/ 51
99

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 15

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore

 

Mời mở kinh văn, quyển trung, Địa Ngục Danh Hiệu Phẩm Đệ Ngũ, mời xem kinh văn:

 

Nhĩ thời Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Địa Tạng Bồ Tát ngôn: “Nhân giả, nguyện vi thiên long tứ chúng cập vị lai hiện tại nhất thiết chúng sanh, thuyết Ta-bà thế giới cập Diêm-phù-đề tội khổ chúng sanh sở thọ báo xứ địa ngục danh hiệu, cập ác báo đẳng sự. Sử vị lai thế mạt pháp chúng sanh tri thị quả báo”.

Đến chỗ này là một đoạn. Đoạn này là do Phổ Hiền thưa hỏi, phía trước đã giới thiệu qua “nghiệp duyên, nghiệp hoặc”. Sau hai phẩm này, thì đối với những khổ báo của hết thảy chúng sanh tạo ác nghiệp trên thế gian chiêu cảm chúng ta cũng đã hiểu được phần nào. Kinh văn đến chỗ này, Phổ Hiền Bồ Tát đại từ đại bi thay chúng ta thỉnh pháp, thỉnh cầu Địa Tạng Bồ Tát nói sơ lược những tội báo này cho chúng ta biết. Không những chúng ta hy vọng hiểu rõ, Mà còn có chúng sanh trong lục đạo của thế giới Ta-bà bao gồm chư thiên, bát bộ, quỷ thần ở trong. Bởi vì những chúng sanh này tuy hiện nay là hưởng thụ phước báo, phước báo của thiên nhân, nhưng phước trời sau khi hưởng hết rồi thì phải làm sao đây. Mỗi chúng sanh, hoặc chỉ nói về con người, sinh mạng không phải chỉ có một giai đoạn này mà thôi, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này. Chúng ta có đời quá khứ, quá khứ vô thỉ, chúng ta còn có đời vị lai, vị lai vô chung, những năm tháng vô thỉ vô chung này không có cách gì để tính đếm. Ngày nay chúng ta nói về con số thiên văn, con số thiên văn so với vô thỉ vô chung vẫn còn cách nhau một trời một vực, tội nghiệp tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay cũng là vô lượng vô biên. Quả báo ở giai đoạn này là do chúng ta đã tạo những hạnh nghiệp từ vô lượng kiếp, nghiệp nhân nào gặp được duyên thì nó sẽ khởi hiện hành, [nói chung] là sự việc như vậy.

Người không học Phật thì đối với những chân tướng sự thật này sẽ không hiểu rõ, không sáng tỏ; Phật đã nói với chúng ta rất rõ ràng, những lời Phật nói có đáng tin hay không? những lời Phật nói có thật hay không? Chỗ thù thắng nhất, cao minh nhất của giáo học Phật-đà là Ngài dạy chúng ta đi chứng thật, Ngài nói cho chúng ta biết chuyện như vậy, bảo chúng ta tự mình đi chứng minh, như vậy thì không phải giả. Phật không có nói: “Những gì ta nói thật thì nhất định là thật”, Phật không có cách nói như vậy. Sau khi Phật nói xong, bạn có thể tự mình chứng thật. Dùng phương pháp gì để chứng thật? Điều này Phật có thể dạy bạn, Phật dạy cho bạn phương pháp, tự bạn đi cầu chứng. Lục đạo là thật, thập pháp giới là thật, Nhất Chân pháp giới cũng là thật, bạn đều có thể chứng thật. Đừng nói những tội nghiệp đã tạo trong đời này, mà trong quá khứ đời đời kiếp kiếp cũng đã tạo tội nghiệp; cho nên khi phước trời hưởng hết, do vì tích lũy tội nghiệp ở trong đời quá khứ thì đâu có lý nào không đọa lạc cho được? Cảm ứng ở trong mười pháp giới thì cảm ứng ác nhiều hơn, cũng chính là ác duyên nhiều, thiện duyên ít. Nếu như bạn không tin lời này, điều này cũng không khó chứng thực; bạn hãy tỉ mỉ tư duy, quan sát nhiều hơn một chút.

Trong đời sống hiện nay của chúng ta, từ sáng đến tối tất cả người, việc, vật mà chúng ta gặp được đều là duyên, trong đó thiện duyên nhiều hay ác duyên nhiều? Ngoại duyên bên ngoài dẫn khởi ý niệm trong tâm của chúng ta, lục căn chúng ta tiếp xúc cảnh giới lục trần bên ngoài, chúng ta khởi tâm động niệm là ác niệm nhiều hay là thiện niệm nhiều? Bạn bình tĩnh mà tư duy thì sẽ rõ ràng thôi. Nếu như từ sáng đến tối, ác niệm của chúng ta nhiều hơn thiện niệm, thì đời sau bạn sẽ sanh đến đâu? Đó không phải là sẽ đi vào tam ác đạo hay sao, đâu cần phải hỏi người khác! Không cần phải hỏi ai khác, không cần hỏi Phật, Bồ Tát, tự mình biết rõ ràng, tường tận. Trong một ngày, từ sáng đến tối nếu chúng ta có thể giữ được thiện niệm nhiều hơn ác niệm thì chúng ta mới nắm chắc không đọa tam ác đạo. Sự nắm chắc này cũng không phải là một trăm phần trăm, tại vì sao? Lúc lâm chung bạn có thể nắm chắc hay không? Lúc bình thường có thể nắm chắc, nhưng lúc lâm chung không nắm chắc vậy thì vẫn phải đọa lạc. Do đó mới biết được chuyện này thật sự rất khó, không dễ dàng chút nào, những lúc bình thường nhất định phải luyện tập, tại sao? Lúc bình thường rèn luyện thì đến lúc lâm chung phần nắm chắc sẽ nhiều hơn; nếu bình thường không chịu rèn luyện thì đến lúc lâm chung phần nắm chắc sẽ rất ít, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Cổ đức có thí dụ rất hay, đó là: “Luyện binh ngàn ngày, dùng trong một buổi”, lúc bình thường phải rèn luyện, đến phút cuối có thể đánh thắng hay không thì vẫn chưa chắc. Nhưng nhất định phải rèn luyện thì khi đánh trận mới có cơ hội thắng. Nếu như lúc bình thường không có tập luyện thì khi lâm trận chắc chắn sẽ bị đánh bại. Lúc bình thường rèn luyện, trong các buổi giảng chúng ta đã nói rất nhiều. Đặc biệt là thời gian gần đây, hoàn cảnh sinh sống của chúng ta trên trái đất này, địa cầu là đại hoàn cảnh sinh sống của chúng ta xảy ra nhiều tai biến khác thường, thiên tai nhân họa tới dồn dập, số lần năm sau nhiều hơn năm trước, lần sau xảy ra nghiêm trọng hơn lần trước; chúng ta nghe báo cáo ở nhiều địa phương đích thực khiến cho thân tâm con người đều bất an, sinh hoạt trong lo sợ.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51