/ 51
90

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 9

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

 

Xin mời mở kinh văn. Phẩm thứ ba: Quán nghiệp duyên chúng sanh. Lần trước nói đến đoạn bất kính Tam bảo, chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn này:

 

Nhược hữu chúng sanh xâm tổn thường trụ, điếm ô tăng ni, hoặc già lam nội tứ hành dâm dục, hoặc sát hoặc hại, như thị đẳng bối, đương đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp cầu xuất vô kỳ.

Đây là tạo ba thứ tội nghiệp cực nặng. Chúng ta nhất định phải ghi nhớ: Thứ nhất là bất hiếu cha mẹ, thứ hai là bất kính Tam bảo, thứ ba là “xâm tổn thường trụ”, xâm là xâm phạm, tổn là tổn hại, xâm tổn thường trụ kết tội rất nặng, đây thuộc về giới trộm cắp, việc này chư vị cần phải biết. Nhiều người coi thường những việc này, cứ tưởng đây là chuyện nhỏ, chẳng ăn nhằm gì, không biết đã phạm tội rất nghiêm trọng. Trong kinh, Phật giảng được rất rõ ràng, chúng ta nhất định phải lắng lòng thể hội, thường trụ có bốn loại:

Thứ nhất gọi là “thường trụ thường trụ”, đây là chỉ cho tự viện, am đường trong đạo tràng, những bất động sản này như đất đai, ruộng đất, nhà cửa, được gọi là Thường trụ thường trụ. Chỉ có thể sử dụng, tuyệt đối không thể trao đổi, mua bán, đây là vật của thường trụ, nếu bạn trao đổi, mua bán thì tội này cực nặng.

Thứ hai là “thập phương thường trụ”, thập phương thường trụ chính là “tứ sự cúng dường” mà chúng ta thường nói, “Thức ăn, y phục, ngọa cụ, y dược”. Đây là phẩm vật của tín đồ thập phương cúng dường người xuất gia, không dành riêng cho một người nào cả, tất cả những người xuất gia trong đạo tràng này đều có phần. Nếu như bạn xâm phạm, lấy làm của mình thì đây là trộm cắp.

Thứ ba là “hiện tiền hiện tiền”, đây là những gì chúng ta được tín đồ cúng dường. Phạm vi cúng dường này tương đối nhỏ, chỉ thuộc về những người xuất gia hiện tiền. Không giống như thập phương nói ở phía trước, thập phương là hết thảy người xuất gia đều có phần. Ngày xưa người xuất gia không có nhà, bất cứ đạo tràng nào cũng có thể xin “quải đơn”, đều có thể thọ dụng, họ đều có thể tiếp nhận. Bởi vì sự cúng dường này là cúng dường thập phương nên hết thảy người xuất gia đều có phần.

Thứ tư gọi là “thập phương hiện tiền”, những vật hiện tiền, thí dụ lúc người xuất gia vãng sanh rồi, những vật mà họ để lại thì gọi là thập phương hiện tiền. Tuy là hiện tiền, nhưng những vật dụng của họ để lại thì thập phương đều có phần. Thế nên khi kết tội là kết từ những chỗ này.

Thí dụ như việc trộm cắp trong thế gian, bạn trộm đồ của một người thì bạn thiếu nợ một người. Chư vị đồng tu nhất định phải biết, nếu bạn hiểu rõ đạo lý này, thông đạt chân tướng sự thật, thì trong thế gian tuyệt đối không thể nói người nào đó đã lợi dụng, lời nói này không đúng. Người nào đó bị thiệt thòi, cũng không có kiểu nói này. Tại sao vậy? Đời này bạn đoạt lấy của người ta thì đời sau bạn phải trả lại cho họ, đây là đạo lý nhất định, nhân quả báo ứng. Chúng ta đoạt lấy, tương lai đời sau gặp duyên này thì tài vật của chúng ta cũng sẽ bị người ta đoạt lấy. Nếu chúng ta xâm chiếm người khác thì tương lai người ta cũng xâm chiếm chúng ta. Thế nên Phật nói giữa người với người có bốn thứ duyên: Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn không dứt, đều làm những việc này. Chúng ta đến thế gian này, để làm gì? Là để báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ mà thôi. Sau khi hiểu rõ đạo lý này xong, thì “ân phải báo, oán phải quên”, không nên tiếp tục nữa, liền đem nợ nần này xóa đi, chúng ta thiếu người ta thì phải trả, còn người ta thiếu mình thì không cần nữa. Đem món nợ đó kết thúc ngay trong đời này, chấm dứt hết, được vậy mới có thể niệm Phật, mới có thể vãng sanh Tịnh độ. Nếu bạn cứ thường ghi nhớ những ân oán, nợ nần này ở trong tâm, đến lúc Phật đến tiếp dẫn muốn kéo cũng kéo không nổi, việc ở thế gian này bạn chưa có xong, loại việc như vậy thì không bao giờ hết được. Thế nên bạn thiếu nợ một người thì bạn trả nợ một người, việc này dễ làm. Nếu như là chính quyền địa phương, thí dụ nói một thành phố này, nếu bạn trộm cắp những thiết bị công cộng ở đây thì phiền phức sẽ lớn lắm. Tại sao vậy? Bạn phải biết kết tội này, thiết bị công cộng là do tiền nộp thuế của người địa phương này tạo nên. Nếu bạn trộm cắp thì những người trong thành phố này đều là chủ nợ của bạn, bạn phải trả cho từng người, bạn phải trả đến bao giờ mới có thể trả hết chứ? Chư vị nhất định phải biết, thiết bị công cộng nhất định không thể trộm cắp, tội này nặng lắm. Nếu như thiết bị này là của quốc gia thì phiền phức còn lớn hơn nữa, tương lai khi kết tội thì người cả nước đều là chủ nợ của bạn. Hiện nay có nhiều người không biết được mức độ nặng nhẹ của tội này, tùy tiện phá hoại thiết bị công cộng, tội này rất nặng, nặng vô cùng, phải kết tội dựa trên người cả nước. Tự viện, Am đường gọi là tài vật của Tam bảo, tội này so với tội trộm cắp tài vật của quốc gia vẫn còn nặng hơn, tại sao vậy? Nó thông mười phương, tận hư không, khắp pháp giới hết thảy những người xuất gia đều có phần, sự kết tội này phải dựa trên “tận hư không, khắp pháp giới” mà kết tội, vậy thì phiền phức lớn rồi. Thế nên trộm cắp đồ vật của Tam bảo, trộm một cây kim sợi chỉ, một cọng cỏ cành cây đều phải đọa địa ngục A-tỳ. Có người nói việc này hình như không hợp lý tí nào, một cọng cỏ cành cây, một cây kim sợi chỉ có đáng là gì, tại sao tội lại nặng như vậy? Bạn nghĩ thử xem, chủ nhân của nó là ai thì bạn sẽ rõ, chủ nhân của nó là tận hư không, khắp pháp giới hết thảy người xuất gia, bạn phải kết tội trên số người này.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51