/ 51
93

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 8

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

 

Xin mời mở kinh văn, phẩm thứ nhì: Phân Thân Tập Hội, bắt đầu xem từ đoạn thứ hai.

 

Nhĩ thời Thế Tôn thư kim sắc tý, ma bá thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới chư phân thân Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.

Lần trước giảng đến chỗ này, ý nghĩa trong đây rất sâu. Chúng ta từ trong khai thị của Thế Tôn biết được phân thân của Địa Tạng Bồ Tát thật là vô lượng vô biên. Tại sao Bồ Tát phải dùng nhiều phân thân như vậy? Chúng ta phải nghĩ đến vấn đề này, nhất định là vì chúng sanh tạo ác nghiệp ở hết thảy mười phương thế giới thật sự là quá nhiều. Cho nên Địa Tạng Bồ Tát cần phải dùng phân thân đi độ hóa. Đây là hiển thị ý nghĩa này, người tạo tác ác nghiệp nhiều vô lượng vô biên. Thế Tôn nói tiếp:

 

Nhi tác thị ngôn:

Đây là lời đức Phật nói:

 

Ngô ư ngũ trược ác thế, giáo hóa như thị cang cường chúng sanh, lịnh tâm điều phục xả tà quy chánh. Thập hữu nhất nhị thượng ác tập tại.

Đức Phật an ủi Địa Tạng Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát từ bi đến tột cùng. Cùng một đạo lý, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là từ bi đến tột cùng, Bồ Tát phân thân vô lượng vô biên, Phật có khác gì đâu? Trong kinh Phạm Võng chúng ta thấy trăm ngàn ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật. Địa Tạng và Thế Tôn như vậy, chúng ta liền liên tưởng đến hết thảy chư Phật, Bồ Tát không có vị nào không như vậy. Thế nên việc này chính là nói cho chúng ta biết Phật, Bồ Tát còn nhiều hơn số người tạo tội nghiệp, lòng đại từ đại bi này, ngay cả ngôn từ để tán thán chúng ta cũng tìm không ra. Nhưng chúng sanh đích thật ương ngạnh khó giáo hóa, tập khí quá nặng. Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, dạy cho họ cải tà quy chánh, ở đây nói trong mười người còn có một, hai người vẫn còn tập khí ác, hay nói cách khác, bảy, tám người trong mười người đã được Phật, Bồ Tát độ thoát rồi, như vậy số người được độ thoát không phải rất nhiều hay sao? Chư vị nên biết số người nói ở đây là những chúng sanh căn cơ đã chín muồi, căn cơ chưa chín muồi thì không nói đến, chỉ tính chúng sanh căn cơ đã chín muồi. Cũng chính là nói thiện căn, phước đức của họ đã thành thục, Phật, Bồ Tát đến làm tăng thượng duyên cho họ, là ý nghĩa này. Đa số những người này đều có thể tiếp nhận Phật pháp, y giáo phụng hành, Nhưng còn một, hai trong mười phần vẫn còn một số tập khí ác. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta xem thấy mười loại chúng, mười loại lớn đó ở trong các đoàn thể nhỏ đến nghe kinh, chúng ta có thể nhận biết được. Trên thực tế thì ở trong đạo tràng của chúng ta cũng có thể nhận biết được. Nếu họ không có thiện căn phước đức, chúng ta giảng kinh ở đây họ làm sao mà nghe hiểu được? Nghe cũng rất chăm chú, tu hành hình như cũng rất dụng công, nhưng một lát sau thì tật xấu, tập khí lại nổi lên, đây là thuộc về “một, hai trong mười phần”. Người như vậy có thể được độ trong đời này không? Không thể độ được, chỉ là trồng thiện căn mà thôi. Cho nên Phật đem những chúng sanh này giao phó cho Địa Tạng Bồ Tát, một số chúng sanh căn tánh chưa chín muồi này Phật độ chưa hết, nhờ Địa Tạng Bồ Tát độ tiếp, mãi cho đến khi Phật Di Lặc ra đời. Chúng ta xem tiếp kinh văn:

 

Ngô diệc phân thân thiên bách ức, quảng thiết phương tiện.

Ở đây đức Phật Thích Ca nói ra rồi, phía trước là nói sơ lược, ở đây là nói kỹ hơn, đem căn tánh của chúng sanh phân thành bốn loại, trong bốn loại thì ba loại đầu tiên đều được độ, một loại sau cùng chính là “một, hai trong mười phần”, đã nói ra cụ thể cho chúng ta.

 

Hoặc hữu lợi căn văn tức tín thọ.

Đây là người thượng thượng căn, vừa tiếp xúc Phật pháp họ liền tin tưởng, họ liền tiếp nhận, y giáo phụng hành, họ liền được độ, đây là nói [chúng sanh] được độ vào thời kỳ chánh pháp. Hạng thứ hai:

 

Hoặc hữu thiện quả cần khuyến thành tựu.

Thiện căn, phước đức cũng khá sâu dày, nhưng thua hạng người kể trên. Nếu như chúng ta xếp vào ba thời kỳ trong pháp vận của Phật, đây là [chúng sanh] được độ trong thời tượng pháp, căn tánh so với chúng ta bây giờ lanh lợi hơn rất nhiều.

 

Hoặc hữu ám độn cửu hóa phương quy.

Đây là hạng căn tánh ám độn. Ám là không có trí tuệ, độn là căn tánh không lanh lợi. Đối với chúng sanh hạng này, Phật không từ bỏ. “Cửu hóa”, chính là phải dùng thời gian rất dài để giúp đỡ họ. Chúng ta thường nói “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, họ từ từ cũng sẽ giác ngộ. Đây là đối với chúng sanh thời kỳ mạt pháp.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51