34Thứ Ba, 02/04/2024, 20:19
84 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 84

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 02/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 84

Người học Phật có thể lý đắc tâm an nếu thể hội được rằng phước báu sẽ an bài tất cả. Việc học Phật tu hành không chỉ nói trên miệng mà phải tẩy trừ tâm thô xấu, thay đổi khởi tâm động niệm và hành vi, luôn cảnh giác cao độ thì tâm viễn ly luân hồi, cầu sanh Tịnh Độ mới được đề khởi. Người học Phật từ tâm chân thật sẽ lưu xuất ra ba loại lợi ích: Trụ Chân Thật Huệ, Khai Hóa Hiển Thị Chân Thật Chi Tế và Huệ Dĩ Chúng Sanh Chân Thật Chi Lợi.

Hòa Thượng nói: “Trong mạng có thì trước sau gì cũng có, trong mạng không thì chớ có cưỡng cầu. Chân thật thể hội được hai câu nói này thì chúng ta tự nhiên tâm an lý đắc.” Lúc ấy chúng ta thậm chí thanh tịnh tự tại vì không mong cầu, vì mọi sự mọi việc đã được phước báu an bài.

Chúng tôi tin điều này cho nên từ rất lâu chúng tôi đi đâu cũng mang một ít quà để biếu tặng không phân biệt giàu hay nghèo. Người cực giàu có thể mua mọi thứ nhưng một trái mít chín cây thơm ngon mới cắt xuống thì họ không có nên chúng tôi tặng họ thứ đó. Chỉ cần có tâm thì có rất nhiều thứ để biếu tặng. Người xưa có câu: “Của cho không bằng cách cho”.

Nếu chúng ta chân thật hiểu được câu nói của người xưa: “Trong mạng có thì trước sau gì cũng có, trong mạng không thì chớ có cưỡng cầu” thì chúng ta sẽ y theo lời dạy của Phật Bồ Tát Thánh Hiền mà khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật. Chúng ta cứ sảng khoái, vui vẻ mà thực hành như những tấm gương đức hạnh của dân tộc chúng ta. Vậy thì tâm an lý đắc, thanh tịnh tự tại.

Lời người xưa là khuôn vàng thước ngọc và thông qua những câu chuyện trong cuộc đời này chúng ta sẽ có sự chiêm nghiệm. Trừ khi mình không làm, chứ một khi mình đã làm thì sẽ có người biết. Một khi trong mạng đã không có lại cố gắng tìm cầu hay dùng thủ đoạn đoạt lấy thì của cải đó sẽ vẫn tự ra đi. Mấy hôm nay trên báo có đăng việc một người bị mất 170 tỷ trong tài khoản. Còn tài khoản của chúng tôi, trộm mà có muốn vào lấy chắc cũng buồn vì chỉ vừa đủ trả tiền điện, nước hằng tháng.

Xung quanh chúng ta có một số người làm việc rất bình thường nhưng rất chân thành, mọi sự mọi việc không nề hà. Họ nói: “Con chỉ biết nghe lời thôi, Thầy bảo sao con làm vậy!”. Nhìn lại đời sống của họ thì rõ ràng con cái ngoan hiền, nhà cửa, biệt thự, ô tô đều có cả. Đây chính là phước báu. Điểm quan trọng nhất là con cháu ngoan hiền. Cho nên từ lâu chúng tôi khuyên mọi người rằng việc gì chúng ta làm mà không nhận bằng tiền thì nhận bằng phước báu. Vậy nên nhận tiền hay nhận phước thì tốt hơn.

Hòa Thượng nói trong vòm trời này không sót lọt một hại bụi nhỏ cho nên trong mạng có thì trước sau gì cũng có còn trong mạng không thì dù có cưỡng cầu cũng không được. Phước báu an bài thì rất là tuyệt vời, chắc thật. Có nhiều người nói với chúng tôi rằng Hệ Thống Khai Minh Đức phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Nhưng nhìn lại thì các Thầy Cô đã tận tâm tận lực, làm việc với tâm chân thành. Những đồng tiền dành để lo thuê mướn cơ sở vật chất đều là đồng tiền sạch. Mọi việc làm đều từ tâm chân thành thì việc làm đó mới tốt cho hiện tại và đời sau.

Chúng tôi ngày nào cũng chăm sóc các vườn rau, hễ trống giàn thì trồng thêm rau còn hễ có rau tốt thì mau mau cắt để đem tặng. Mọi thứ rau và đậu phụ làm ra hoàn toàn chỉ để cúng dường thì chắc chắn thanh tịnh tự tại. Nếu mang đi bán thì mới mệt mỏi, bán không đủ bù lỗ đầu tư thì sinh phiền não.

Chúng tôi rất thấm khi mỗi lần ăn rau ngoài quán là đều đau bụng nhưng ăn rau mình trồng thì không sao. Như vậy việc mình cúng dường rau sạch cho mọi người không chỉ lợi ích thiệt thực cho người mà còn cho chính mình. Chúng ta không nên sợ rằng mình suốt ngày lo cho người khác thì ai lo cho mình. Như cụ Hứa Triết từng trả lời cư sĩ Lý Mộc Nguyên rằng: “Tôi có mặt trong cuộc đời này để phục vụ cho người khác, ông trời sẽ lo cho tôi.

Ông trời lo thì chu đáo mọi bề. Ông trời chính là phước báu, một bữa ăn, ngụm nước đều do phước báu. Vậy thì tại sao mình không tích cực tạo phước. Làm lợi ích chúng sanh chính là tạo phước. Từ sáng đến chiều luôn “vì người lo nghĩ” là tạo phước. Mình cứ lo nghĩ cho người ta thì đời sống mình tự có sự an bài sắp xếp, tự đong đầy.