/ 51
81

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 25

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore

 

Xin mở kinh văn, cuốn Khoa Chú quyển trung, trang 62, chúng ta đọc qua một lần kinh văn:

 

Năng ư thị thập trai nhật, đối Phật Bồ-tát chư hiền thánh tượng tiền, độc thị kinh nhất biến. Đông Tây Nam Bắc bách do-tuần nội vô chư tai nạn, đương thử cư gia nhược trưởng nhược ấu, hiện tại vị lai bá thiên tuế trung vĩnh ly ác thú.

Đoạn kinh văn này nói về ích lợi của việc đọc kinh, phía trước chúng ta đã nói qua rất nhiều, nhưng ý nghĩa này thật ra mà nói là không có cùng tận, chúng ta phải thể hội thật sâu, muôn vàn đừng xem đó là mê tín, nếu nghĩ vậy thì lợi ích đời này thậm chí đời sau đều phải bỏ lỡ, như vậy thì vô cùng đáng tiếc, thật sự là không có cách gì bù đắp được. Chúng ta là phàm phu, tâm của chư Phật, Bồ-tát thanh tịnh hơn tâm chúng ta, trí tuệ của các ngài cao hơn chúng ta, bất luận là các ngài nhìn người, nhìn việc, nhìn vật đều nhìn thấu triệt hơn chúng ta, nhìn sâu xa hơn chúng ta. Chúng ta đối với lời nói, sự chỉ dạy của những bậc thánh hiền này không thể tin sâu, không thể tiếp nhận, không thể phụng hành, cứ luôn làm theo vọng tưởng của chính mình, đâu có lý nào không phạm phải sai lầm cho được? Do đó đức Phật ở đây nói: “Chúng sanh cõi Diêm-phù Đề, chân thật là khởi tâm động niệm không gì không phải là nghiệp, không gì không phải là tội”, câu nào câu nấy đều là lời chân thật. Trong kinh, tới đoạn này là khuyên chúng ta mỗi tháng ôn lại kinh điển mười lần, ý nghĩa chân thật là dạy chúng ta đừng quên lời răn dạy của Phật, Bồ-tát, từng giây từng phút phải luôn nghĩ tới y giáo phụng hành, mục đích chân thật là ở chỗ này.

Hiệu quả sinh ra chúng ta cũng tin sâu không nghi, một người ở nơi đây phát tâm chân thật tu hành, đúng như những gì cổ nhân Trung Quốc nói: “Một người có phước, mọi người thơm lây”, phước của người này càng lớn, thì công đức và sức ảnh hưởng của họ càng rộng. Chỗ này là nói thật sự được oai thần chư Phật, Bồ-tát gia trì, người tu hành ở địa phương này trong vòng 100 do-tuần, y theo cách nói của Ấn Độ xưa, phạm vi của 100 do-tuần rất lớn, 1 do-tuần là 40 dặm, 100 do-tuần là 4.000 dặm, phạm vi đó lớn biết bao. [Một người] tu hành ở Singapore, hầu như cả Trung Quốc Đại Lục đều bao gồm ở trong phạm vi 4.000 dặm này, có sức mạnh lớn như vậy. Chư vị phải biết tu hành chân thật mới có sức mạnh như vậy; nếu như không phải tu thật, phạm vi 40 thước cũng chẳng đạt được chứ đừng nói đến trăm do-tuần. Đây là sự thật, nhất định phải hiểu đạo lý này. Nói thật ra, người hiện nay dễ hiểu đạo lý này hơn người thời trước, người thời trước đọc kinh này mà có thể hiểu, có thể tin, chúng ta thật không thể không khâm phục, thiện căn phước đức của họ sâu dày. Bởi vì thời xưa không có cách gì giải thích tường tận cho được, và cũng không tìm ra chứng cứ. Ngày nay, chúng ta có khoa học kỹ thuật tiến bộ, dùng phương pháp khoa học để chứng minh nên dễ hiểu hơn thời xưa rất nhiều. Đạo lý này đã từng nói qua với chư vị ở phía trước, hy vọng mọi người tỉ mỉ mà tư duy.

Đạo lý chân thật chính là hiện tượng dao động sóng mà ngày nay nhà khoa học nói tới. Phía trước đã nói với chư vị, phàm là vật chất đều sẽ sanh ra hiện tượng dao động sóng, nhưng tất cả dao động sóng của vật chất sinh ra nó đều là ôn hòa. Tất cả vật chất chúng ta gọi là thực vật, động vật, những sóng phát ra này rất ôn hòa, rất bình thường, mức độ chấn động của sóng không lớn lắm, ở trong một phạm vi nhất định. Bởi vì nó vĩnh viễn giữ trong trạng thái đó, tuy trạng thái này biến hóa, sự biến hóa này rất yếu, đây là nói rõ hiện tượng dao động sóng của nó, đó là một hiện tượng bình thường. Khoa học gia thời gần đây đã nhận thức rõ ràng, bản chất là không có sự tồn tại của vật chất. Vật chất là gì? Vật chất đích thực là hiện tượng dao động sóng. Sự nhận thức này rất tuyệt vời, rất giống với những gì Phật pháp nói. Phật pháp nói vũ trụ và chúng sanh hình thành như thế nào? Y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới từ đâu đến? Từ vô minh đến. “Vô minh không giác sanh ra tam tế, cảnh giới do duyên tạo nên lục thô.[1] Có thể thấy vô minh chính là hiện tượng dao động sóng, đây thật sự là đã tìm ra nguồn gốc của thập pháp giới y báo, chánh báo trang nghiêm, làm gì có sự thật tồn tại? Chúng ta cảm thấy có sự thật tồn tại, đó là tướng tiếp nối của dao động sóng. Trong kinh Kim Cang nói: “Như sương, cũng như chớp”, sương là tướng tiếp nối, chớp là tướng sát-na sanh diệt. Sát-na sanh diệt nói thật ra chính là không sanh không diệt, sanh diệt đồng thời, hiện tượng dao động sóng là sanh diệt đồng thời cho nên Phật nói không sanh không diệt. Chúng ta phải hiểu được không sanh không diệt không phải là thật sự không sanh không diệt, nếu thật sự là không sanh không diệt thì nói không sanh không diệt không có ý nghĩa gì cả. Nó đích thực có sanh diệt, có sanh diệt thì tại sao lại nói nó không sanh không diệt? Vì nó đồng thời, sanh diệt đồng thời. Trong kinh đức Phật dùng tia chớp để làm thí dụ, đây là nói tốc độ của nó quá nhanh, vấn đề này về sau chúng ta sẽ nói rõ hơn khi giảng kinh Hoa Nghiêm.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51