/ 19
43

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 4

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 30/05/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ tôn kính, cùng chư vị đại tỷ ni sư, chư vị cư sĩ đang xem trực tiếp trên mạng, chúc mọi người buổi chiều tốt lành! A-di-đà Phật! Mời để tay xuống!

Chúng ta tiếp tục xem lời nói đầu trong “Sa-di thập giới oai nghi lục yếu” của đại sư Ngẫu Ích. Bài giảng trước đã giảng đến “lý” của “Thiên Thai lục tức” kết hợp với sa-di, giảng đến lý tức sa-di và danh tự sa-di.

Hôm nay, xem đến quán hạnh sa-di:

“Viên phục ngũ trụ là quán hạnh sa-di”.

“Ngũ trụ” này là nói “ngũ trụ địa hoặc”. Phàm phu trong tam giới đều đầy đủ kiến hoặc, tư hoặc. Kiến hoặc ở trong tam giới gọi là một trụ, ngoài ra còn có tư hoặc của tam giới chia ra làm ba trụ, cộng thêm một cái căn bản vô minh nữa, tổng cộng là năm trụ. Bởi vì năm loại phiền não này có thể khiến hết thảy chúng sanh trụ dính vào trong sanh tử cho nên gọi là trụ địa.

Thứ nhất là “nhất thiết kiến trụ địa hoặc”, đây là nói loại kiến hoặc phân biệt ở trong tam giới. Hết thảy chúng sanh do ý căn khởi phân biệt đối với pháp trần bên ngoài mà sanh ra rất nhiều tà kiến, do đó mà trụ trước ở trong tam giới, cho nên gọi là nhất thiết kiến trụ địa hoặc, cũng gọi là “kiến nhất thiết xứ trụ địa”, đây chính là nói kiến hoặc. Nói tường tận thì chia ra thành 5 loại: thân kiến, biên kiến, giới thủ kiến, kiến thủ kiến, tà kiến, tổng cộng có 88 phẩm, điều này sẽ không triển khai ra để giảng nữa.

Loại thứ hai là “dục ái trụ địa hoặc”, đây là nói Dục giới trong tam giới, họ đều có dục ái, cho nên có loại tư hoặc này. Do năm căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đối với năm trần cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc ở bên ngoài mà khởi lên tâm tham ái nhiễm trước, vậy thì trụ trước trong sanh tử rồi, cho nên gọi là dục ái trụ địa hoặc.

Loại thứ ba là “sắc ái trụ địa hoặc”, đây là nói Sắc giới đã hàng phục được dục rồi, nhưng vẫn có sắc ái, đây là trụ trước vào trong thiền định của Sắc giới mà sanh khởi tâm ái nhiễm, do đó cũng không thể lìa khỏi, đây gọi là sắc ái trụ địa hoặc. Sắc là nói thế giới vật chất, họ vẫn có vật chất, vẫn có sắc thân.

Đến loại thứ tư là “hữu ái trụ địa hoặc”, loại này thì đã nâng cao lên đến Vô Sắc giới rồi, không những đã buông bỏ dục ái của Dục giới, mà ngay đến sắc thân cũng đã xả bỏ rồi, đây là thuộc về Vô Sắc giới. Thông thường chúng ta nói linh giới thì ngay đến nhục thể cũng không có, cung điện cảnh giới gì đó v.v., những thế giới vật chất này đều không có, toàn bộ là thế giới linh tánh, nhưng do chúng sanh đối với loại tư hoặc này cũng không thể hiểu rõ, nên đối với tứ không định thâm sâu của Vô Sắc giới như vậy cũng sanh ra ái trước, đây gọi là hữu ái trụ địa hoặc.

Loại thứ 5 là “vô minh trụ địa hoặc”, chính là nói loại hoặc nghiệp của căn bản vô minh, là phiền não, phiền não căn bản vô minh. Bậc thánh Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác đã đoạn được kiến hoặc và tư hoặc của tam giới rồi, cũng tức là đã ra khỏi tam giới rồi, nhưng vẫn không biết chút gì đối với căn bản vô minh, bản thân ở trong vô minh hoặc này gọi là “chìm vào không, kẹt vào tịch”, kẹt vào trong thiên không Niết-bàn, an trụ ở trong cõi Phương tiện hữu dư, nên không cách nào đoạn trừ căn bản vô minh hoặc của mình, chỉ có Pháp thân đại sĩ trong Đại thừa mới có thể đoạn trừ được phiền não vô minh này. Đương nhiên đoạn trừ cũng có thứ lớp khác nhau, Viên giáo nói: Bồ-tát Sơ trụ trở lên là đã “phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”. Đã phá được vô minh hoặc này rồi, nhưng muốn phá hết thì phải trải qua 41 thứ bậc. Những bậc Pháp thân đại sĩ này an trụ trong cõi Thật báo trang nghiêm, nhưng chưa hoàn toàn phá hết. Phá hết rồi thì toàn bộ Thường tịch quang hiện tiền, đó chính là viên mãn thành Phật rồi.

Cho nên hiểu được ngũ trụ rồi, chúng ta xem lại lời nói đầu của đại sư Ngẫu Ích. “Viên phục ngũ trụ”, tức là nói người Viên giáo nghe được những pháp nghĩa này của Viên giáo có thể khai ngộ được giáo lý của Viên giáo, có thể vận dụng nhất tâm tam quán, tam quán: không - giả - trung để quán chiếu nhất cảnh tam đế, tức là ba đế: chân - tục - trung. Không quán có thể quán chân đế, giả quán có thể quán tục đế, trung quán có thể quán trung đế. Trí tuệ có thể quán chiếu như vậy chính là nhất tâm tam quán. Cảnh giới được quán chính là nhất cảnh tam đế, gọi là trí và cảnh tương ưng. Đây là đã hàng phục được phiền não của ngũ trụ rồi, loại người này gọi là viên phục ngũ trụ, gọi là quán hạnh vị Phật. Kết hợp với vị thứ của sa-di thì chính là “quán hạnh sa-di”, cho nên trí tuệ của loại người này rất nhạy bén. Bởi vì họ không những có thể phục được kiến tư phiền não, mà họ còn có thể phục được trần sa, vô minh phiền não. Hàng phục tức là những phiền não này không khởi hiện hành nữa, chưa đoạn trừ được gốc, nhưng họ có thể hàng phục được, dùng đá đè cỏ khiến chúng không khởi tác dụng. Trí tuệ này vượt qua tất cả phàm phu, thậm chí vượt qua cả bậc thánh Tam thừa của Tạng giáo. Bởi vì trí tuệ của Tạng giáo, Thông giáo không viên mãn, không giống như Bồ-tát Viên giáo, mặc dù công phu đoạn chứng phiền não vẫn không bằng Sơ quả của Tạng giáo, song trí tuệ của họ là của Bồ-tát Viên giáo. Cho nên, chúng ta huân tập Viên giáo thì công đức lợi ích này vô cùng thù thắng. Hiện nay dù chưa thể đoạn kiến tư phiền não, nhưng có thể hàng phục được, thì tương lai vãng sanh Tây Phương hoa nở thấy Phật thì lập tức thành Phật rồi, bởi vì đã là căn tánh của Viên giáo rồi. Tiếp theo:

/ 19