42Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

KỲ 109

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 23/01/2009

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, mời ngồi! Hôm nay có 38 câu hỏi, trước tiên xem câu hỏi của đồng tu trên mạng.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, tỷ lệ ly hôn trong xã hội hiện nay cao, không ít người chọn cuộc sống độc thân, nhưng sách xưa có nói: “Phụ nữ không kết hôn là làm trái quy luật tự nhiên, ắt bị ông trời trách phạt”. Xin hỏi cách nói này có đúng không? Hành vi như vậy có làm trái lời dạy của đức Phật không?

Đáp: Trong lời dạy của đức Phật không có cách nói này, đây là vấn đề xã hội. Xã hội thời xưa không giống xã hội hiện nay, chế độ đại gia đình trong xã hội thời xưa là “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, người phụ nữ có nơi có chốn, đời này của họ có sự bảo đảm. Chế độ đại gia đình hiện nay không còn tồn tại nữa, cho nên rất nhiều cách nói của xã hội trước đây đã không còn thích hợp với hiện tại. Vấn đề của xã hội hiện nay thực sự nghiêm trọng hơn trước đây, làm thế nào giải quyết những vấn đề này, hiện nay chính phủ của rất nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu, không dễ gì có thể có được phương pháp thực sự thỏa đáng. Chúng ta hãy bình tĩnh quan sát, gia đình trước đây thực sự hạnh phúc hơn gia đình hiện nay, mặc dù có rất nhiều hạn chế, hình như cá nhân không được tự do như hiện nay, đây là thực tế. Trước đây, bởi vì gia đình lớn, sự nghiệp lớn, nhân khẩu đông, nếu như không quản nghiêm ngặt, gia đình này không có thứ tự sẽ loạn, cho nên gia quy vô cùng quan trọng. Mấy năm nay chúng tôi đề xướng Đệ Tử Quy, là gia quy chung mà hết thảy gia tộc của Trung Quốc thời xưa đều phải tuân thủ, không nhiều, chỉ có 113 điều, đây là căn bản, là nền tảng, là môn phải tu. Ai cũng làm như vậy, gia hòa, xã hội hài hòa tốt đẹp, đích thực là dễ dàng thi hành đất nước tôn trọng lễ nghĩa, xã hội hài hòa. Hiện nay, mức độ khó khăn lớn hơn trước quá nhiều, chúng ta nên biết điều này. Bởi vì tỷ lệ ly hôn cao, cho nên chọn lựa cuộc sống độc thân hình như càng ngày càng nhiều, đây là hiện tượng xã hội, hiện tượng này cũng không thể xem là bình thường. Làm sao giải quyết vấn đề? Tôi nghĩ có nhà xã hội học, nhân khẩu học chuyên nghiên cứu, là đề tài mà những học giả này đang nghiên cứu.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, học trò là bác sĩ châm cứu, nhiều năm nay dùng phương pháp châm cứu truyền thống chữa khỏi cho rất nhiều người bệnh. Nhưng mấy năm gần đây không ít đồng tu nhắc nhở học trò, châm cứu sẽ làm tổn thương chúng sanh trên cơ thể người bệnh, [như vậy sẽ] kết ác duyên. Lúc đang trị bệnh, con biết được trên người bệnh nhân có chúng sanh, trong lòng âm thầm nhắc nhở chúng sanh tránh đi, để tránh làm tổn hại họ, nhưng đa số người bệnh không biết trên cơ thể họ có chúng sanh hay không, không biết nên xử lý như thế nào. Là một người bác sĩ châm cứu, con nên làm thế nào mới đúng pháp?

Đáp: Chuyện này không được nhắc tới trong kinh Phật, nhưng mà có một số chuyện tương tự như vậy, chúng ta suy ngẫm một chút thì có thể tìm ra được câu trả lời. Ví dụ trong Giới Kinh dạy người xuất gia, trước đây người xuất gia đều sống trong rừng núi, tự mình chặt vài cây để dựng túp lều nhỏ, điều này Phật cho phép. Phật nói với người xuất gia, các ông chặt cây này, cây cao bằng người, nếu cây cao hơn người thì sẽ có linh hồn dựa vào cây này, cũng tức là họ coi cây này thành nơi cư trú của mình, giống như nhà của họ vậy. Vậy ông định chặt cây của họ, họ sẽ ghi hận, trong lòng họ bất bình. Nhưng mà chúng ta nhất định phải dùng cây này, Phật nói ba ngày trước đó tụng kinh, cầu nguyện cho họ, mời họ dọn nhà rời khỏi cây này, chúng tôi muốn chặt cây này để dựng túp lều nhỏ. Từ những lời dạy của Phật, chúng ta có thể mở rộng ra, trước khi bác sĩ châm cứu trị bệnh, có thể tụng kinh hoặc trì chú hồi hướng cho chúng sanh ở trên thân người bệnh. Có rất tốt, không có cũng tốt, thành tâm hồi hướng, mời những chúng sanh này rời đi, ít nhất tạm thời rời đi, trong thời gian bạn điều trị không có xung đột với họ, tôi nghĩ như vậy sẽ rất tốt.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, trong giới văn nghệ có một số diễn viên đóng phim, xuyên tạc Phật pháp hoặc tăng nhân xuất gia, ví dụ như Đường Tăng lấy vợ, gây hiểu lầm cho chúng sanh không biết Phật pháp, chướng ngại Phật duyên của chúng sanh, xin hỏi đây là nhân quả gì?