15Thứ Tư, 08/05/2024, 20:00

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 08/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 120

Tu hành là “quán niệm” tức là quán và nghĩ tưởng đến pháp nhằm phát hiện ra sai lầm mà sửa đổi. Tuy nhiên, phàm phu dù có đối chiếu với Kinh điển cũng không tìm ra sai lầm. Do đó, Hòa Thượng sách tấn chúng ta “từng li từng tý” loại trừ ô nhiễm, tu tâm Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác. Trong đó, tâm Thanh Tịnh giúp khai mở trí tuệ và tâm Bình Đẳng giúp trí tuệ đó đạt viên mãn, tức là thành Phật.

Hòa Thượng nói: “Căn bản của việc tu hành là quán niệm. Quán là quán pháp và niệm là nghĩ tưởng đến pháp. Nghĩ pháp, quan tưởng đến pháp mà phát hiện ra sai lầm thì chúng ta sửa đổi lại. Đây chính là tu hành. Thế nhưng không dễ dàng để một người biết được lỗi lầm của mình. Người xưa nói chỉ có bậc Đại Thánh Đại Hiền mới có thể biết được sai lầm của chính mình.

Phàm phu chúng ta không thật sự nhận biết được sai lầm vì nếu biết thì đã không tái phạm, không gây ra sai phạm chồng lên sai phạm. Hòa Thượng tiếp lời: “Cho dù chúng ta ngày ngày đối chiếu với Kinh điển cũng không tìm ra được sai lầm của mình.” Huống hồ phàm phu ngày ngày chìm trong vọng tưởng thì càng không thể nhận ra.

Hòa Thượng nói: “Phàm phu chúng ta ô nhiễm rất nghiêm trọng, cho nên trong tu hành phải đem ô nhiễm trên thân và tâm mình từng li từng tý trừ bỏ nó.” Ngài dùng từ “từng li từng tý” là muốn nói sự tỉ mỉ trong việc thay đổi bản thân mình hằng ngày chứ không để đến khi mọi người chỉ trích mới đi sửa. Muốn vậy, phải bắt đầu tu ngay khởi tâm động niệm, không để khi đã có hành động tạo tác mới nhận ra.

Người xưa hay Thánh Nhân có thể đối chiếu Kinh điển để nhận ra sai lầm còn chúng ta ngày nay hiểu Kinh điển còn sai. Trong bối cảnh này, chúng ta phải dùng phương pháp đối chiếu với tấm gương từ bậc Thánh Hiền như Hòa Thượng xem khởi tâm động niệm và hành động của chúng ta làm được bao nhiêu phần trăm tiêu chuẩn.

Chúng ta quán sát hành vi ý niệm của mình vừa có chút sai lầm thì lập tức phải chuyển đổi. Chúng ta có thể học tập tấm gương Bồ Tát thường niệm, thường tư duy, thường quán sát thiện pháp. Hòa Thượng nói niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” chính là thiện pháp.

Thường thì chúng ta bị “cái thân ta” chi phối nên muốn ruồng bỏ “cái thân ta” này đi. Như vậy cũng không đúng, “cái thân ta” giống như chiếc bè qua sông, phá bè rồi thì không thể qua sông. Cũng vậy nhờ có “cái thân ta” mới có thể làm các việc Phật sự, lợi ích chúng sanh. Tuy nhiên dung dưỡng quá cho “cái thân ta” cũng không được.

Hòa Thượng dạy: “Phật pháp nói tinh tấn. Tấn là tiến bộ, không để rơi lại phía sau. Phật pháp chân chính luôn đi trước thời đại. Nếu không đi trước thì Phật pháp không thể khế cơ khế lý để dẫn dắt chúng sanh”. Có người nói Phật pháp luôn đi cùng thời đại cũng là sai. Chúng ta mỗi người học Phật phải đi trước, phải làm ra tấm gương chuẩn mực để dẫn dắt người khác học tập theo.

Chúng tôi từng ghé thăm và nói chuyện đạo lý với một người quen. Sau khi trả tiền mua hàng xong thì chúng tôi mới tặng quà của mình cho họ. Chúng tôi luôn làm họ an tâm, rồi mới tặng quà và nói chuyện đạo lý. Dần dần, người quen này đã học cách làm của chúng tôi là “cứ cho đi là được”. Hiện tại, ông chuyên lên núi hái thuốc, tặng thuốc cho người ta. Biết được như vậy, chúng tôi lại tặng ông một chút tịnh tài để động viên ông tiếp tục “cho đi”.

Có thể nói rằng chúng ta phải tạo duyên, chủ động thiết kế dẫn dắt những buổi giao tiếp như thế mới có thể giúp được họ. Đây là việc làm cụ thể khiến Phật pháp trở nên khế cơ, khế lý, trở thành khuôn vàng thước ngọc. Nếu người ta cần thứ gì mình tặng người ta thứ đó, đương nhiên là chỉ đáp ứng cái tốt, còn mình chỉ cần nơi chốn để đem Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền nói cho mọi người nghe.

Hòa Thượng nhắc rằng: “Cương lĩnh của tu học Phật pháp là Giác Chánh Tịnh, cũng chính là Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác như trên đề Kinh Vô Lượng Thọ. Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác không những là cương lĩnh mà còn là thứ lớp của việc tu học. Tâm Bình Đẳng nhất định là Thanh Tịnh, nhưng tâm Thanh Tịnh không nhất định là Bình Đẳng.