/ 19
49

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 3

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 25/05/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành! A-di-đà Phật! Mời để tay xuống!

Chúng ta tiếp tục học tập đoạn lời nói đầu của đại sư Ngẫu Ích. Hôm qua đã nói với mọi người về ba ý nghĩa của sa-di, đã giảng đến ý nghĩa thứ ba rồi:

“Thứ ba là cầu tịch, cầu thiên chân Niết-bàn là Tạng Thông sa-di. Cầu đại Bát-niết-bàn là Biệt Viên sa-di”.

Nghĩa của “cầu tịch” là nói cầu Niết-bàn tịch tĩnh. Thế nào gọi là cầu tịch? Phía sau nói với chúng ta là “thủy bổn hợp nhất”, nghĩa là thủy giác và bổn giác hợp thành một. “Cầu” chính là thủy giác, “tịch” chính là bổn giác. Bổn giác tức là sự giác ngộ vốn dĩ sẵn có rồi, không phải do tu mới có.

Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận nói với chúng ta về ý nghĩa của bổn giác. Đoạn văn này vô cùng hay, nói rằng: “Nghĩa của giác là tâm thể lìa khỏi vọng niệm, tướng trạng của lìa khỏi vọng niệm là trọn khắp hư không giới, không chỗ nào không có. Là pháp giới nhất tướng, chính là pháp thân bình đẳng của Như Lai, nương theo pháp thân này thì gọi là bổn giác”. Đây là nói ý nghĩa của giác là gì? Cũng chính là nói tâm thể của chúng sanh chúng ta, bổn thể của tự tâm, nó lìa khỏi hết thảy vọng niệm, mà tướng trạng lìa khỏi vọng niệm là “trọn khắp hư không giới”, cũng tức là dọc cùng khắp ba đời, ngang trọn khắp mười phương, hết thảy thời gian, không gian đều ở trong tâm thể của một niệm này. “Không chỗ nào không có” tức là trùm khắp hết thảy mọi pháp giới, mỗi một ngóc ngách, mỗi một chúng sanh, đây là nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể. Nói là trùm khắp, nếu đối với chúng sanh hữu tình thì gọi là Phật tánh, đối với chúng sanh vô tình thì gọi là pháp tánh. Nương theo bổn giác này, cũng chính là pháp thân bình đẳng của Như Lai, thì gọi là bổn giác. Bởi vì đây là linh tri linh giác vốn có, tùy duyên mà không biến đổi. Nói cách khác, hết thảy chúng sanh hữu tình, vô tình trong pháp giới đều vốn có linh giác. Linh giác tức là nói “thấy, nghe, hay, biết” của họ đều trọn khắp pháp giới.

Tiếp theo trong Khởi Tín Luận lại nói: “Vì sao vậy? Nghĩa của bổn giác là đối với nghĩa của thủy giác mà nói, được thủy giác rồi thì giống như bổn giác vậy”. Vì sao gọi điều này là bổn giác vậy? Nghĩa của bổn giác là đối với thủy giác mà nói. Thủy giác chính là bắt đầu khai ngộ, từ khi bắt đầu cho đến cuối cùng, giác ngộ viên mãn rốt ráo rồi thì giống như bổn giác vậy. Lúc này chính là “thủy bổn hợp nhất”. Cho nên, hai chữ “cầu tịch” này chính là nói đến thủy giác và bổn giác hợp thành một.

Vì sao nói có thủy giác? Chắc chắn có bất giác thì mới nói đến thủy giác. Cho nên, Khởi Tín Luận lại nói tiếp rằng: “Nghĩa của thủy giác là do y theo bổn giác mà có bất giác. Do y theo bất giác nên nói có thủy giác”. Nghĩa của thủy giác cũng chính là y theo lý thể của bổn giác mà nói. Bởi vì có bất giác, bất giác này chính là vô minh, vô minh vọng động, cho nên đối diện với tướng cảnh giới thì khởi lên các loại vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Mà bổn giác này lại thuận theo nhân duyên của những ô nhiễm này nên thủy giác và bổn giác đều không hiển lộ, do đó gọi là bất giác. Không phải nói không có bổn giác, bổn giác không hề mất đi, chỉ là không hiển lộ mà thôi. Bây giờ nếu bắt đầu giác ngộ rồi, từ trong mê hoặc, vọng tưởng, tạo nghiệp mà quay đầu thì đây gọi là thủy giác. Có thủy giác rồi thì bổn giác tự nhiên liền hiển hiện, cho nên thủy giác là đối với bổn giác mà nói. Thủy giác là do bất giác mà nói. Do có bất giác nên mới nói có thủy giác, cho nên bổn giác này ẩn hiện là tùy theo các nhân duyên khác nhau. Tâm của chúng ta là chân vọng hòa hợp, chân tâm là bổn giác, vọng tâm là bất giác. Sanh khởi trí tuệ thủy giác này chính là một quá trình từ bất giác đi đến bổn giác. Điều này cần có nhân duyên. Nhân là lý thể bổn giác của chúng ta. Bổn giác có khả năng huân tu một cách tự nhiên, đồng thời chúng ta cũng cần có duyên. Duyên chính là thân cận thiện tri thức, nghe hiểu được chánh pháp. Như vậy mà tiến thêm một bước nữa tu hành như lý, tư duy như lý thì dần dần có thể giác ngộ. Cuối cùng thủy giác sẽ hợp nhất với bổn giác. Đây gọi là ý nghĩa của “cầu tịch”.

/ 19