/ 51
85

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 13

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore

 

Kính thưa hai lão Hòa thượng, chư vị Pháp sư, chư vị đồng học:

Xin mở kinh, “Khoa Chú” của Pháp sư Thanh Liên, ở Đài Loan gần đây chúng tôi phát tâm in hai vạn bộ, tương lai mọi người đều có thể có bản in hoàn hảo. Kinh Địa Tạng vô cùng quan trọng, từ kinh điển chúng ta thấy được Thế Tôn giao phó sứ mạng giáo hóa chúng sanh trong thời Mạt pháp chín ngàn năm này cho Địa Tạng Bồ Tát, thế nên Địa Tạng Bồ Tát chính là đại biểu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thời Mạt pháp, địa vị của Ngài vô cùng đặc biệt, Ngài thay thế Phật. Chúng ta thấy trong kinh này, hết thảy Bồ Tát nhận lời phó chúc đều ủng hộ Địa Tạng Bồ Tát. Trước giảng đài chúng ta thờ Địa Tạng Bồ Tát, mọi người đều nhìn thấy, chúng ta nhất định phải y giáo phụng hành.

Hôm nay giảng đoạn kinh nói về Tứ Đại Thiên Vương đặt ra câu hỏi. Nói thật ra, nghi vấn của họ chính là nghi vấn chung của chúng ta. Tại sao Địa Tạng Bồ Tát nhiều kiếp lâu xa đến nay thường phát đại nguyện phải độ tận chúng sanh, nhưng mãi cho đến nay chúng ta thấy hình như chúng sanh không được độ, tạo tác tội nghiệp ngày càng nặng, nguyên nhân rốt cuộc là ở chỗ nào? Hy vọng Thế Tôn có thể khai thị cho mọi người. Đoạn khai thị phía sau đều là những lời trong kinh Phật. Người học giảng kinh chúng ta khi gặp những đoạn kinh văn này phải đặc biệt lưu ý, lúc đối diện thính chúng đông đảo, trong thính chúng có người đã từng gặp phải những nạn ấy, nếu chúng ta giảng không khéo thì họ rất khó chấp nhận, khó chịu, thậm chí sẽ thốt lời trách móc, khởi tâm oán trách, như vậy thì không tốt. Thế nên khi gặp kinh văn như vầy thì phải dùng cách khéo léo, phải khơi gợi mà không làm tổn thương lòng tự ái của người ta. Ðiểm này vô cùng quan trọng. Trong “Nội Ðiển Giảng Tọa” các bạn đã học qua rồi, tuyệt đối không thể gây tổn thương đến lòng tự ái của người ta, thí dụ trong kinh văn, ngày nay chúng ta muốn nói về tàn tật, nói quá nhiều về những việc này. Nếu bạn nói cặn kẽ như vậy thì họ nghe xong sẽ rất buồn bực, chỉ nên nói sơ lược, phớt qua thôi; còn những chỗ liên quan đến nhân quả báo ứng thì có thể nói sâu thêm một chút, làm cho họ cảnh giác.

Ngoài ra nhất định phải biết ngày nay chúng ta giảng kinh không phải chỉ có những thính chúng [hiện diện] trước mắt này mà thôi, băng thâu hình được phát hình toàn thế giới, thính chúng coi băng này qua máy truyền hình không biết là bao nhiêu mà tính, cũng không biết họ là người như thế nào, chúng ta phải dự liệu, không thể làm mích lòng họ. Phải làm cho họ nghe xong có thể sanh tâm hoan hỷ, tâm cung kính, có thể quay về, sửa đổi lỗi lầm. Ðược vậy thì sự giáo học Phật pháp của chúng ta mới thành tựu viên mãn. Không giống lúc trước, lúc trước chỉ có thính chúng có mặt tại buổi giảng, nếu không hiện diện nơi ấy thì không nghe được; hiện nay truyền hình, truyền thanh, người trên cả toàn thế giới đều nghe được. Vả lại băng thâu hình, thâu thanh có thể lập lại nhiều lần, bạn suy xét coi thử thính chúng sẽ là bao nhiêu? Ðây là việc chúng ta phải dự liệu, không thể sơ sót.

 

Xin mời mở kinh văn. Tương lai sau khi chúng ta in xong cuốn Khoa Chú, sẽ được lưu thông với số lượng nhiều, đặc biệt là Cửu Hoa Sơn, đạo tràng của Ðịa Tạng Bồ Tát, chỗ của Bổn Tôn, chúng ta nhất định phải dốc toàn tâm toàn lực để ủng hộ. Ngày nay thế giới động loạn, tình cảnh động loạn này chư vị đều cảm nhận được rất rõ ràng; hơn nữa, biến cố nhiều vô cùng, bất luận là một quốc gia nào, một khu vực nào trên thế giới đều có biến cố nghiêm trọng, ngày nay tin tức, thời sự đều không đưa tin nữa. Tại sao lại không đưa tin? Chúng ta suy đoán, có lẽ sợ rằng mọi người sau khi biết được sẽ sinh ra hoảng loạn. Vì muốn an định cục diện xã hội trước mắt cho nên rất nhiều thiên tai nghiêm trọng đều không đưa tin, đây là điều chúng ta có thể lý giải được. Nhưng những thiên tai này xảy ra như thế nào? Người đời không hiểu được nguyên nhân bên trong, đều gán cho nó là tai họa tự nhiên, đẩy trách nhiệm cho thiên nhiên, hình như không có liên quan gì đến con người chúng ta, đây là một sai lầm to lớn. Nếu có quan niệm này, tâm thái này thì không những thiên tai không thể chấm dứt mà càng ngày càng nghiêm trọng hơn, chúng ta còn phải chịu khổ nạn lớn hơn nữa. Chúng ta làm thế nào để giúp đỡ xã hội hóa giải tai nạn, giảm nhẹ, đình trệ những thiên tai này, chúng ta có trách nhiệm, chúng ta có sứ mệnh! Đó chính là hết lòng học Phật, hết lòng tu hành.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51