/ 600
445

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập: 380

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Trung Tấn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 20.04.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 467, hàng thứ hai. Ở trên đã hiển bày sự sự vô ngại thâm sâu, trùng trùng vô tận, pháp giới không thể nghĩ bàn.

Phẩm “Bảo Liên Phật Quang” này, hiển bày hoa sen biến khắp pháp giới. Chúng ta cần hiểu được ý nghĩa biểu pháp sâu xa của nó. Hoa sen phóng ánh sáng, trong ánh sáng có hóa Phật, Phật lại vì đại chúng nói pháp, cho dù là thấy ánh sáng, nghe tiếng, nghe pháp điều được lợi ích công đức thù thắng. Người vãng sanh về thế giới Cực Lạc đặc biệt là đới nghiệp, nghiệp chướng làm cách nào để tiêu trừ được thì chúng ta đã rõ rồi.

Thế giới này, phía trước chúng tôi đã nhiều lần đề cập chỉ có hai hạng người, một là thầy giáo, hai là học sinh. Phật là thầy giáo, Bồ Tát là học sinh, không thấy có hạng người thứ ba. Phàm là người đới nghiệp vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, được bổn nguyện oai thần của đức Phật A Di Đà gia trì, liền làm A Duy Việt Trí Bồ Tát. Nói cách khác, tất cả Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc đều đã chứng tam bất thoái: Thứ nhất là vị bất thoái, thứ hai là hành bất thoái, chắc chắn là Đại Thừa chứ không phải Tiểu Thừa, thứ ba là niệm bất thoái, niệm niệm đều hướng đến vô thượng bồ đề. Chúng ta xem xét tỉ mỉ sẽ thấy đó là trường học, đó là đạo tràng lớn của đức Phật A Di Đà, đón nhận hết thảy chúng sanh mười phương đến nơi đấy, cam đoan quý vị thành Phật, một đời thành tựu viên mãn. Sự việc này không tìm thấy ở trong quốc độ của mười phương chư Phật. Ở thế giới Cực Lạc chúng ta không thấy có tổ chức quốc gia, không thấy có quốc vương, thiên vương, đại thần, không thấy có những thứ này, cũng không có sĩ nông công thương, chỉ thấy trong kinh điển nói cho chúng ta biết là dạy học không gián đoạn. Đúng là “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, cho nên mỗi người đều thành tựu rất nhanh. Ở tha phương thế giới tu hành tính bằng kiếp số, vô lượng kiếp. Đến thế giới Cực Lạc thì thành tựu rất nhanh.

Cuối cùng Niệm Lão kết luận, hiển bày sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận, pháp giới không thể nghĩ bàn. Những câu này chỉ có trong kinh Hoa Nghiêm, cho nên tây phương tịnh độ là nòng cốt của Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm một mắc xích thù thắng nhất, mắc xích này chính là thế giới Cực Lạc. Ánh sáng của thế giới Cực Lạc, ảnh hưởng của thế giới Cực Lạc, thành tựu của thế giới Cực Lạc với Hoa Nghiêm không hai không khác. Thậm chí 41 vị Bồ Tát ở Hoa Nghiêm Hải Hội, trong cõi thật báo của đức Phật Tỳ Lô Giá Na, đều theo ngài Văn Thù, Phổ Hiền vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Điều này thật là hy hữu! Đức Phật Tỳ Lô Giá Na thấy tình hình như thế, chẳng có điều gì là không vui. Tại sao Văn Thù Phổ Hiền, hai vị đại đệ tử này dẫn theo tất cả mọi người về thế giới Cực Lạc? Chẳng những không chướng ngại mà còn vui mừng tán thán. Điều này chúng ta phải thể hội sâu sắc, phải siêng năng mà học tập. Do nguyên nhân gì? Đến thế giới Cực Lạc tu hành nhanh thành Phật, rút ngắn được nhiều thời gian. Tu học ở thế giới Hoa Tạng còn cần phải ba đại a tăng kỳ kiếp. Ba đại a tăng kỳ kiếp này từ Sơ Trụ đến Đẳng Giác. Cũng có nghĩa là tập khí vô thỉ vô minh, phải cần thời gian dài như vậy mới có thể sàng lọc sạch sẽ được. Nhưng ở thế giới Cực Lạc thì lại khác, nguyên nhân của việc không giống nhau này chúng ta có thể hiểu được - giảng kinh dạy học nghe pháp không bị gián đoạn. Chúng ta thường nói “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, thì tự nhiên tập khí vô thỉ vô minh hết khi nào không hay. Điều này trong tất cả kinh khác đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa từng nói, mà chỉ nói trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Vô Lượng Thọ. Cho nên chư Phật Như Lai giúp đỡ hết thảy chúng sanh, từ bi đến cùng cực, chúng ta chẳng thể không biết ơn, chẳng thể không siêng năng học tập, vãng sanh chính là báo Phật ân. Không thể vãng sanh là không xứng với Phật ân. Đó là giả không phải thật.

Những câu nói bên dưới rất quan trọng, “sen trong cảnh Phật”, đây là nói về hoa sen ở thế giới Cực Lạc. “Từ tâm Phật sanh”. Đức Phật có lời nguyện lớn như vầy: Trong mười phương thế giới có một người niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc, ao sen bảy báu mọc lên một đóa hoa sen. Hoa sen từ đâu mà có? Nhân chính của hoa sen là chính ta, là tâm của ta, tánh của ta, cùng một tánh với đức Phật. Trong Hoàn Nguyên Quán nói: “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”, là từ tâm Phật mà sanh. Nhân phải có duyên mới có thể hiện hành được. Duyên có thân nhân duyên, thân nhân duyên là Giác Ngộ của chính mình, phát tâm niệm Phật. Tăng thượng duyên, tăng thượng duyên là đức Phật A Di Đà, dùng oai thần bổn nguyện của ngài gia trì cho chúng ta, như vậy hoa sen dã thành tựu.

/ 600