60Thứ Hai, 01/04/2024, 20:06
83 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 83

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 01/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 83

Người có thể bình an sống trên thế gian này là đại phước báu. Để có thể sống an, Hòa Thượng dạy chúng ta làm đúng nguyên tắc thì không có sai sót và tu hành muốn có lực thì học tập Kinh Pháp để nhận ra lỗi lầm. Ngài dạy chúng ta không kết oán thù với người vì tham sân si sẽ chướng ngại đạo nghiệp và thận trọng khi khởi tâm động niệm. Ngài sách tấn chúng ta tu thiện tích phước, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta sống trong thế gian đầy sự phức tạp, thiên tai nhân họa diễn ra một cách triền miên”. Thiên tai chỗ này vừa dứt thì chỗ khác nổi lên. Đây là thế gian vô thường, cõi nước không an. Lời nói này được nhắc nhở không phải để chúng ta bi quan yếm thế mà để chúng ta phản tỉnh về sự vô thường của cuộc đời.

Biết cuộc đời vốn là vô thường nhưng con người vẫn chìm đắm trong tư dục thì khổ đau sẽ chồng chất. Nếu có thể phản tỉnh cao độ, nhận thức được rằng mọi thứ đang diễn ra xung quanh là không thật thì mọi sự mọi việc đến với mình hay ra đi đều nhẹ nhàng. Tất cả chúng ta đều đang trong giai đoạn chuyển đổi cách biết cách thấy của mình.

Trong cuộc đời đầy bất an vì con người luôn tham lam, giành giật, Hòa Thượng nói: “Có thể bình an trải qua một đời thì đây chính là đại phước báu. Vạn nhất không nên sanh sự” Sanh sự là làm các việc sai trái. Chỉ cần y theo giáo huấn của Phật, Thánh Hiền, trải qua một đời sống khắc chế biết đủ thì sẽ an vui vì không có mong cầu.

Người bất an vì quá mong cầu còn người an vui vì không có mong cầu. Không có mong cầu không có nghĩa là không làm gì mà là làm rất nỗ lực. Giống như phải làm đất thật tốt trước khi gieo hạt sau đó phủ một lớp sơ dừa để cây con phát triển rồi tiếp tục chăm sóc với dinh dưỡng và nước đầy đủ qua một thời gian thì cây con lớn dần và ra trái.

Mọi sự mọi việc cứ đúng nguyên lý nguyên tắc tận tâm tận lực mà làm thì kết quả đúng như vậy. Cho nên “ít muốn biết đủ thì thường vui”. “Ít muốn” không phải không làm gì cả mà làm tất cả nhưng không mong cầu. Có những người chưa làm đã mong cầu hoặc vừa làm vừa mong cầu, thậm chí lo lắng đến mức không ăn không ngủ được.

Hòa Thượng nói: “Mình tự mình gây sự bất an và áp lực cho mình. Mọi sự mọi việc trong cuộc sống này, dù là thế gian hay xuất thế gian pháp, nhất định đều phải tuân thủ nguyên lý, nguyên tắc, chuẩn mực thì không có sai sót. Mình sẽ an giữa những người bất an.

Nếu chúng ta tùy tiện làm theo cảm tình thì sẽ có sai sót. Có cảm tình rồi thì sẽ làm các việc vì cái “ta” và vì cái “của ta” mà làm. Như vậy chúng ta không khống chế tập khí phiền não nên chúng ta sẽ bất an. Ngược lại, chúng ta không để tập khí dẫn dắt thì tâm sẽ an.

Ví dụ nghe giá cả thị trường tăng đột biến thì tâm liền bất an. Vì sao? Vì tâm tham cầu. Chúng ta chỉ cần điều chỉnh một chút trong đời sống, ví dụ, xăng lên giá thì giảm bớt việc đi lại hay giá thực phẩm tăng thì ăn ít một chút. Cho nên người xưa nói: “Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao” – Con người đạt đến chỗ không mong cầu thì đạo đức phẩm hạnh tự cao.

Thực hành câu nói này quả là khó vì khi chúng ta đụng phải việc thì tâm lo lắng mong cầu liền khởi lên. Công tác giáo dục cũng vậy, lớp học có một hay hai em đến, chúng ta vẫn dạy chứ không nên phiền não vì việc đó. Nếu phiền não thì đó là cái “ta” và cái “của ta” nổi lên, từ đó sẽ làm chúng ta bất an.

Việc tu hành niệm Phật cũng thế, chỉ cần làm đúng nguyên lý nguyên tắc chứ không nên nóng vội lo lắng về việc bao giờ vãng sanh mà quên mất rằng mình đang trôi theo “tham sân si”, vẫn luôn “tự tư tự lợi”, vẫn ham hưởng thụ “năm dục sáu trần” hay “danh vọng lợi dưỡng”. Đừng quên rằng Phật A Di Đà là tự tánh của chúng ta.

Có người hỏi Hòa Thượng xem giúp người ấy có vãng sanh không. Hòa Thượng nói việc đó phải hỏi chính mình. Đối với pháp môn tu hành, mình áp dụng có đúng nguyên lý nguyên tắc không? Đối với tâm mình, mình có thật sự buông xả hay vẫn dính mắc? Nhìn vào đó là tự mình có thể biết. Nếu còn dính mắc vào “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi” thì Phật A Di Đà có đến rước thì mình vẫn là chưa xong việc, chưa thể ra đi.