/ 51
93

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 23

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore

 

Mời mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang 49, mời xem kinh văn:

 

Hà huống thiện nam tử thiện nữ nhân, tự thư thử kinh, hoặc giáo nhân thư, hoặc tự tố họa Bồ-tát hình tượng, nãi chí giáo nhân tố họa, sở thọ quả báo tất hoạch đại lợi.

Phía trước nói về người thân, quyến thuộc, bạn bè trước lúc họ lâm chung, dùng tài vật của họ, thay họ tu phước, phước báo họ đạt được vô cùng thù thắng. Nếu như lúc mình còn khỏe mạnh có thể tự mình tu phước, vậy thì quả báo đương nhiên sẽ càng thù thắng, đoạn này nói về đạo lý này. “Huống hồ người thiện nam, người thiện nữ”, “thư” là viết, chép, thời xưa kỹ thuật in ấn còn chưa phát minh, hơn phân nửa kinh sách và hình tượng Phật, Bồ-tát đều được chép và vẽ. Chép một bộ kinh thì thế gian có thêm một bộ kinh điển, có thể làm tăng thượng duyên Phật pháp cho một số chúng sanh, cho nên công đức này rất lớn. Đức Phật không còn tại thế, Phật pháp có thể trụ thế lâu dài thì nhất định phải nhờ kinh điển, kinh điển phải có người hộ trì, lưu thông; công đức lưu thông kinh điển, hộ trì Phật pháp trong thế gian và xuất thế gian đích thực là thuộc về hạng nhất. Bởi vì chỉ có Phật pháp mới có thể làm cho chúng sanh giác ngộ, có thể làm cho chúng sanh phá mê, phá mê khai ngộ mới có thể được vô lượng phước báo. Đức Phật nói lời thành thật với chúng ta, phước báo chân thật của hết thảy chúng sanh vốn có đầy đủ trong tự tánh, nhưng nếu bạn không giác ngộ thì tự tánh của bạn bị che lấp. Tuy có phước báo, cũng giống như “bảo tạng” vậy, ẩn kín trong núi sâu, chôn vùi dưới lòng đất, tuy có nhưng bạn không dùng được. Nhà của bạn được xây trên mỏ vàng, phía dưới là mỏ vàng vô tận, nhưng bạn không lấy dùng mà vẫn phải chịu quả báo nghèo khổ, bạn không được thọ dụng. Cho nên, Phật pháp dạy bạn khai trí tuệ, khai phát kho tàng trong tự tánh của bạn, phước báo ấy không cùng tận.

Trong Phật pháp dạy bạn tu phước, nguyên nhân của việc tu phước là gì? Do bạn còn chưa kiến tánh. Khi chưa kiến tánh, nếu muốn hưởng phước báo thì phải làm sao? Chỉ có nhờ tu. Thế nên, phước nhờ tu có được không phải của tự tánh, [phước trong] tự tánh mới không cùng tận. Giống như chúng ta xem thấy thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà được nói trong kinh Tịnh độ, đó là phước báo của tự tánh. Trong kinh Hoa Nghiêm nói đến thế giới Hoa Tạng của đức Phật Tỳ-lô-giá-na cũng là phước báo của tự tánh. Chư vị phải biết, nếu như chúng ta phá mê khai ngộ, minh tâm kiến tánh, y báo và chánh báo trang nghiêm giống như thế giới Cực Lạc và thế giới Hoa Tạng sẽ hiện ra. Đương nhiên nói thì dễ, để thật sự làm được thì rất khó, lúc chúng ta chưa kiến tánh mà muốn được phước, thì phương pháp duy nhất là phải tu, bạn tu nhiều thì phước báo của bạn sẽ nhiều, bạn tu ít thì phước báo của bạn sẽ ít. Tu phước trong nhà Phật là thù thắng nhất, nhưng quan trọng chúng ta phải có trí tuệ phân biệt. Nhà Phật, trong kinh Lăng-nghiêm, Thế Tôn nói thời Mạt pháp chúng ta “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, đây chính là nhắc nhở chúng ta, trong thời kỳ này có Phật pháp giả, có Phật pháp giả mạo. Trồng phước trong Phật pháp giả, Phật pháp giả mạo thì khá khó khăn. Không phải nói không có, trên lý luận thì vẫn có! Nhưng bạn không được thọ dụng. Chỉ gieo xuống hạt giống trong a-lại-da thức, đến lúc nào mới có thể hưởng thọ được, quá khó. Trong kinh có thí dụ, vô lượng kiếp sau mới có thể được thọ dụng. Nếu như chúng ta trồng phước thì ngay hiện đời có thể được thọ dụng. Nếu bạn biết được Phật pháp thật, đạo tràng Phật pháp chân thật, mọi người chân chánh tu hành, bất luận là chúng xuất gia hay tại gia, chỉ cần tu hành chân chánh thì cúng dường liền có phước. Cho nên, mọi người cũng đừng có thành kiến, nhất định đối với chúng xuất gia thì chúng ta mới cung kính, còn chúng tại gia thì kém một bậc, thế gian thường có phân biệt sai lầm như vậy. Nhất định phải biết, trong đồng tu tại gia cũng có người tu hành rất tốt, chư Phật, Bồ-tát thị hiện thân phận tại gia rất nhiều, đạo lý này nhất định phải hiểu. Phàm là những người tốt, người thiện, người hiền có sức ảnh hưởng nhất định đối với xã hội, địa phương, phong tục giáo hóa thì chúng ta đều nên cúng dường, đều nên học theo họ, như vậy mới đúng.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51