46Thứ Bảy, 16/03/2024, 12:17
67 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 67

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 16/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 67

Bài học hôm trước, Hòa Thượng nói, sức khỏe của chúng ta không tốt chứng tỏ chúng ta chưa tiêu trừ được nghiệp chướng. Người chân thật có công phu thì họ sẽ tiêu trừ được nghiệp chướng, chuyển đổi được vận mệnh. Hằng ngày, chúng ta ăn chay, niệm Phật, lạy Phật thì đó chỉ là thời khóa, điều quan trọng là chúng ta phải chuyển đổi được tâm của chính mình. Thời xưa, nhiều cụ già không ăn chay, không biết tu hành nhưng các cụ tan nhạt đến mức thấp nhất với tài, sắc, danh, thực, thùy. Đời sống của các cụ rất thiện lương, đơn giản vì vậy các cụ biết trước thời gian mất và ra đi một cách tỉnh táo.

Hôm trước, tôi đi thăm một người học trò ở Hưng Yên, ông chưa ăn chay nhưng ông chỉ thường ăn cơm với muối ớt, đời sống của ông rất chân thành, chất phác. Chúng ta tu hành thì chúng ta phải quay về được với tâm chân thành, thuần lương, hằng ngày, chúng ta vẫn đang chìm đắm trong vọng niệm. Có những người thường đi nhiều nơi, đến nhiều đạo tràng khác nhau để niệm Phật, thậm chí có một đạo tràng, mỗi tháng có xe đưa đón họ đến hơn 20 nơi khác nhau để niệm Phật. Chúng ta niệm Phật, chúng ta có được một chút phước báu mà chúng ta hưởng hết thì cuối đời chúng ta sẽ thê thảm. Chúng ta có công phu thì chúng ta sẽ cải đổi được vận mệnh, tiêu trừ được nghiệp chướng. Nếu chúng ta chưa thay đổi được vận mệnh, tiêu trừ được nghiệp chướng thì chúng ta phải quán sát lại việc tu hành của mình. Nếu chúng ta không chân thật làm thì thì sẽ có ngày giống như Hòa Thượng nói là: “Không còn kịp!”.

Chúng ta tu hành thì chúng ta phải mở được tâm đại từ đại bi của nhà Phật. Một lần tôi đi giảng ở Nha Trang. Tôi nói: “Mọi người đang tu pháp Đại Thừa, trong “Kinh Pháp Hoa” nói: “Cho dù tạo tội hơn núi cả, chẳng nhọc diệu pháp vài ba hạt”. “Kinh Pháp Hoa” là Kinh liễu nghĩa Đại thừa, vậy thì chúng ta phải dùng tâm Đại thừa để tụng thì chúng ta mới tiêu được tội. Chúng ta dùng tâm Tiểu thừa, tâm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn” thì chúng ta không thể tiêu được tội”. Có người tụng 1000 biến “Kinh Pháp Hoa” nhưng họ vẫn chưa ăn chay được, vẫn còn đầy đủ tập khí, phiền não. Chúng ta chân thật học Phật thì chúng ta phải chuyển đổi được tập khí của mình.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đi xem bói mà về nhà chúng ta khen Thầy bói nói không sai chút nào. Đáng lẽ chúng ta phải cụng đầu vào tường mà khóc một trận vì xấu hổ, chúng ta tu hành mà không chuyển được tập khí, vận mạng”. Người chân thật học Phật phải chuyển đổi được nghiệp, vận mạng. Hòa Thượng đã làm ra tấm gương cho chúng ta. Ngài là người lưu vong, tứ cố vô thân nhưng khi Hòa Thượng mất, mọi người ở khắp nơi trên thế giới, niệm Phật hồi hướng cho Ngài. Khi Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh, học trò thay phiên nhau niệm Phật trong suốt 49 ngày.

Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói: “Tương thử thân tâm phụng trần sa. Thị tắc danh vi báo Phật ân”. Chúng ta phải đem thân tâm này phụng hiến tất cả chúng sanh khắp các cõi nước chư Phật thì chúng ta mới đền đáp được ân của Phật. Cõi nước chư Phật bao gồm rất nhiều các hành tinh khác nhau. “Ân của Phật” là đại diện cho bốn ân, ân Tổ quốc, ân Cha Mẹ, ân Thầy Cô, ân những người thành toàn cho chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật chính là chúng ta học chân thành”. Tập khí của chúng ta rất sâu nặng nên chúng ta thường không cưỡng lại được. Mấy chục năm nay, tôi chỉ nghe lời Hoà Thượng giảng, tập khí của tôi đã giảm bớt nhưng chúng vẫn còn đầy đủ. Nếu tôi không kiểm soát “danh vọng lợi dưỡng” thì “danh vọng lợi dưỡng” sẽ lại chiếm thế thượng phong. Chúng ta nỗ lực 10 năm, 20 năm thì chúng ta cũng chưa đối trị được tập khí, phiền não. Khi chúng ta chưa thoát được sinh tử thì chúng ta không được chểnh mảng. Chúng ta trôi lăn trong vòng sinh tử thì giống như chúng ta ném một viên bi xuống một dòng thác, chúng ta sẽ rất khó tìm lại viên bi đó. Trên Kinh, Phật nói, chúng ta có được thân người khó giống như con rùa mù một trăm năm mới nổi lên mặt biển một lần mà có thể chui đầu qua bọng cây trôi trên mặt biển.

Khi người học trò ở Hưng Yên đến tìm tôi, ông mang theo 3 giỏ quà, vợ con lo ông sẽ bị gạt, ông rất chân thành. Tổ Sư Đại Đức cả cuộc đời học ngu, học ngu là chúng ta tưởng chừng như không biết gì nhưng chúng ta biết mọi việc một cách tường tận. Trước đây, có một cụ đến ở nơi của tôi, nếu tôi hỏi cụ, sáng nay cụ có khoẻ không, cụ có ăn cơm được không thì cụ chỉ trả lời: “A Di Đà Phật”.