54Thứ Sáu, 16/02/2024, 18:27
38 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 38

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 16/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 38

Những lời dạy của Hòa Thượng như kim chỉ nam, như la bàn giúp chúng ta có định hướng cho cuộc đời, giúp chuyến hải trình của chúng ta đến được bến bờ giải thoát. Tết năm nay, một Bài học hôm trước, Hòa Thượng dạy chúng ta trong một đạo tràng, đoàn thể, gia tộc phải có “kiến hòa đồng giải”, nếu không làm được chữ “hoà” thì đoàn thể sẽ tan rã. Trong một đạo tràng mọi người phải cùng tham khảo một bộ Kinh, cùng chí đồng đạo hợp thì việc tu hành mới có thể tiến bộ.

Người xưa dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chúng ta “nhất môn thâm nhập” thì môn đó chúng ta mới có thể đạt đến đỉnh cao. Chúng ta quán sát chúng ta đã đạt đến sự tinh chuyên chưa? Nếu chúng ta tinh chuyên thì nhất định chúng ta sẽ tiến bộ. Nhiều năm qua, tôi chỉ nghe và làm theo lời dạy của Hòa Thượng, tôi cũng có một chút thành tựu. Chúng ta chuyên nhất một lối đi thì sẽ chân thật có lợi ích. Nhiều người cho rằng phải nghe nhiều, phải vừa niệm Phật, vừa tọa thiền và trì chú thì mới có thành tựu.

Ngày trước, có một người quy y với một vị lão Hòa Thượng, khi lão Hòa Thượng mất thì người này muốn chuyển pháp tu, họ không muốn niệm Phật nữa, họ hỏi tôi, họ đã quy y sáu lần rồi bây giờ quy y thêm một lần nữa có được không. Họ đã quy y sáu lần rồi thì quy y thêm một lần nữa cũng chẳng sao! Người đó không có niềm tin vững chắc với một pháp, gia đình rối ren, nội tâm loạn động. Nếu chúng ta có một pháp tu nhất định, tâm chúng ta không phải chọn lọc thì tâm chúng ta sẽ an. Tâm tôi rất an đối với cách tu, cách học của mình. Chúng ta phải xây dựng cùng hiểu trên nền tảng “Ngũ Đức”, “Lục Hòa”. “Ngũ Đức” là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.

Hòa Thượng nói: “Người xuất gia, người tại gia hay người không học Phật đều phải “dĩ hoà vi quý”, lấy hoà làm trọng. Trên luận ngữ nói: “Lễ chi dụng, hòa vi quý””. “Lễ chi dụng, hòa vi quý” nghĩa là dụng của lễ chính là hòa, hòa là đáng quý, trong lễ chữ hoà rất quan trọng. Người có lễ mà không có hoà thì họ đã thất lễ. Nếu chúng ta luôn bất hoà với mọi người thì chúng ta đã thất lễ. “Hoà” là nền tảng của nền tảng tu hành, chúng ta phải hoà với người, vật, việc, hoàn cảnh sống.

Hòa Thượng nói: “Nếu một đoàn thể có nhân sự hòa thuận, tài chính công khai thì đoàn thể đó nhất định hưng vượng. Nếu một đoàn thể không làm được như vậy thì nhất định đoàn thể đó sẽ suy bại. Chúng ta phát tâm học Phật, phát tâm tích công lũy đức thì hai điều này là nền tảng”. Nếu chúng ta tu hành chân thật có công phu thì thái độ của chúng ta sẽ rất hài hoà. Trong đoàn thể phải công khai tài chính, nếu trong đoàn thể có người có tâm tư lợi thì họ sẽ tạo ra một mảng từ trường rất xấu. Nếu trong đạo tràng, mọi người đều có tâm cho đi vô điều kiện thì họ sẽ tạo ra một mảng từ trường rất dễ chịu.

Mọi người đến nơi tôi đang ở đều cảm thấy dễ chịu, dịp Tết này, ngày nào tôi cũng tặng rau, bánh cho những người xung quanh. Mùng hai người của chúng ta đã đi lắp đặt dây chuyền sản xuất đậu ở Đắc Lắc, mùng năm mọi người đến lắp đặt dây chuyền sản xuất đậu ở Tiền Giang, khi mọi người làm tôi quan tâm đến từng việc nhỏ, khi tôi quan sát màu sắc của đậu tôi biết mẻ đậu đó có ngon hay không.

Trong đoàn thể, mọi lợi dưỡng đều “lợi hoà đồng quân”, chia đều cho nhau, trên thực tế, người học Phật luôn nhận về mình phần thiệt thòi. Người xưa kể câu chuyện về Tiến sĩ dê gầy, trong khi mọi người chọn con dê mập, khoẻ thì ông chọn con dê gầy nhất. Vị Tiến sĩ này là người thế gian, ông cũng mong cầu công danh, bổng lộc nhưng ông vẫn có tâm nhận phần thiệt thòi. Chúng ta học Phật, chúng ta biết nhân quả rõ ràng, thứ gì thuộc về chúng ta thì chúng ta cho đi, chúng ta cũng không mất; thứ gì không thuộc về chúng ta thì chúng ta giành cũng không được. Chúng ta hiểu được đạo lý này thì chúng ta sẽ tích cực cho đi.

Hôm qua, tôi mang lẵng hoa đi tặng một khách sạn mà tôi quen ở Đà Lạt, lẵng hoa này tôi đã bày khoảng 4, 5 ngày nhưng vẫn rất đẹp, họ rất vui khi đầu năm được nhận hoa. Ngày Tết, mọi người tặng tôi hai trái dưa có khắc chữ tín nghĩa, tôi mang đi tặng một vị trưởng phòng, đây vừa là quà tặng vừa là lời nhắc nhở đối với họ.