13402/01/2023, 19:12 05/01/2023, 12:53
1116 · Làm Thế Nào Để Hóa Giải Oán Thù

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 02/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1116

“LÀM THẾ NÀO ĐỂ HÓA GIẢI OÁN THÙ”

Vấn đề “Làm thế nào để hoá giải oán thù” là vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Người hãm hại, gây chướng ngại cho chúng ta hay thậm chí người dạy chúng ta quá khắt khe thì chúng ta cũng sinh tâm oán thù. Người xưa nói: “Giáo đa thành oán”. Người xưa khuyên chúng ta không nên nhắc nhở người quá ba lần nhưng trong nhà Phật thì không như vậy, Hòa Thượng nói: “Chúng ta nói một lần họ không nghe thì chúng ta nói ba lần, nói ba lần họ không nghe thì chúng ta nói 30 lần, 300 lần. Chúng ta nói đến khi nào người ta đuổi, người ta không cho nói nữa thì thôi!”. Đây là lòng từ bi vô hạn của nhà Phật. Chúng ta làm không vì “danh vọng lợi dưỡng”, chúng ta làm vì muốn tốt cho người nên chúng ta không ngại khó, ngại khổ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn hóa giải oán thù với người thì ngoài việc bao dung, nhẫn nại, chúng ta cần quan tâm, yêu thương, giúp đỡ họ. Chúng ta làm như vậy thì dần dần oan gia cũng sẽ cảm động, hồi đầu”. Nhiều oan gia trái chủ nhìn thấy chúng ta tu hành tốt nên họ lại trở thành hộ pháp cho chúng ta. Họ không những không đối đầu mà họ còn giúp chúng ta tu hành, làm Phật sự.

Trước đây, Hòa Thượng nói: “Oan gia trái chủ từ bi hơn chúng ta. Trong quá khứ, chúng ta đã dùng một dao đoạt mạng họ. Khi họ gặp lại chúng ta, họ thấy chúng ta đang tu hành thì họ chờ chúng ta tu hành có thành tựu. Nếu chúng ta thật tu, thật làm lợi ích chúng sanh thì họ sẽ làm hộ pháp cho chúng ta, chứ họ không còn là oan gia trái chủ. Nếu chúng ta không thật tu, thật làm, họ chờ mãi không thấy chúng ta có thành tựu thì họ mới ra tay”. Chúng ta toàn tâm toàn ý vì Phật pháp, vì chúng sanh, vì lợi ích xã hội thì oan gia trái chủ cũng sẽ trở thành hộ pháp cho chúng ta. Chúng ta chân thật làm thì chúng ta sẽ chiêm nghiệm được điều này. Thần hộ pháp không phải là những vị Thần ở phương xa mà có thể chính là oan gia trái chủ của chúng ta. Chúng ta có chướng ngại là do chúng ta có tâm tư riêng.

Hòa Thượng nói: “Người khác có ác ý với chúng ta chúng ta dùng thiện tâm đối với họ thì lâu ngày, dài tháng họ sẽ nhất định bị cảm hóa. Nếu chúng ta dùng ác ý với người mà người dùng thiện tâm đối với chúng ta thì chúng ta sẽ cảm thấy hổ thẹn và sám hối, quay đầu”. Người dùng ác ý, làm mọi việc gây khó khăn, chướng ngại chúng ta nhưng chúng ta chỉ một mực dùng thiện tâm, bao dung, quan tâm, giúp đỡ thì họ sẽ dần được cảm hóa. Con thú hoang, cây cỏ còn có thể cảm hóa được huống chi con người. Con người có linh tính cao hơn, thiện căn sâu dày hơn nên chắn họ sẽ bị cảm hóa.

Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Con người có tính Phật, có thiện căn rất sâu dày nên họ nhất định sẽ quay đầu. Người khác chưa quay đầu là vì chúng ta làm chưa đủ, tốt chưa đủ với họ. Chúng ta phải làm một cách quyết liệt chứ không phải chúng ta chỉ làm cho dễ coi. Chúng ta từ từ làm, từ từ chờ họ quay đầu thì chúng ta sẽ không có đủ thời gian. Chúng ta nghĩ năm sau chúng ta sẽ thay đổi thì khi tử thần đến chúng ta sẽ không trở tay kịp. Khi đến lúc phải chết mà chúng ta chưa muốn đi thì thân thể chúng ta sẽ cứng đờ.

Hòa Thượng nói: “Tôi học Phật thuận tiện hơn tất cả mọi người là nhờ thiện căn trong đời quá khứ. Nghiệp chướng, phiền não của tôi rất sâu dày, trong đời sống tôi gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ những duyên lành giúp tôi giác ngộ”.

Hòa Thượng kể câu chuyện, khi Hòa Thượng đi học, người bạn nào mà Hòa Thượng ghét thì Hòa Thượng sẽ hại họ không ngóc đầu lên được. Một lần khi cả lớp đang thi vẽ, một người bạn của Hòa Thượng đang nhìn phong cảnh để vẽ thì Hòa Thượng liền vẽ người đó. Bức tranh của Hòa Thượng vẽ được điểm khá cao, khi mọi người khen bức tranh thì Hòa Thượng nói: “Mọi người vẽ tĩnh vật còn tôi vẽ động vật”. Ý Hòa Thượng nói người bạn đó là động vật.

Hòa Thượng nói: “Tôi ức hiếp người đến như vậy! Người bạn làm phật ý tôi, ba ngày sau họ đã đến gặp tôi để xin lỗi. Tôi thì rất lâu sau mới tìm cách làm hòa”. Hòa Thượng đang nói việc của Hòa Thượng để nhắc nhở chúng ta. Người ta làm chúng ta giận thì 3 ngày sau họ đã tìm cách làm hòa nhưng chúng ta giận người thì chúng ta giận suốt đời. Chúng ta có thể nhận lỗi trên miệng nhưng tâm chúng ta không thể quên, chúng ta vẫn ôm oán hận. Đây chính là nghiệp chướng khiến chúng ta vĩnh viễn không thể chuyển phàm thành Thánh. Tâm chúng ta như vậy thì chúng ta sẽ không thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Bồ Tát Bất Thoái.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook