116Thứ Ba, 03/01/2023, 13:26
1117 · Tâm Tham, Tâm Ngạo Mạn Khởi Lên, Thì Liền Bị Ma Chướng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 03/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1117

“TÂM THAM, TÂM NGẠO MẠN KHỞI LÊN THÌ LIỀN BỊ MA CHƯỚNG”

Bài học này Hòa Thượng giảng cho người xuất gia nhưng người xuất gia và người tại gia chỉ khác nhau ở hình tướng. Người xuất gia hay người tại gia nếu đi vào vòng sinh tử thì cũng phải đọa lạc vào ba đường ác là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Mỗi người có cảnh giới tu hành hoàn toàn khác nhau nên thành tựu của mỗi người cũng sẽ khác nhau.

Nếu chúng ta không thường xuyên được nhắc nhở thì sau một thời gian ngắn, tất cả việc làm của chúng ta đều là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Ban đầu, chúng ta phát tâm vì người nhưng dần dần tâm vì người bị thui chột. Chúng ta không còn tâm hy sinh phụng hiến thì chúng ta gặp chướng ngại trùng trùng, ma chướng, oan gia trái chủ sẽ có cơ hội tấn công chúng ta. Nếu chúng ta không cần tiền tài, danh lợi, không cần bất cứ thứ gì thì chúng ta sẽ không bị chướng ngại.

Tôi sâu sắc biết ơn duyên ngộ gặp được 1200 Đề tài này, nếu chúng ta không được thường xuyên nhắc nhở thì ngay đến tâm thiện chúng ta cũng không có! Khi chúng ta đi làm, chúng ta được nhận lương và rất nhiều đãi ngộ khác thì đó là chúng ta đang hưởng phước. Hòa Thượng nói: “Chúng ta đừng nghĩ là chúng ta đang đi ban phước cho chúng sanh, chỉ cần chúng ta không làm phiền chúng sanh thì đã là tốt cho chúng sanh rồi!”.

Hòa Thượng nói: “Trong nhà Phật, có những người ban đầu tu hành tốt nhưng khi họ có danh cao, tiếng tốt thì họ bị ma chướng. Họ có danh tiếng lớn, lợi dưỡng nhiều nên tâm tham, tâm ngạo mạn khởi lên khi đó ma chướng liền xuất hiện”. Dù chúng ta là người xuất gia hay người tại gia thì chúng ta cũng phải xuất thế tục gia, phiền não gia, tam giới gia. Chúng ta ở trong nhà thế tục nhưng chúng ta không bị nhà thế tục làm phiền não, chúng ta không chấp trước vào nhà thế tục.“Nhà phiền não” chính là 16 chữ: “Tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. “Nhà tam giới” là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Chúng ta đọc Kinh, niệm Phật như nhai trầu thì chúng ta không thể trở thành Bồ Tát Bất Thoái.

Ngài Lý Bỉnh Nam ở trong nhà thế tục nhưng tâm Ngài không bị ràng buộc. Tâm Ngài hoàn toàn vượt ra khỏi nhà thế tục, nhà phiền não, nhà tam giới. Chúng ta không tạo nhân tam giới thì chúng ta không phải đi vào tam giới. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói, nhân của thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Chúng ta phát Tâm Bồ Đề mà không một lòng chuyên niệm thì chúng ta không thể vãng sanh. Chúng ta một lòng chuyên niệm mà chúng ta không phát Tâm Bồ Đề thì chúng ta cũng không thể vãng sanh. Tâm Bồ Đề là tâm toàn tâm, toàn lực vì chúng sanh lo nghĩ. Chúng ta có một chút vì mình lo nghĩ thì đó là chúng ta có tâm tư lợi. Chúng ta muốn phát Tâm Bồ Đề không khó, chúng ta nhìn những gì tôi làm trong một tuần lễ gần đây thì chúng ta sẽ thấy.

Trước đây, Tổ Ấn Quang thành lập Hoằng Hóa Xã để hoằng trì sách thiện. Ngài dùng tiền cúng dường để in Kinh, in sách thiện của Nho Gia, Đạo Gia. Hòa Thượng Hư Vân đi đến khắp nơi xây dựng chùa, sau khi xây dựng chùa xong Ngài mời một người chân thật tu học đến tiếp quản. Mọi lợi dưỡng có được các Ngài đều mang cúng dường cho chúng sanh. Chúng ta cũng vậy, chúng ta có lợi dưỡng thì chúng ta mang lợi dưỡng đó phục vụ chúng sanh.

Hiện tại, chúng ta đang xây trường dạy văn hóa, đạo đức truyền thống cho trẻ mầm non. Người xưa nói: “Thánh Hiền do dạy mà ra”. Phật Bồ Tát cũng do dạy mà ra. Bản thân tôi, nếu tôi không cố gắng học tập theo Hòa Thượng thì tôi cũng sẽ đọa lạc. Hàng ngày, tôi vẫn đọc nhiều lần những bài giảng của Hòa Thượng bằng chữ Hán. Chúng ta phải ngày ngày nỗ lực tự thay đổi, tự làm mới để chúng ta ngày ngày tiến bộ. Khi chúng ta chưa học, hay sau khi chúng ta học được 500 chuyên đề, 1000 chuyên đề thì tâm chúng ta sẽ hoàn toàn khác.

Hòa Thượng nói: “Người tu hành cần phải trải qua giai đoạn sẽ nổi tiếng, có danh văn, lợi dưỡng. Chúng ta phải có trí tuệ quang minh để nội chiếu lại nội tâm của chính mình. Chính chúng ta phải giác ngộ, chúng ta không nên dính vào “danh vọng lợi dưỡng” mà chúng ta phải xả từ nơi nội tâm”. Chúng ta không chỉ xả bỏ “danh vọng lợi dưỡng” trên hình tướng mà chúng ta phải chân thật xả bỏ từ nơi nội tâm. Tất cả những việc chúng ta làm là để lợi ích chúng sanh. Chúng ta càng cho đi thì chúng ta sẽ càng tự tại.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook