/ 51
105

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 14

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

 

Xin mời mở kinh văn, “Khoa Chú” quyển thượng, trang một trăm sáu mươi bảy, xin xem kinh văn:

 

Nhược ngộ điền liệp tứ tình giả, thuyết kinh cuồng táng mạng báo.

Câu kinh văn này, hồi trước, khi lần đầu tôi đọc kinh này có cảm xúc rất sâu. Điền liệp tức là săn bắn, tứ tình là buông lung, mặc sức giết hại hết thảy chúng sanh. Phạm vi bao gồm trong đây rất rộng, không kể dùng cách thức gì, có thể nói là phương pháp rất nhiều, mục đích đều nhằm để bắt dã thú. Săn bắn hoặc dùng lưới, thời xưa dùng cung tên, ngày nay thì dùng súng, số lượng chúng sanh bị giết hại dù sao cũng còn có hạn. Nhưng chúng tôi đi bắt cá, đa phần người ta là dùng lưới để đánh cá, một mẻ lưới quăng ra cũng là vẫn có hạn. Ngày xưa chúng tôi làm việc này bằng cách quá độc ác, chúng tôi dùng thuốc nổ TNT để đánh cá, sau khi thuốc nổ, cá chết là cả ngàn, cả vạn con, chúng không phải bị nổ chết mà vì bị chấn động chết. Tôi đi theo cha tôi săn bắn hết ba năm, tôi nhớ, ba năm đó là mười sáu, mười bảy, mười tám tuổi. Đọc đoạn kinh này xong [nhớ lại] báo ứng của cha tôi chính là như vậy. Ông mất năm 45 tuổi, lúc mất là điên cuồng mà chết, tôi tận mắt nhìn thấy tình hình này, đó là quả báo ngay trong đời này. Lúc ông phát bệnh thì như điên, như cuồng; người gầy chỉ còn da bọc xương [nhưng] sức rất khỏe, khỏe đến nỗi mấy người cũng cản không nổi. Khi gặp chỗ có nước thì lao đầu xuống nước, khi nhìn thấy núi thì cắm đầu chạy lên núi, tôi cho rằng đây là quả báo của việc săn bắn.

Tôi đọc đoạn kinh này xong bèn phát tâm ăn chay trường, biết được sát nghiệp quá nặng, đích thân trải qua cho nên cảm xúc vô cùng sâu đậm. Sau đó thấy những gì nói trong Phật pháp, hết thảy chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay nhân quả tuần hoàn, trong kinh nói “nhân mạn bất đoạn”, nhiều đời nhiều kiếp báo đền lẫn nhau dây dưa mãi không dứt. Tuy là tạo tội nghiệp vì vô tri, không biết, nhưng không thể nói, không biết thì không có quả báo, không biết vẫn có quả báo như thường. Nếu như sau khi học Phật, đã hiểu những đạo lý này xong mà vẫn tạo tác thì phạm hai tội nặng, tức là thêm tội phá giới. Giới luật căn bản trong năm giới có không sát sanh, đây là giới sát sanh, lại thêm một tội phá giới nữa. chưa học Phật, chưa nghe đến Phật pháp, sát sanh là tánh tội, không kể là bạn thọ giới hay chưa thọ giới đều là có tội. Chúng ta biết được quả báo đáng sợ thì nhất định không thể làm những việc này. Tôi học Phật và biết được đạo lý này xong liền ăn chay trường, phóng sanh. Cả đời này những việc tu phước mà tôi làm chỉ có ba việc: Phóng sanh, in kinh, giúp đỡ bệnh khổ. Tôi không có phước báo, khả năng tiền bạc rất có hạn, có một chút [tiền] cúng dường, tôi làm những việc gì? Phóng sanh, quyên tặng cho bệnh viện để mua thuốc men cho người nghèo, thứ ba chính là in kinh bố thí. Những việc khác tôi đều không làm. Bản thân tôi không chủ trương xây đạo tràng, thế nên cũng có quả báo, quả báo là không có chỗ ở, cả đời ở nhờ đạo tràng người khác, cũng rất tốt, bản thân không có đạo tràng. Thực tế, nguyên nhân là phước báo của mình quá nhỏ, ít làm việc tốt, ít công đức; xây một đạo tràng cần phải có phước báo lớn, tôi không có phước báo lớn như vậy. Lúc chưa học Phật, tạo tội nghiệp rất nặng, lúc còn đi học thì làm “thân Phật ra máu”, tôi đã kể cho các bạn nghe rồi; tạo tội nghiệp đọa địa ngục A-tỳ, săn bắn cũng là tội báo của địa ngục A-tỳ. Thế nên trước đây người ta nói tôi đoản mạng, ngay cả Phật Sống Cam Châu cũng nói tôi đoản mạng, không có phước báo; người thì rất thông minh, có một chút trí tuệ nhỏ, nhưng đáng tiếc là không có phước báo, đoản mạng. Ngài nói cho tôi biết, tôi thừa nhận, tôi tin tưởng, lúc trước tạo tội nghiệp nên phải chịu những quả báo này, đáng phải nhận số mạng như vậy, còn nói gì được nữa? Thế nên tôi cũng không oán trời, không trách người. Phật Sống Cam Châu nói với tôi, Ngài nói: “Những năm gần đây ông giảng kinh thuyết pháp, công đức ấy rất lớn!” Ngài nói: “Không những ông có phước báo mà còn rất trường thọ”. Ngài Cam Châu nói những lời này với tôi, năm sau thì Ngài vãng sanh. Ngài là bạn cũ của tôi, là “đồng tham đạo hữu”.

 

Nhược ngộ bội nghịch phụ mẫu giả, thuyết thiên địa tai sát báo.

Đây là bất hiếu cha mẹ, không những không hiếu thuận mà còn phản nghịch cha mẹ, lời nói hành động làm tổn thương cha mẹ, thời xưa cũng có nhưng ít; hiện nay thì rất nhiều. Lúc trước khi tôi còn đi học ở Đài Trung, thầy Lý kể cho chúng tôi một câu chuyện, đây là chuyện có thật thời nhà Thanh. Chuyện này kể cách đây cũng đã lâu rồi, lúc đó Ngài nói ra địa danh nhưng bây giờ tôi cũng không nhớ rõ nữa. Lúc trước, đời Thanh có một người con giết cha của mình, đây là [tội] bội nghịch cha mẹ. Bấy giờ triều đình nhà Thanh hạ lệnh, tri huyện ở địa phương ấy, tức là huyện trưởng bị cách chức, còn phải ngồi tù, phán tội phải ở tù. Tại sao? Quan địa phương không dạy tốt dân chúng, bởi vì họ không làm tròn trách nhiệm, thế nên người đứng đầu ở địa phương ấy phải bị cách chức, tra hỏi. Tuần Phủ là người có chức tương đương với Tỉnh trưởng sẽ ghi chép tội này, xử phạt thật nặng. Quý vị là quan viên địa phương, quan địa phương được gọi là quan phụ mẫu, quý vị dạy kiểu gì mà người ta lại làm ra như vậy? Xử phạt như vậy còn chưa đủ, còn phải phạt thêm nữa, thành trì khi trước đều có tường thành, liền phá bỏ một góc tường thành để nói rõ với mọi người rằng, địa phương ấy xuất hiện một người đại bất hiếu như vậy, đó là sự sỉ nhục của người toàn địa phương ấy, tường thành đó phá bỏ đi một góc. Trước đây hay nói “Hoàng đế chuyên chế”, Hoàng đế thật sự chịu trách nhiệm, chứ không phải không chịu trách nhiệm. Ông ta giao trách nhiệm cho quan viên địa phương, người đứng đầu phải thay ông ta phụ trách, giữ gìn phong tục tốt đẹp, phải giáo hóa, phải làm tốt. Hiện nay báo chí thường đăng các thông tin, ai chịu trách nhiệm [với các thông tin này]? Không có người chịu trách nhiệm. Dân chủ, mọi người đều làm chủ, mọi người làm chủ [nhưng] mọi người không chịu trách nhiệm, cứ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác vậy thì xã hội này làm mà sao tốt cho được?

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51