51Thứ Ba, 12/03/2024, 09:42
60 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 60

-Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 09/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 60

Trong bài học hôm trước, Hòa Thượng dạy chúng ta, tất cả những chướng ngại, tai nạn đều do phiền não của chúng ta chiêu cảm, nếu không có nhân phiền não sẽ không có quả là tai nạn. Chúng ta đoạn trừ được phiền não thì chúng ta sẽ tiêu tai miễn nạn. Nguyên nhân của phiền não chính là chúng ta “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác của chúng ta không có những thứ này thì chúng ta sẽ không có phiền não. Chúng ta toàn tâm toàn lực làm mọi việc, việc tốt là do chúng sanh có phước, việc chưa tốt là do chúng sanh chưa đủ phước.

Hòa Thượng nói, ngày ngày, chúng ta đều đang tạo ra nghiệp của ba đường ác. Phật dạy chúng ta phải đoạn trừ tâm tham, đây là nguyên nhân căn bản là cội gốc của mọi phiền não. Trong chữ Hán, chữ tâm ở trên có ba chấm, bên dưới là đường cong, ba chấm giống như ba ngôi sao, đường cong giống như vầng trăng, chúng ta vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật hay đọa vào trong ba đường ác cũng đều do tâm chúng ta hy sinh phụng hiến hay tâm chúng ta “tự tư tự lợi”. Phật dạy chúng ta đoạn tâm tham nhưng đa phần chúng ta chỉ đổi đối tượng tham. Trước đây, chúng ta mong cầu danh vọng, vật chất ở thế gian, hiện tại, chúng ta tu hành nhưng chúng ta lại mong cầu địa vị trong Phật pháp. Có những người, sau khi tu hành một thời gian thì trở nên nổi tiếng, do vậy họ dần chìm đắm trong danh vọng lợi dưỡng.

Năm xưa, Thích Ca Mâu Ni Phật, phước đức trí tuệ viên mãn nhưng khi mất mùa, Ngài vẫn ba tháng ăn lúa dành cho ngựa cùng mọi người. Đây là Phật hòa vào “hồng trần”, cùng chịu khổ với chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật là chúng ta đã tình nguyện làm người thiệt thòi”. Hiện tại, chúng ta được sống trong sự bảo trợ của quốc gia, sống trong xã hội an bình trong khi nhiều nơi trên thế giới, người dân vẫn phải sống trong cảnh tang tóc, do vậy chúng ta phải hy sinh phụng hiến vì người. Có người cho rằng sau 50 tuổi, sau 70 tuổi họ sẽ nỗ lực hy sinh phụng hiến nhưng khi đó chúng ta đã ngày ngày phải đối trị bệnh khổ. Chúng ta có cơ hội làm việc tốt thì chúng ta nên cố gắng, nỗ lực. Ngày trước, tôi có thể lạy nhanh được 500 lạy, hiện tại, tôi cố gắng lạy nhanh cũng chỉ được 140 lạy, cơ thể của tôi ngày càng yếu.

Hòa Thượng nói: “Năm xưa, Ngũ Tổ truyền pháp cho Lục Tổ, khi đó Lục Tổ mới 24 tuổi, tuy Ngài không biết chữ nhưng Ngài có thể vì vị Tỵ Kheo Vô Tận Tạng giảng giải bộ Kinh Niết Bàn, giúp Tỳ kheo Vô Tận Tạng khai ngộ. Khi đó, Lục Tổ đã có năng lực giáo hóa chúng sanh nhưng Ngài vẫn phải trốn trong đám thợ săn trong suốt 15 năm, cho nên người trải qua một đời bình lặng, không trải qua sự khảo nghiệm thì chắc chắn họ sẽ khó có thành tựu”. Hòa Thượng phải ở nhờ trong nhà Cư sĩ Hàn trong 30 năm, mọi người đã xây dựng nơi đó thành Thư viện Hoa Tạng, sau khi bà Hàn Quán Trưởng vãng sanh thì người con của bà là Cao Quý Dân đã lấy lại nơi này, tất cả mọi người phải rời đi. Sau này, Hòa Thượng và mọi người di chuyển qua Úc Châu, Hòa Thượng luôn nói cảm ơn Cao Quý Dân, tất cả những việc đã xảy ra đều là việc tốt vì nếu ông không lấy lại nơi đó thì Ngài sẽ dính mắc ở Thư Viện Hoa Tạng, không đi ra nước ngoài để giúp chúng sanh.

Thời gian Hòa Thượng ở nhà cư sĩ Hàn Quán Trưởng, Ngài chỉ cần “quản pháp tòa”, cố gắng học tập, trau dồi để giảng dạy cho mọi người, những việc khác do người khác quản lý, điều hành. Việc Hòa Thượng đi giảng ở đâu, đi như thế nào, ở nơi đâu đều do bà Hàn Quán Trưởng liên hệ, sắp xếp, đây là trợ duyên thù thắng giúp Ngài có thể tam bất quản, không quản tiền, không quản việc, không quản người từ khi Ngài 36 tuổi. Hòa Thượng từng nói một cách tự tại: “Mấy mươi năm rồi tôi chưa đụng đến tiền!”. Hòa Thượng đã trải qua rất nhiều chướng ngại, khảo nghiệm những điều này đã giúp Ngài có được thành tựu.

Trong cuộc đời tu hành, chúng ta sẽ gặp những khảo nghiệm rất khó nhưng nghịch cảnh luôn là thuận duyên cho sự tu hành, tấn đạo của chúng ta. Nghịch cảnh luôn giúp chúng ta tăng tấn đạo nghiệp. Thuận cảnh sẽ bài mòn đi năng lực của chúng ta, khiến chúng ta lui sụt. Hòa Thượng nói: “Người không trải qua trải nghiệm, rất khó có thể có thành tựu lớn”. “Thành tựu lớn” không phải là chúng ta được thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng” mà là việc chúng ta có thể vãng sanh. Lục Tổ phải ẩn trốn trong đám người đi săn 15 năm, Ngài ăn rau luộc trong nồi nước thịt, Ngài phải nấu thịt chúng sanh, trước khi nấu, Ngài chú nguyện cho chúng. Chúng ta chưa qua khảo nghiệm, chưa có sự dày vò của bệnh khổ thì chúng ta chưa có sự phản tỉnh cao độ.