97Thứ Ba, 21/02/2023, 09:21
1166 · Tích Âm Đức Thêm Nỗ Lực Mới Có Thể Được Tốt

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 21/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1166

“TÍCH ÂM ĐỨC THÊM NỖ LỰC MỚI CÓ THỂ ĐƯỢC TỐT”

Chúng ta vừa phải tích âm đức, vừa phải nỗ lực làm việc thì mọi việc mới có thể thuận buồm xuôi gió. “Âm” là ẩn tàng. Chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh nhưng chúng ta không để người khác biết đó là chúng ta tích âm đức. “Dương” là rõ ràng, sáng tỏ. Chúng ta nên làm mọi việc một cách thầm lặng trừ những trường hợp chúng ta cần nói ra để nhắc nhở, hướng dẫn người khác cách làm. Nếu chúng ta làm mà mọi người đều biết thì mọi người sẽ tán thán, chúng ta cảm thấy hoan hỉ trong lòng thì chúng ta đã dùng hết phước báu.

Chúng ta thường rất thích được khen ngợi, tán thán cho dù chúng ta làm chưa đạt đến mức độ đáng được tán thán. Chúng ta làm một việc không tốt nhưng nếu chúng ta bị chỉ trích thì chúng ta phiền não thậm chí chúng ta ôm lòng thù oán. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh thời nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Chúng ta phải nghe lời khuyên bảo thì chúng ta mới có thể tốt hơn. Những lời tán thán sáo rỗng càng làm chúng ta tự cao, tự đại. Có những người nói lời khen ngợi người để người đó phục vụ cho công việc cho họ. Có những người chỉ cần nghe một vài lời khen ngợi thì họ sẵn sàng làm việc, trở thành công cụ của người khác.

Trong Kinh Phật dạy chúng ta không được che giấu lỗi lầm. Cho dù chúng ta đã tạo tội nghiệp sát, đạo, dâm thì chúng ta cũng phải nói ra cho Thầy, bạn, những bậc thiện hữu tri thức để họ chỉ bảo cho chúng ta. Chúng ta càng che giấu thì tội lỗi của chúng ta càng lớn. Trong nhà Phật, một tháng mọi người phát lộ sám hối hai lần. Khi đó, mọi người ngồi tập trung cùng nhau, các cư sĩ trong chùa phát lộ sám hối trước, sau đó đến các vị mới xuất gia và các vị đã xuất gia lâu năm.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nên nói để người khác biết tội nghiệp của chúng ta. Mọi người trách mắng chúng ta vài câu thì tội nghiệp của chúng ta đã được tiêu dần”. Chúng ta thường cố tình che dấu tội nghiệp của mình chứ chúng ta không muốn người khác biết. Ngày trước, tôi cũng có tâm thái này, tôi rất sợ người khác biết lỗi lầm của mình. Nếu chúng ta sợ người khác biết lỗi lầm, chúng ta cố che dấu thì chúng ta sẽ sống không thật với chính mình. Hiện tại, tôi nghĩ như thế nào, tôi sống ra sao thì tôi đều để mọi người biết.

Hòa Thượng nói: “Chính chúng ta tạo tác tội nghiệp thì chính chúng ta phải dũng cảm nhận. Chúng ta dũng cảm cải lỗi thì tội nghiệp của chúng ta mới có thể sám trừ”. “Sám hối” là chúng ta nhận ra lỗi của mình và chúng ta dũng cảm thay đổi, nhất định không tái phạm. Sám hối không phải là chúng ta quỳ trước Phật nhận lỗi nhưng sau đó vẫn tái phạm. Người có thể nhìn thấy lỗi, nhận lỗi và sửa được lỗi của mình thì đó là người dũng cảm.

Người xưa nói: “Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình”. Chúng ta chiến thắng được chính mình, thắng được những ham thích của chính mình thì đó là chiến công oanh liệt nhất. Chiến thắng chính mình là chúng ta chiến thắng những tập khí xấu ác, không để những tập khí xấu ác sai sự chúng ta. Chúng ta rất khó để đối trị, hàng phục “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy địa ngục ngũ điều căn”. Chúng ta nhiễm điều nào thì chúng ta cũng đã khai một đại lộ đi thẳng đến Địa ngục.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta tìm cách che giấu không muốn người khác biết vậy thì tội của chúng ta sẽ càng thêm nặng. Phật dạy chúng ta phải tích âm đức. Chúng ta làm bất cứ việc tốt gì thì chúng ta cũng không nên để người khác biết”. Khi chúng ta tổ chức Lễ tri ân Cha Mẹ, chúng ta không bao giờ mời báo chí, truyền thông đến. Người xưa nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Một bông hoa có hương thơm thì mọi người sẽ dần dần tự cảm nhận được. Một năm, hai năm, ba năm có thể người khác không biết nhưng mười năm hoặc thậm chí có thể khi chúng ta mất rồi thì người khác mới biết.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh, chúng ta không nên để người khác biết. Chúng ta tích phước đức càng dày thì tương lai quả báo của chúng ta sẽ càng thù thắng. Chúng ta làm việc thiện mà chúng ta để người khác biết, mỗi người tán thán chúng ta vài câu thì chúng ta đã hưởng hết phước”. Chúng ta làm được việc tốt không cần người khác biết còn chúng ta làm việc lỗi lầm thì chúng ta phải để người khác biết.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook