/ 22
42

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 20 Tháng 12 Năm 2009

Tập 2

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Xin xem trong trang này, thứ tự là điều Năm Mươi Bảy, chúng tôi xin đọc đoạn kinh văn này.

Kinh văn: “A Dật Đa, đương tri nghi hoặc ư chư Bồ Tát vi đại tổn hại, vi thất đại lợi. Thị cố ưng đương minh tín chư Phật, vô thượng trí tuệ”.

Đến chỗ này là một đoạn, mấy câu này là Thích Ca Mâu Ni Phật nói với Di Lặc Bồ Tát. A Dật Đa chính là Di Lặc Bồ Tát. Tại trong pháp hội Vô Lượng Thọ, có hai vị làm đương cơ, vị đương cơ của nửa bộ kinh phía trước, là tôn giả A Nan, vị đương cơ của nửa bộ kinh phía sau, là Di Lặc Bồ Tát, cái ý nghĩa này rất là sâu xa. Tôn giả A Nan, là người truyền thừa Phật pháp, còn Di Lặc Bồ Tát, là tương lai kế tiếp một vị Phật. Hiện nay trong xã hội này rất hỗn loạn, chúng tôi đã từng nghe có người nói rằng, họ nói Di Lặc Bồ Tát đã hạ phàm, đã xuất hiện ở thế gian này của chúng ta, chúng ta tuyệt đối chẳng thể tin chuyện này. Thật tại mà nói, chư Phật, Bồ Tát, lòng từ bi của các Ngài khẩn thiết, lúc chúng sanh gặp phải tai nạn, chẳng có lý nào mà không cảm ứng, thế nhưng chúng ta phải biết, người phàm phu chúng ta có cảm, thì Phật, Bồ Tát có ứng. Chúng ta đọc trong kinh Hoa Nghiêm xem thấy, bậc Sơ Trụ trở lên, đích thật đã phá vô minh, cũng tức là nói, lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, thật sự đã buông bỏ khởi tâm động niệm, thì gọi là phá vô minh.

Vô minh, tức là khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm cũng chẳng có, thì làm gì có phân biệt, chấp trước? Phân biệt từ đâu mà có? Từ khởi tâm động niệm mà có. Chấp trước từ đâu mà có? Chấp trước từ phân biệt mà có. Vô minh từ đâu mà có? Vô minh chẳng có xuất xứ, vô minh không có nguyên nhân, chẳng thể truy tìm từ đâu mà có. Nếu truy tìm vô minh từ đâu mà có, thì vô minh lại cộng thêm vô minh, đó thì là rất phiền phức, cái niệm thứ nhất chẳng có nhân, không có nhân, cái niệm thứ hai, là lấy cái niệm thứ nhất, làm nhân của nó. Vì vậy mới sanh ra vọng niệm. Cho nên, vô minh là vô thỉ, tức chẳng có bắt đầu. Chẳng có bắt đầu, đương nhiên nó cũng không có chung kết, thì gọi là vô thỉ vô minh. Cái ý nghĩa này rất sâu, nhưng đây là chân tướng sự thật, vấn đề khó nhất trong Phật pháp, chính là cái vấn đề này. Tại trong Phật giáo gọi là đại vấn, vì sao lại có vô thỉ vô minh? Vô thỉ vô minh, khởi lên từ lúc nào? Nay ý niệm này của chúng ta toàn là vọng niệm, chỉ cần vọng niệm đình chỉ, thì chẳng có vô thỉ vô minh. Chúng tôi tu học trong giáo pháp Đại Thừa, đã tu học nhiều năm, dần dần mới hiểu rõ đạo lý này, đích thật là chẳng thể nói có bắt đầu.

Tại trong hội Lăng Nghiêm, có ghi chép một đoạn như vầy, Thích Ca Mâu Ni Phật nói một câu chuyện cho mọi người, Ngài nêu ra một thí dụ, như anh Diễn Nhược Đạt Đa mê đầu nhận ảnh, Ngài nêu ra thí dụ này. Ngài nói cái gì? Là nói hiện tượng nổi dậy của vô thỉ vô minh, trong kinh có nói thí dụ này. Thật ra là cùng với chúng tôi lúc còn trẻ ở trong trường học vậy, lúc đó chúng tôi ở trong trường, đang học lớp Trung Học cấp Hai, Trung Học cấp Hai là có môn học thực tập quân sự. Bởi vì lúc đó người Hoa đánh nhau với người Nhật, cho nên học sinh phải thực tập quân sự. Tại trong thực tập quân sự thường có báo động, khẩn cấp tập họp, khẩn cấp tập họp, hạn định trong ba phút thức dậy, liền mặc y phục chỉnh tề ra sân tập họp, thì xảy ra một chuyện này tương tự như chuyện của anh Diễn Nhược Đạt Đa vậy. Sau khi mặc xong y phục, đội nón chỉnh tề, mọi người đều chạy ra ngoài sân tập họp, đột nhiên có người hỏi: “Có ai thấy cái nón của tôi hay không?” Anh ta rất là hoảng hốt, đi tìm cái nón, người ta liền chỉ: “Cái nón của anh, chẳng phải đang đội trên đầu hay sao?” Cái nón đang đội trên đầu, anh ta đã quên mất, mà cứ đi tìm cái nón, thật ra nón đang đội trên đầu mà không biết, tình hình này rất tương tự như chuyện của anh Diễn Nhược Đạt Đa vậy! Cho nên, trong sự kinh hoảng thì anh ta đã mê, đây là điều thứ nhất, niệm thứ nhất mê chẳng có nguyên nhân.

Di Lặc Bồ Tát, là một vị Phật kế tiếp, đến lúc nào Ngài mới đến thế gian này để thành Phật? Thích Ca Mâu Ni Phật, tại trong kinh Di Lặc Hạ Sanh, có nói rất rõ ràng cho chúng ta. Thật ra chúng ta cũng có thể, tính ra số năm đó, có bao nhiêu năm? Hiện tại Di Lặc Bồ Tát, đang ở trên Đâu Suất nội viện, tức trên cõi trời Đâu Suất. Phật nói với chúng ta, thời gian của cõi trời Đâu Suất, khác với chúng ta rất nhiều, một ngày trên cõi trời Đâu Suất, là bốn trăm năm ở dưới nhân gian chúng ta. Một năm cũng là tính ba trăm sáu mươi ngày, quý vị nên biết một ngày của trên cõi trời Đâu Suất, là bốn trăm năm trong nhân gian chúng ta. Thọ mạng của người cõi trời Đâu Suất bao lâu? Thọ mạng của họ, thông thường là bốn ngàn tuổi, họ sống đến bốn ngàn tuổi, cũng là tính theo một năm, ba trăm sáu mươi ngày. Một ngày là bốn trăm năm, khoảng chừng là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, thì Di Lặc Bồ Tát hạ sanh đến thế gian này, chẳng có lý nào hiện tại, Ngài hạ sanh để thành Phật. Hiện tại Ngài cũng đến, tuyệt đối Ngài không dùng thân phận thị hiện thành Phật, như trong kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”.

/ 22