19Chủ Nhật, 21/04/2024, 15:54
103 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 103

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 21/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 103 

Trên Kinh Phật thường cảnh báo chúng sanh rằng “thế gian là vô thường, cõi nước không an”. Sự vô thường đến rất nhanh như “bóng câu qua cửa sổ”. Cho nên Hòa Thượng dạy chúng ta ở thế giới này không có nơi nào là an ổn để chúng ta lưu luyến. Cho dù là nơi giàu có nhất, mọi người vẫn sống trong sự tham lam, tranh giành. Chỉ có Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là nơi an ổn để hướng về. Muốn về được Cực Lạc, hành giả phải làm đúng nguyên lý nguyên tắc mới có thể vãng sanh.

Tuy nhiên, ngày nay, người tu hành Phật pháp lại bị rơi vào tình trạng “tu mù luyện quáng”. Học tập và tu hành không xuyên suốt mà theo ý thích của mỗi người, đến nỗi mỗi nơi một cách tu khác nhau. Đó chính là tu học theo cảm tình, chứ không tuân thủ nguyên lý nguyên tắc, chuẩn mực. Kết quả là người học Phật với nhau mà kình chống nhau kịch liệt, trò kết bè với nhau phản Thầy rồi đưa lên mạng. Vì vậy, Hòa Thượng chỉ dạy nhân đạo mà không có luân thường đạo lý thì trở thành ác đạo.

Nguyên tắc ứng xử hay chuẩn mực ứng xử đã được chỉ rõ trong Đệ Tử Quy như: “Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi; Mặt ta vui lời ta dịu; Khuyên không nghe vui can tiếp; Dùng khóc khuyên đánh không giận.” Vì vậy, không thể có chuyện người phản Thầy vẫn được tôn làm Thầy, người bất kính trưởng bối vẫn được tôn làm trưởng bối. Người bất hiếu với Cha Mẹ vẫn được mọi người ủng hộ. Thế gian này không thể dung chứa những hành động đó nói gì đến chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc làm Bồ Tát bất thối. Người đến ủng hộ những người làm việc xấu chắc chắn là yêu ma quỷ quái vì “Phật Bồ Tát sẽ thành tựu việc tốt chứ không thành tựu việc xấu cho người”.

Đã là chuẩn mực thì không có lý do gì để vượt qua chuẩn mực. Từ chúng sanh phàm phu đến Phật Bồ Tát hay từ ngày đầu tiên phát tâm học Phật cho đến khi tu thành Phật đều phải tuân thủ. Kinh Vô Lượng Thọ cũng nêu lên việc khéo léo giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý. Không chỉ người bình thường mà người càng nổi tiếng, càng ở địa vị cao thì càng phải chuẩn mực hơn. “Phật Bồ Tát không ngừng tinh tấn” chứ không phải các Ngài thành Phật Bồ Tát rồi thì buông lung, các Ngài không có phút giây nào chểnh mảng.

Chúng ta phải hiểu rằng đối với thế gian thì tuyệt đối không “cảm tình dụng sự”, đối với Phật pháp thì cao hơn nữa, tuyệt đối trong tuyệt đối, đương nhiên lại càng không thể “cảm tình dụng sự”, không thể ai đó làm sai mà chúng ta lại đồng tình. Chúng ta phải có chánh tri, chánh kiến, phải nhận biết rõ từ tâm chân thành để bằng mọi cách can gián, con khuyên Cha Mẹ, học trò khuyên Thầy. Muốn có chánh tri, chánh kiến thì không gì khác hơn là quay về với tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi của mình.

Nếu chúng ta dựa vào tiêu chuẩn khác đi thì làm sao biết tiêu chuẩn đó đúng hay sai? Nhiều người từng lợi dụng Bát Chánh Đạo và Tứ Niệm Xứ của Phật pháp để khuyên người khác “Quán thân bất tịnh; Quan tâm vô thường; Quán pháp vô ngã; Quán thọ thị khổ” và sống “Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định” với mục đích để mê hoặc chúng sanh. Rồi họ khuyên chúng sanh nghĩ chánh, nói chánh, tư tưởng chánh và tinh tấn một cách chánh nhưng họ lại “” và “chánh” theo cách của riêng họ, không phải tiêu chuẩn “chánh” của Phật Bồ Tát Thánh Hiền.

Khổng Tử từng nói “Tư Vô Tà” tức là suy nghĩ không tà vạy, trong ý niệm không có hưởng thụ “năm dục sáu trần” không có “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, tham sân si mạn”. Thánh Hiền dạy “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ” tức là người không có chuẩn mực, đạo lý thì không kết giao còn đồ vật không phải của mình thì nhất định không đoạt lấy. Là người học Phật, phải biết rõ chuẩn mực, tiêu chuẩn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền, tránh tình trạng ai nói cũng nghe, cũng tin.

Nếu chúng ta nghe Phật Bồ Tát chỉ dạy mà vẫn không hiểu thế nào là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì chúng ta cứ nhớ câu “Tư Vô Tà - tư tưởng không tà vạy” của Khổng Tử mà làm cho được, mà soi rọi tư tưởng của chúng ta. Người như vậy thì trong khó khăn sẽ vượt qua vì long thiên thiện thần ủng hộ, chư Phật Bồ Tát hộ niệm. Nhờ đó, đạo nghiệp cũng sẽ thêm lớn.