39Thứ Sáu, 15/03/2024, 11:29
66 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 66

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 15/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 66

Trong bài giảng hôm qua, Hòa Thượng nói, chúng ta muốn có công phu thì chúng ta phải thực tiễn. Chúng ta thật làm thì chúng ta mới thể hội được đạo lý của Phật pháp, chúng ta chỉ “đàm huyền thuyết diệu” mà không làm thì chúng ta không thể thể hội được nghĩa lý sâu sắc trong lời của Phật. Nhà Phật nói: “Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan. Ly Kinh nhất tự cũng đồng Ma thuyết”. Một lời không có trong Kinh thì đó là lời của Ma. Chúng ta giải thích Kinh y theo nghĩa như trên câu chữ thì oan cho ba đời Phật. Phật nói Kinh phù hợp với một loại căn tánh nào đó. Thí dụ, Phật giảng “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Lăng Nghiêm” là để phù hợp với một loại căn tánh nào đó. Chúng ta không thể dùng một bộ Kinh không phù hợp với căn tánh của chúng sanh để giảng giải cho họ. Điều này giống như, chúng ta dùng bài giảng dành cho học sinh Đại học để giảng cho học sinh lớp 5.

Nhà Phật có câu: “Phật pháp vô nhân giảng, tuy trí bất năng giải”. Phật pháp nếu không có người giảng giải thì người có học vấn cao cũng không thể hiểu được. Chúng ta may mắn sống trong thời đại có Hòa Thượng, chúng ta được nghe Hòa Thượng giảng giải trong nhiều năm. Nếu không có sự giảng giải của Hòa Thượng thì trình độ học vấn của chúng ta cao như thế nào chúng ta cũng không hiểu được lời của Phật. Đạo Phật là đạo giải thoát, đạo an vui, nếu chúng ta học Phật mà chúng ta không có sự an vui thì chúng ta đã học sai. Hòa Thượng Tuyên Hóa nói: “Chúng ta mơ mơ hồ hồ thì chúng ta sẽ đi về thế giới mơ mơ hồ hồ”.

Trong bài học hôm qua Hoà Thượng nói, Bồ Tát không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng. Khi các Ngài tiếp xúc, thọ nhận, các Ngài không khởi tâm động niệm. Chúng ta tu pháp nào thì chúng ta cũng phải ở trong cảnh giới này thì chúng ta mới có thành tựu. Nếu chúng ta tu hành mà có “cái ta” thì chúng ta đã tu hành pháp Ma.

Hòa Thượng nhắc, chúng ta muốn có công phu thì chúng ta phải thật làm. Chúng ta thật làm ngay trong đời sống hằng ngày, ngay trong khởi tâm động niệm của chính mình. Nhiều người chỉ phục vụ lợi ích cho nhóm của mình, phục vụ cho bá đồ riêng của mình. Tôi đào tạo rất nhiều người nhưng người nào giỏi thì phải rời xa tôi để đi phục vụ chúng sanh.

Ngày trước, khi Hòa Thượng ngoài 70 tuổi, Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với Hòa Thượng là ông sẽ sắp xếp hai thị giả để phục vụ Hòa Thượng nhưng Hòa Thượng đã từ chối. Khi Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam hơn 90 tuổi, Ngài vẫn tự làm mọi việc. Đây là tinh thần vô ngã, vị tha của người chân thật học Phật. Chúng ta có tinh thần này thì yêu ma quỷ quái sẽ không dám xuất hiện.

Ngày trước, nhà tôi thường có những người đến bán đồ, kêu gọi ủng hộ, từ ngày tôi treo cờ Tổ quốc ở trước cửa thì những người này không dám đến nữa. Cờ tổ quốc đại diện cho chánh khí, mọi người nghĩ người trong nhà làm trong cơ quan Nhà nước nên họ không dám đến lừa gạt. Chúng ta có chánh khí, chúng ta làm những việc quang minh chánh đại thì yêu ma không dám đến. Người xưa đã nói: “Đức trọng quỷ thần kinh”. Nếu chúng ta có đầy đủ bốn tướng, nghĩa là chúng ta có “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta sẽ chiêu cảm Ma chướng.

Hòa Thượng nói, người chân thật tu hành thì tâm địa của họ phải thanh tịnh, đạm bạc với tất cả dục vọng. Hòa Thượng đến giảng Kinh ở pháp hội, giảng xong thì Ngài liền rời đi, những pháp hội Hòa Thượng đến giảng không hề có yêu ma hiện lên. Trong những học trò của Hòa Thượng, những người có tâm địa không thanh tịnh cũng dần rời đi. Hòa Thượng nhiều lần kể, khi đạo tràng nơi Hòa Thượng ở xây dựng xong, nếu có người khởi ý niệm muốn chiếm thì Hòa Thượng liền rời đi. Hòa Thượng nói: “Chỉ cần họ mới khởi ý thì tôi đã nhường”. Hòa Thượng chuyển nhà quá nhiều lần nên những Kinh sách quý đều bị mất, do vậy khi Hòa Thượng ra đi, Ngài không phải viết di chúc, uỷ thác tài sản cho ai.

Hòa Thượng nói: “Người chân thật tu hành thì cho dù họ có nhân nghiệp báo thì nghiệp báo đó sẽ nhẹ dần. Nếu chúng ta vẫn tham thố ảo danh, ảo vọng, hưởng thụ năm dục sáu trần thì chúng ta không có cách nào để chuyển được định nghiệp”. Tôi có cảm nhận sâu sắc về điều này. Chúng ta không chuyển được định nghiệp thì chúng ta phải cần cầu thiện hữu tri thứ, đồng tham đạo hữu nhắc nhở chúng ta, hỗ trợ chúng ta chuyển đổi định nghiệp. Thí dụ, chúng ta hay hôn trầm chúng ta nhờ người dùng gậy đánh để chúng ta tỉnh táo. Chúng ta thường vì “cái ta”, vì sĩ diện, sợ mất mặt nên chúng ta không dám nhờ người khác. Bản mặt của chúng ta không đáng giá một xu! Ngày trước, có một vị vua chặt đầu tội nhân và bảo người mang cái đầu ra chợ bán, mọi người nhìn thấy đầu lâu đều chạy mất. Đầu của chúng ta không đáng giá bằng một chiếc đầu cá. Chúng ta “sĩ diện” thì chúng ta sẽ phải xuống địa ngục ôm cột đồng đỏ lửa. Chúng ta chỉ cần dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi làm mọi việc, việc thành hay không là do phước của chúng sanh nơi đó.