/ 22
46

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 21 Tháng 12 Năm 2009

Tập 3

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Xin xem điều Bốn Mươi trong phần Tinh Hoa.

Kinh văn: “Năng ư thử thế, đoan tâm chánh ý, bất vi chúng ác, thậm vi đại đức”.

Từ điều này trở xuống đến điều Bốn Mươi Tám, thảy đều là trích lục trong “phẩm Ba Mươi Lăm - Trược Thế Ác Khổ”. Trong phẩm kinh văn này là Phật nói với Di Lặc Bồ Tát, Ngài nói với những chúng sanh đang sống trong thế gian này, tức là nói chúng ta đang sống trong xã hội hiện nay mà có “đoan tâm chánh ý”, đoan tâm chánh ý chính là phát Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm, trong bản kinh tôi thường hay dẫn dụng một câu phía sau của đề kinh “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”, đây là tự thọ dụng của Bồ Đề tâm. Ở trong kinh luận, kinh là chỉ cho Kinh Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong kinh này nói cho chúng ta biết thể của Bồ Đề tâm là Chí Thành tâm. Trong Phật pháp nói từ Thể khởi dụng rất rõ ràng, tác dụng có tự thọ dụng, có tha thọ dụng. Tự thọ dụng chính là thanh tịnh, bình đẳng, giác, đây là dụng tâm gì để đối với chính mình, còn Bồ Đề tâm là đối với người khác là đại từ đại bi, tức là dùng tâm từ bi đối với mọi người, thanh tịnh, bình đẳng, giác là đối với chính mình. Thể là Chí Thành, là Chân Thành, trước kia tôi ở bên Mỹ, ở bên đó là một hoàn cảnh của phương Tây, tôi giới thiệu Bồ Đề tâm, cũng dùng cái phương thức này mà so sánh cụ thể.

Mã Minh Bồ Tát tại trong Khởi Tín Luận, Ngài giải thích cho chúng ta là Trực tâm, Thâm tâm và Đại Bi tâm, trong Quán Kinh nói Chí Thành tâm, Thâm tâm và Hồi Hướng Phát Nguyện tâm. Kinh và luận hợp lại mà xem, thì ý nghĩa rất rõ rệt, cho nên đơn giản nhất, rõ ràng nhất, vẫn là dùng đề kinh của kinh Vô Lượng Thọ thì hay hơn. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư, Ngài hội tập bộ kinh này, Ngài đem nghĩa thú của toàn bộ kinh đều hiển thị ra trên đề kinh. Nửa đoạn trên Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm, đó là Quả, nửa đoạn dưới Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, đây là Nhân, tu Nhân chứng Quả, cho nên đề kinh này rất là viên mãn. Đại Thừa là trí huệ, Vô Lượng Thọ là đại đức, quý vị xem, trong kinh luận thường nói đức hạnh có vô lượng vô biên, trong vô lượng vô biên đức hạnh, cái đức nào quan trọng nhất? Là thọ mạng, nếu chẳng có thọ mạng, dù có công đức phước báo nhiều đi nữa, nhưng cũng trống không, nhất định phải có thọ mạng, quý vị mới hưởng thụ được, cho nên vô lượng thọ là đệ nhất đức. Trang Nghiêm là tốt đẹp, chẳng có khiếm khuyết chút nào, đây là hình dung Cực Lạc thế giới. Vì sao Cực Lạc thế giới trang nghiêm như vậy? Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ, Cực Lạc thế giới là Đại Thừa, chẳng phải Tiểu Thừa.

Đại Thừa là lấy Bồ Đề tâm làm then chốt, làm trung tâm, hay nói cách khác, ai nấy đều là Bồ Đề tâm, cũng tức là nói, người người khởi tâm động niệm, đều là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Cho nên phải đoan chánh tâm tánh của mình, đơn giản mà nói, nay chúng ta phải học theo cách nào, điều này rất quan trọng. Phàm là không hợp lý, lý là tánh đức, nghĩa là trái với tánh đức thì chẳng đúng như pháp, trong pháp bao gồm cả pháp luật của quốc gia, cũng bao gồm cả phong tục tập quán, không hợp tình, tình là tình người, người Hoa nói hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Nếu chẳng hợp lý, chẳng hợp pháp, chẳng hợp tình, chẳng những chúng ta không được làm, mà cũng không nên nghĩ nó, không nên xem cũng không nên nghe, đây chính là nhà Nho thường nói: “Chánh tâm thành ý”. Nhà Nho dụng công phu là “cách vật trí tri”, Vật là dục vọng, Cách là cách đấu, có nghĩa là quý vị phải chiến thắng tự tư tự lợi của mình, phải chiến thắng dục vọng lôi kéo mình, quý vị phải thoát khỏi nó. Sau đó tâm của quý vị Chánh, ý của quý vị Thành, cho nên trong Phật pháp nói, phát Bồ Đề tâm và đoan tâm chánh ý, tức là cổ thánh tiên hiền Trung Hoa gọi là công phu.

“Bất vi chúng ác”, chữ Ác này phạm vi rất rộng, rất sâu, phàm là bất lợi đối với tất cả chúng sanh đều là ác, nếu đối với tất cả chúng sanh có tổn hại đều là đại ác. Hiện nay, chúng ta sống trong thế gian này, người Hoa nói, lúc này, nơi này chúng ta đang sống, trong giai đoạn này, trong xã hội này, chúng ta có thể nói, chẳng những là ở Trung Hoa hoặc ở trên toàn cả thế giới từ khi có lịch sử đến nay, chưa từng có trược ác như vậy. Lúc tôi mới bắt đầu học Phật, vào khoảng sáu mươi năm trước, lúc đó tôi đọc kinh A Di Đà, đọc đến câu “ngũ trược ác thế”, thì tôi cảm thấy Thích Ca Mâu Ni Phật, có phải Ngài đã nói quá đáng một chút? Lúc đó, tôi nghĩ rằng xã hội này an định, không có cảm thấy trược ác, thế nhưng đến ngày hôm nay, sáu mươi năm sau nhìn thấy xã hội ngày nay, mới biết Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, chẳng sai chút nào, Ngài ở ba ngàn năm trước đã nói rất đúng, đích thật là trược ác đến chỗ cùng cực.

/ 22