯỢC THIỆN NAM TỬ THIỆN NỮ NHÂN, Ư PHẬT PHÁP TRUNG CHỦNG THIỂU THIỆN CĂN, MAO PHÁT SA TRẦN ĐẲNG HỨA, SỞ THỌ PHƯỚC LỢI BẤT KHẢ VI DỤ”

(Trong đời sau, như có thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong Phật pháp mà gieo trồng chút ít cội phước lành chừng bằng cái lông, sợi tóc, hột cát, mảy bụi, phước lợi của những người đó sẽ hưởng thọ không thể ví dụ thế nào cho được)

Đoạn Kinh văn này cũng thường làm cho đại chúng sinh nghi hoặc. Có rất nhiều người tự cho rằng, mình đã gieo phước tu thiện ở trong cửa Phật rất nhiều rồi, tại sao không được phước? Trong lịch sử Trung Quốc, người nổi tiếng nhất là Lương Võ Đế. Cả đời Lương Võ Đế tu bố thí, ai có thể sánh bằng? Ông lúc đó dùng quyền lực của mình, dùng uy thế của mình hộ trì Phật Pháp, xây dựng chùa chiền, trong lịch sử ghi là có đến bốn trăm tám mươi ngôi chùa. Bình thường nhà Phật chúng ta thường nói, xây một ngôi tháp, đắp một bức tượng Phật thì phước báo đó là không thể nghĩ bàn. Huống gì ông xây dựng được đến bốn trăm tám mươi ngôi chùa. Vậy chúng ta nghĩ xem ông tạo được bao nhiêu bức tượng Phật? Trong một ngôi chùa, tóm lại không thể nói thờ một bức tượng Phật. Ông tạo bao nhiêu bức tượng Phật, tượng Bồ Tát. Bố thí cúng dường người xuất gia, ông rất ưa thích ủng hộ người xuất gia. Người nào xuất gia, ông nhất định bố thí cúng dường. Trong sách có ghi là đến mấy chục vạn người. Phước báo này bao lớn! Tại sao khi về già, vẫn gặp phải đủ thứ chuyện bất hạnh, dường như không giống với những gì trong Kinh này nói. Phước báo chắc chắn là có, nhưng nghiệp lực của ông thì không thể chuyển trở lại được. Đây là nguyên nhân gì vậy? Tâm lượng không lớn, không có trí tuệ. Cái này nhà Phật thường gọi là tu phước mà không tu tuệ. Ông là tu bố thí tài, hình như cũng có bố thí pháp, nhưng tóm lại là thiếu trí tuệ, tâm lượng không đủ lớn. Cho nên khi Tổ sư Đạt Ma gặp ông, thấy thái độ của ông, dùng cách nói hiện nay để nói là rất đáng tự hào. Ông đã tạo rất nhiều việc tốt trong cửa Phật như vậy là rất đáng tự hào, khoe khoang những sự nghiệp mà mình đã làm, mới hỏi Tổ sư Đạt Ma, công đức của tôi như vậy có lớn không? Tổ sư Đạt Ma nói với ông: “Hoàn toàn không có công đức”. Lời Tổ sư Đạt Ma nói là chân thật. Tại sao hoàn toàn không có công đức? Vì ông có thái độ kiêu mạn, nên không có công đức rồi. Đạo lý này phải hiểu. Bố thí thật sự là có công đức, nhưng vừa ngạo mạn là xong ngay, liền mất hết công đức. Kiêu mạn là lửa thiêu cả rừng công đức. Tổ sư Đạt Ma là người rất tuyệt vời, nói chuyện với Lương Võ Đế thấy không hợp căn cơ, Lương Võ Đế không hộ trì Ngài. Cho nên sau khi Ngài rời đi, đến chùa Thiếu Lâm ngồi nhìn vào vách, không có người nào biết. Vị tổ sư như vậy đến Trung Quốc mà không có ai biết, không có ai hộ trì. Chín năm ngồi nhìn vào vách, kể ra quá giỏi, đợi được một người là Huệ Khả và truyền pháp cho. Nếu như năm xưa Lương Võ Đế hộ trì Ngài, thì Thiền Tông đã phát huy rạng rỡ sớm rồi, không đến nỗi phải đợi đến đời thứ sáu là Huệ Năng, mà phát huy rạng rỡ từ lâu rồi. Không có người biết, đây là do không có tuệ nhãn. Lương Võ Đế không nhận ra người, nên đã bỏ lỡ qua cơ hội gieo phước đức lớn đích thực, không có hộ trì Tổ sư Đạt Ma, bỏ lỡ cơ duyên rồi. Mấu chốt là ở khiêm tốn, cung kính, tâm lượng rộng lớn, đây đều là sự biểu hiện của trí tuệ. Cho nên nhìn từ trên thái độ của Lương Võ Đế, ta thấy ông không có trí tuệ, tâm lượng rất nhỏ. Đây là làm rất nhiều việc bố thí mà được phước không lớn, nguyên nhân là ở chỗ này.

/ 51