140Chủ Nhật, 19/02/2023, 10:52
1164 · Nóng Vội Nhất Định Hỏng Việc Không Thể Thành Tựu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 19/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1164

“NÓNG VỘI NHẤT ĐỊNH HỎNG VIỆC, KHÔNG THỂ THÀNH TỰU”

Người xưa nói: “An định từ vi”. “Từ” là chầm chậm. “Vi” là làm. Chầm chậm không có nghĩa là lề mề mà chúng ta làm việc một cách thận trọng, chắc chắn, an tường, điềm tĩnh. Đây là căn bệnh của tất cả chúng sinh, chúng ta luôn mong muốn mọi việc mau có kết quả, mau thành công. Chúng ta muốn mau có kết quả thì chúng ta sẽ bao chao, sốc nổi, nóng vội dẫn đến hỏng việc.

Hòa Thượng nói: “Từ xưa đến nay, người chân thật xây dựng được đại công, lập được đại nghiệp thì thân tâm của họ đều phải an định”. Chúng ta muốn làm được việc lớn thì chúng ta phải giữ thân tâm an định. Chúng ta học Phật pháp thì chúng ta càng phải giữ tâm thanh tịnh, nếu tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta tu pháp gì cũng không thể có thành công. Khi chúng ta niệm Phật, trì chú hay ngồi thiền, chúng ta đều phải giữ tâm thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật dạy chúng ta: “Động tác điềm thị, an định từ vi”. Chúng ta phải làm việc một cách an tường, một chút bao chao, nóng vội cũng không có. Điều này chúng ta nhất định phải học, phải rèn luyện”. “Điềm” là điềm tĩnh. “An” là an nhiên, tự tại. “Vi” là làm. Chúng ta phải làm việc một cách nhanh chóng nhưng động tác của chúng ta vẫn điềm tĩnh, an nhiên, tự tại không hấp tấp. Chúng ta làm được như vậy thì thân tâm của chúng ta luôn an định. Nhiều người đang làm một việc chưa xong thì họ đã bỏ đi làm việc khác đây là biểu thị của tâm bao chao, xao động. Ví dụ, chúng ta quét nhà xong thì chúng ta không mang rác đi đổ luôn hay chúng ta đào đất xong thì chúng ta không cất gọn xẻng mà đi làm việc khác. Trong làm việc hay học tập chúng ta đều phải giữ tâm an tường, một chút nóng vội cũng không có. Nếu chúng ta học mỗi thứ một chút thì chúng ta không thể đạt đến đỉnh cao.

Hòa Thượng nói: “Trong gia huấn, Ngài Tăng Quốc Phiên dạy con cháu, vãn bối: “Nói chuyện, lời nói phải chậm rãi. Đi đường phải khoan thai, không được phép bao chao, nóng vội. Khi làm việc cũng phải từ từ mà làm, mọi việc đều phải làm đạt đến kết quả tốt nhất”. Ngài Tăng Quốc Phiên là vị đại quan có ảnh hưởng quan trọng giai đoạn cuối nhà Thanh, Trung Quốc. Gia huấn của Ngài Tăng Quốc Phiên dạy người ba việc đơn giản nhưng giúp hình thành tính cách của mỗi người. Người xưa nói: “Chậm mà chắc”. Chúng ta làm chậm mà chắc còn hơn chúng ta luôn nóng vội. Chúng ta bao chao, nóng vội thì chúng ta rất dễ làm hỏng việc.

Hàng ngày, chúng ta thường nhắc các con làm mọi việc nhanh lên, khẩn trương lên. Chúng ta dạy con như vậy là chúng ta đã giáo huấn các con sai. Chúng ta phải cho các con ngưỡng thời gian nếu các con vi phạm chuẩn mực, vi phạm thời gian thì chúng sẽ phải nhận hình phạt. Thí dụ, trẻ dậy trễ giờ thì chúng sẽ phải nhịn đói đi học. Chúng ta không dứt khoát, rõ ràng thì trẻ cũng sẽ như vậy. Khi các con của tôi còn nhỏ, khi nghe thấy tiếng tôi ra tín hiệu gọi thì chúng liền sẽ ra cổng trường. Chúng ta cũng phải thiết định cho mình quy chuẩn, nếu chúng ta không có quy chuẩn thì chính chúng ta cũng sẽ chểnh mảng. Tôi thiết lập cho mình, nếu tôi dậy trước 3 giờ thì tôi có thể được ngủ lại, nếu dậy lúc 3 giờ 01 phút tôi cũng phải ngồi dậy. Khi điện thoại reo là 3 giờ 40 phút thì tôi phải ngồi dạy ngay, không được phép nằm thêm 5 giây hay 10 giây. Chúng ta làm việc một cách tùy tiện, chúng ta làm tổn hại của công là chúng ta tổn hại phước báu của chính mình. Nhiều người gặp chướng ngại mà không biết đó là do họ đã tiêu hao hết phước báu.

Hòa Thượng nói: “Điều tối kỵ nhất là tâm chúng ta bao chao, nóng vội! Người có tâm ý bao chao, nóng vội thì họ không thể thành được đại công, lập được đại nghiệp. Chúng ta muốn lập được đại công, lập được đại nghiệp thì chúng ta nhất định phải an định từ vi. Hiện tại, sức cám dỗ của năm dục sáu trần quá lớn khiến chúng ta luôn bao chao, xao động”. Sức cám dỗ của “năm dục sáu trần”, của “danh vọng lợi dưỡng” rất mạnh, nhiều người muốn có nhiều lợi nhuận nên họ bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng ta phải miễn nhiễm, vô cảm với “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng”. Nếu chúng ta cho phép mình có một chút “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta liền sẽ bị ô nhiễm. “Năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng” giống như tế bào ung thư, chỉ cần một tế bào thì chúng cũng sẽ phát triển một cách mạnh mẽ. Nếu chúng ta không đối trị những tập khí, phiền não này một cách quyết liệt thì chúng ta sẽ thất bại. Tâm chúng ta an thì chúng ta có thể vượt qua được sức cám dỗ của năm dục sáu trần”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook