11423/01/2023, 22:16 02/02/2023, 15:02
1137 · Chết Ta Sanh Về Đâu Mới Là Đáng Lo

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 23/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1137

“CHẾT TA SANH VỀ ĐÂU MỚI LÀ ĐÁNG LO”

Trong bài này, Hòa Thượng muốn nhắc nhở chúng ta, cái chết không đáng sợ mà điều đáng sợ là sau khi chết chúng ta sanh về đâu. Con người luôn bị chi phối bởi định luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Dù chúng ta tin hay không tin vào Phật pháp thì cái chết vẫn diễn ra. Người tin vào Phật pháp thì họ hiểu rõ quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử nên họ có đời sống tự tại hơn. Người không học Phật thì họ không biết khi chết họ sẽ đi về đâu. Phần nhiều người thế gian chỉ quan tâm đến hoàn cảnh sống hiện sinh, họ không chú tâm đến kiếp sau. Hòa Thượng nói: “Chết không đáng sợ mà đáng sợ nhất là chết đi chúng ta sanh về đâu!”.

Những ngày gần Tết rất nhiều người lo lắng, bận rộn để chuẩn bị Tết, tôi dặn học trò khi tham gia giao thông phải cẩn thận vì mọi người đang rất động tâm khi lái xe. Chúng ta phản chiếu lại nội tâm chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng đang chìm ngập trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Rất ít người hiểu kiếp nhân sinh là ngắn ngủi, chỉ như một khoảnh khắc. Hòa Thượng nói: “Kiếp người chỉ như một cái chớp mắt”. Nếu trong chớp mắt đó chúng ta vẫn chìm đắm trong vinh hoa, phú quý thì chúng ta không thể giải thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Tâm tham sẽ dẫn chúng ta đi vào cõi Ngạ Quỷ. Tâm sân dẫn chúng ta đi vào Địa Ngục. Tâm si dẫn chúng ta đi vào cõi Súc sanh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta ở trong sáu cõi luân hồi thì từng đời, từng đời chúng ta sẽ thấp dần, ngày càng xấu đi”. Chúng ta ở trong sáu cõi luân hồi, chúng ta muốn thoát ra sẽ rất khó. Cái chết không đáng sợ mà khi chúng ta chết, chúng ta sanh về đâu mới đáng lo!

Hòa Thượng nói: “Phật rất từ bi, Ngài sợ chúng sanh mê hoặc, điên đảo sẽ tạo tác tội nghiệp ba đường nên trên Kinh Phật đã nói rất thấu triệt, rõ ràng chân tướng sự thật này”. Nhà Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nhiều người có thân người nhưng họ luôn sống trong khổ đau, họ không biết cách thoát ra. Chúng ta có được thân người trọn vẹn, gặp được Phật pháp chân chính thì chúng ta phải hết sức chân trọng vì đây là cơ hội: “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Trăm ngàn muôn kiếp chúng ta mới có được thân người, gặp được Phật pháp chân chính. Phật pháp chân chính giúp chúng ta đời này thoát khổ đau, đời sau sinh vào nơi tốt. Hòa Thượng nói: “Đời hiện tại, chúng ta có nhân duyên rất thù thắng nên chúng ta phải chân trọng nhân duyên này”.

Những năm đầu tiên học Phật, tôi cũng “tu mù luyện quáng”, làm một cách mơ hồ không biết đúng sai. Tuổi trẻ tôi sống với tâm trạng rất bất an vì tôi không biết cuộc sống sẽ ra sao, mình sẽ đi về đâu. Sau khi được tiếp nhận Phật pháp chân chính thì tôi có được cuộc sống rất an vui, tôi biết khi chết mình sẽ đi về đâu. Tôi cũng biết cuộc sống an vui hay đọa lạc đều do chính mình. Hiện tại, nếu tôi đi vào Địa ngục thì tôi cũng đáng đời vì đó là mình “tự làm tự chịu”.

Chúng ta sống trong thuận cảnh thì chúng ta dễ chìm đắm trong thuận cảnh. Chúng ta sống trong nghịch cảnh thì chúng ta thường tự phản tỉnh. Chúng ta tu học đúng như Pháp, gia đình chúng ta làm theo chuẩn mực Thánh Hiền thì cuộc sống của chúng ta sẽ thuận lợi nhưng thuận cảnh dễ khiến chúng ta chểnh mảng. Nhà Phật dạy: “Vạn ban tương bất khứ duy hữu nghiệp tùy thân”. Khi chết chúng ta không mang theo được gì ngoài nghiệp. Chúng ta phải có trạng thái thuận cảnh, nghịch cảnh đều tốt. Nếu chúng ta không biết điều này thì chúng ta sẽ chọn thuận cảnh, chối bỏ nghịch cảnh.

Thuận nghịch đều do phước duyên của chúng ta. Người xưa nói: “Nhất ẩm, nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định, do phước duyên trong mạng chúng ta đã định. Chúng ta muốn cầu sinh Thiên cũng không được, chúng ta muốn chối bỏ điều này cũng không được. Trong mạng có nhất định có, trong mạng không nhất định không. Chúng ta hiểu rõ điều này chúng ta sẽ có tâm thái chuyên cần, tinh tấn.

Phật Bồ Tát đã là Phật Bồ Tát rồi nhưng các Ngài vẫn không ngừng chuyên cần, tinh tấn. Chúng ta vẫn là phàm phu, cảnh giới nội tâm của chúng ta chưa ổn định, chúng ta không dũng mãnh, tinh tấn thì chúng ta rất dễ lui sụt, thoái chuyển. Chúng ta tiếp cận nhiều pháp không có chánh kiến thì chúng ta cũng sẽ không có chánh kiến. Mấy hôm nay, tôi đến thăm một số nhà, trước đây họ thờ Tây Phương Tam Thánh rất trang nghiêm nhưng hiện tại họ đã thay đổi hoàn toàn, tôi không biết những bộ tượng họ đã mang đi đâu. Có những người đã từng niệm Phật 10 năm nhưng có người nói không có Phật A Di Đà thì họ bỏ tu. Tâm của chúng ta rất bao chao, chỉ cần một lời nói thì chúng ta có thể đã thay đổi. Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát vẫn đang dũng mãnh, tinh tấn”. Chúng ta phàm phu mà chúng ta vẫn đang tùy tiện vì vậy chúng ta rất dễ rơi vào những tập khí xấu ác như lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook