/ 51
81

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 24

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore

 

Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 56:

 

Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế trung Diêm-phù-đề nội, Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ nhất thiết nhân đẳng, cập dị tánh chủng tộc hữu tân sản giả, hoặc nam hoặc nữ thất nhật chi trung, tảo ư độc tụng thử bất tư nghị kinh điển, cánh vi niệm Bồ-tát danh khả mãn vạn biến, thị tân sanh tử hoặc nam hoặc nữ, túc hữu ương báo tiện đắc giải thoát, an lạc dị dưỡng thọ mạng tăng trưởng, nhược thị thừa phước sanh giả chuyển tăng an lạc cập dữ thọ mạng.

Đây là nói lúc sanh sản nên tu phước như thế nào. Về việc này thì hiện nay vệ sinh, thuốc men phát triển hơn lúc trước, hoàn cảnh tốt hơn lúc trước rất nhiều. Vào thời xưa, đặc biệt là những vùng nông thôn lạc hậu, thực tế sinh con là một việc lớn liên quan đến tánh mạng. Do đó đức Phật ở đây đặc biệt nêu ra, dạy chúng ta làm thế nào tu học, làm sao cho mẹ con được bình yên. Trong kinh, đức Phật nói cho chúng ta biết, quan hệ giữa người trong nhà vô cùng mật thiết, chắc chắn là có nhân duyên sâu dày, không phải ngẫu nhiên mà tụ hợp. Nhân duyên vô cùng phức tạp, đức Phật đã quy nạp những nhân duyên phức tạp này thành bốn loại lớn, đây là như trong kinh thường nói: “Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”, cho nên mới tụ lại thành người một nhà. Cha con, anh em, chị em đều không rời những quan hệ này, do nhân duyên đời trước nên mới thành người một nhà, trong ngạn ngữ thường nói: “Không phải oan gia không gặp mặt”, lời này rất có đạo lý. Nhưng sau khi giác ngộ, người trong nhà của bạn liền trở thành quyến thuộc trong pháp, như vậy rất tốt, rất thù thắng. Không giác ngộ thì người trong nhà là ân oán báo đền lẫn nhau, đó chân thật gọi là khổ không nói nổi. Rốt cuộc thì báo ân rất ít, báo oán lại nhiều, trả nợ thì ít, đòi nợ thì nhiều; cho nên đời người trong thế gian thường có tám, chín phần không như ý, đây là sự thật mà bản thân chúng ta đã từng trải qua, đích thân nhìn thấy. Cho nên con cái sanh ra, nhất định phải hiểu nhân duyên đời trước của nó.

Quả báo là bình đẳng, bất luận giàu sang, nghèo hèn, trong kinh nêu ra “Sát-lợi”, trước kia ở Ấn Độ là vương tộc, còn Bà-la-môn là nhà tôn giáo có địa vị cao trong xã hội, trưởng giả, cư sĩ đều có phước báo. Phía sau nói, “hết thảy các hạng người và những chủng tộc khác”, phạm vi bao gồm rất rộng, bốn giai cấp của Ấn Độ thảy đều bao gồm ở trong đây. Người Trung Quốc chúng ta gọi là nghèo, giàu, sang, hèn. Bất luận là thân phận nào, bất luận là địa vị nào, khi sanh sản chắc chắn không thể tránh khỏi, hơn nữa sự đau khổ trong lúc sanh sản là giống nhau, nhà người giàu có thì chăm sóc chu đáo hơn một chút, người nghèo hèn thì chăm sóc kém hơn một chút. Nói tóm lại, nỗi khổ này không thể nào tránh khỏi. Phật dạy chúng ta phương pháp, “trong vòng bảy ngày sớm vì đứa trẻ đó mà đọc tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này”, phải “sớm đọc”. Tốt nhất là nếu người trong nhà có tín ngưỡng Phật pháp, có thể tiếp nhận giáo huấn của Phật-đà, nên đọc vào lúc nào? Ngay lúc mang thai liền đọc. Mỗi ngày đọc một bộ kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, hoặc niệm 1.000 danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát, phải dùng tâm chân thành, cung kính mà tụng niệm thì phước báo sẽ rất lớn. Cho dù đứa con trong thai là đến để báo oán, là oán gia chủ nợ đến, nếu bạn có thể chăm sóc nó như vậy thì oán kết ấy sẽ được hóa giải. Bạn có ân đối với nó thì nó sẽ không báo oán, nó sẽ đến báo ân, chuyển biến phải từ lúc mới bắt đầu. Ở chỗ này nói, mức độ thấp nhất là phải sớm trong vòng bảy ngày khi mới sanh ra, đương nhiên bạn làm được càng sớm thì càng tốt. Cho nên khi chúng ta hiểu đạo lý này, biết phương pháp này, tốt nhất là khi mang thai liền đọc, liền tu hành theo phương pháp này. Người làm mẹ, tâm bình khí hòa, chân thành cung kính, thanh tịnh bình đẳng, khởi tâm động niệm nhất định sẽ ảnh hưởng đến đứa bé trong thai. Dùng lý luận khoa học hiện nay để nói thì mọi người dễ hiểu hơn, đây thuộc về hiện tượng dao động sóng.

Ở trong Phật pháp nói, giống như hết thảy vạn pháp ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều phóng quang minh, không những thân người phát sáng, vạn vật cũng phát sáng. Thực ra thế giới Cực Lạc quang minh chiếu khắp, thế gian này của chúng ta không phóng quang hay sao? Nếu như hết thảy người, vật ở thế gian này của chúng ta không có quang minh chiếu khắp giống như thế giới Tây Phương Cực Lạc thì Nhất Chân pháp giới sẽ nói không thông rồi. Đâu có lý nào chỗ này quang minh cực lớn, còn chỗ kia không có quang minh, nói như vậy làm sao mà thông cho được? Nhất định phải biết Nhất Chân pháp giới bao gồm thế giới này của chúng ta, không phải nói rời khỏi thế giới này của chúng ta lại có một Nhất Chân pháp giới khác, không có đạo lý ấy! Trong kinh là nói về sự việc gì? Ở chỗ đó quang minh chiếu khắp, mọi người đều có thể đích thân cảm nhận được, còn quang minh chiếu khắp ở thế gian này của chúng ta, chúng ta không cảm nhận được, chính là đạo lý như vậy chứ không phải là quang minh không chiếu. Tại sao chúng ta không cảm nhận được? Vì tâm không thanh tịnh, tâm quá loạn, vọng niệm quá nhiều, thế nên bạn không nhìn thấy cảnh giới ấy; không phải là không có, cùng với thế giới Cực Lạc và thế giới Hoa Tạng là không hai không khác. Dùng cách nói của vật lý hiện đại thì rất dễ lý giải, quang là gì? Quang là ánh sáng, là hiện tượng dao động sóng. Chỉ cần động thì sẽ có sóng, hiện nay khoa học gia gọi là “sóng”, nhà Phật chúng ta gọi là “quang”, quang chính là dao động sóng. hiện nay đều biết hết thảy vật chất tạo thành như thế nào? Phân tích đến sau cùng là thành nguyên tử, điện tử, lạp tử [1]. Những vật chất cơ bản này ở dưới trạng thái gì? Đều chuyển động. Đức Phật không cần các dụng cụ khoa học, ngài nhìn thấy rất rõ ràng, hiện nay dụng cụ tân tiến nhất còn chưa quan sát thấy, Phật đã nhìn thấy rõ ràng. Đức Phật nói những hiện tượng này cho chúng ta, lời của ngài nói rất khéo léo, uyển chuyển, nói ra chân tướng này, không có người tin tưởng, không có người tiếp nhận. Thế nên, cách nói như vậy rất vi diệu, rất cao minh, chúng ta gọi là phương tiện thiện xảo.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51