46Thứ Hai, 19/02/2024, 21:08
39 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 39

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 17/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 39

Trong bài học hôm trước, Hòa Thượng nói: “Khổng Tử dạy chúng ta: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”. Dụng của lễ chính là chữ “Hòa”. Nếu không có “Hòa” thì không có “Lễ”. Ngày trước, ở Nha Trang có rất nhiều đạo tràng, lần đầu tiên tôi đến giảng ở Nha Trang, một Phật tử hỏi tôi, các đạo tràng có cách thức niệm Phật khác nhau, không hài hòa vậy thì mọi người có vãng sanh được không. Tôi nói: “Bao giờ thế giới Tây Phương Cực Lạc trở thành liên bang thì các vị mới có thể vãng sanh. Nếu thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới thanh tịnh, bình đẳng, giác thì các vị không thể vãng sanh!”. Chữ “Hòa” vô cùng quan trọng đối với người học Phật.

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật, chúng ta học giảng Kinh, học giảng dạy chuẩn mực Thánh Hiền thì chúng ta phải hướng đến Tam Bảo, đến Thánh Hiền cầu gia trì”. “Cầu gia trì” không phải là chúng ta đốt nhang, khấn vái. Trước khi tôi đi làm một việc, tôi lên trình với Phật là tôi sẽ làm việc đó, khi về, tôi trình với Phật là tôi đã làm xong việc và trở về. “Cầu Tam Bảo gia trì” là tâm, nguyện, giải, hành của chúng ta phải tương ưng với Phật. Chúng ta làm bất cứ việc gì chúng ta phải mang tâm, hạnh của Phật để làm. “Hạnh” của Phật là không sợ khó, không sợ, lời lỗ, được mất, chỉ có bằng một mảng tâm chân thành. “Giải” là hiểu, chúng ta có cách hiểu như của Phật. “Nguyện” là ước nguyện, chí nguyện, mong muốn. Chúng ta phải đem tâm, nguyện, giải, hành của Phật để làm của Phật; đem tâm, nguyện, giải, hành của Thánh Hiền để làm những việc của Thánh Hiền.

Có những người lập đàn khấn vái trong nhiều ngày nhưng tâm, nguyện, giải, hành của họ trái nghịch với tâm, nguyện, giải, hành của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền vậy thì họ không thể được Tam Bảo gia trì. Khi chúng ta học 1200 chuyên đề, Hòa Thượng nói: “Chúng ta quán sát xem chúng ta đang làm việc của Phật hay việc của Ma? Chúng ta làm việc của Phật thì chúng ta phải có tâm, nguyện, giải, hành của Phật”. Chúng ta có tâm, nguyện, giải, hành của Ma thì chúng ta đang làm việc của Ma. Chúng ta “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì đó là chúng ta đang làm việc của Ma.

Giá trị của cuộc đời không phải ở việc chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền. Giá trị của cuộc đời là ở “đức hạnh” của mỗi người. Tiền tài, danh vọng chỉ là thứ thỏa mãn kiếp sống phù du. “Kiếp sống phù du” là kiếp sống trôi qua rất nhanh, không để lại giá trị cho cuộc đời. Khổng Lão Phu Tử được tôn xưng là “vạn thế sư biểu” không phải do Ngài có nhiều tiền bạc, địa vị mà do đức hạnh của Ngài. Ngày nay, các trường học thường ghi dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, đây do đức hạnh và sự hy sinh của Bác cho quốc gia, dân tộc.

Có những người sống không có tình nghĩa, ân nghĩa, đạo nghĩa mà họ chỉ nghĩ đến tiền tài, địa vị. Đời sống như vậy không có giá trị. Chúng ta muốn có tiền tài, địa vị thì chúng ta sẽ phải tranh giành với mọi người, chúng ta càng có nhiều tiền, càng có địa vị cao thì chúng ta càng có rủi ro cao. Những loài động vật như sư tử, hổ, báo, chó sói luôn tranh giành lẫn nhau để có thịt. Các loài hươu, nai, bò, trâu, ngựa, voi luôn hiền hòa, nhường nhịn nhau trên đồng cỏ.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta muốn Phật pháp hưng long, mở mang rộng lớn để tất cả chúng sanh có lợi ích thì chúng ta nhất định phải phát nguyện rộng lớn”. Chúng ta thường đọc bốn lời thệ nguyện : “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Hòa Thượng dạy chúng ta, hiện tại, chúng ta phải làm tốt hai nguyện đầu là: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Hai nguyện sau, khi nào chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta sẽ thực hiện.

Tinh thần của nhà Phật là tinh thần hy sinh phụng hiến, vì chúng sanh lo nghĩ. Đây cũng chính là thệ nguyện của Phật. Chúng ta không có tâm, nguyện, giải, hành của Phật thì cho dù chúng ta niệm Phật tốt hơn thì chúng ta cũng nhất định không thể có thành tựu. Chúng ta không thể có được tinh thần này thì chúng ta tu hành cả đời cũng không có thành tựu.